[ad_1]

Quyền và trách nhiệm của nhà nước đối với đất đai

Quyền và trách nhiệm của nhà nước đối với đất đai (Hình từ internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Quyền của nhà nước đối với đất đai

Quyền của nhà nước đối với đất đai được quy định tại Điều 13 đến Điều 21 Luật Đất đai 2013 (được sửa đổi bởi khoản 3 Điều 6 Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch 2018) bao gồm:

(1) Quyền của đại diện chủ sở hữu về đất đai

– Quyết định quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất.

– Quyết định mục đích sử dụng đất.

– Quy định hạn mức sử dụng đất, thời hạn sử dụng đất.

– Quyết định thu hồi đất, trưng dụng đất.

– Quyết định giá đất.

– Quyết định trao quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất.

– Quyết định chính sách tài chính về đất đai.

– Quy định quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất.

(2) Nhà nước quyết định mục đích sử dụng đất

Nhà nước quyết định mục đích sử dụng đất thông qua quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất và cho phép chuyển mục đích sử dụng đất.

(3) Nhà nước quy định hạn mức sử dụng đất, thời hạn sử dụng đất

– Nhà nước quy định hạn mức sử dụng đất gồm hạn mức giao đất nông nghiệp, hạn mức giao đất ở, hạn mức công nhận quyền sử dụng đất ở và hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp.

– Nhà nước quy định thời hạn sử dụng đất bằng các hình thức sau đây:

+ Sử dụng đất ổn định lâu dài;

+ Sử dụng đất có thời hạn.

(4) Nhà nước quyết định thu hồi đất, trưng dụng đất

– Nhà nước quyết định thu hồi đất trong các trường hợp sau đây:

+ Thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng;

+ Thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai;

+ Thu hồi đất do chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật, tự nguyện trả lại đất, có nguy cơ đe dọa tính mạng con người.

– Nhà nước quyết định trưng dụng đất trong trường hợp thật cần thiết để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh hoặc trong tình trạng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp, phòng, chống thiên tai.

(5) Nhà nước trao quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất

Nhà nước trao quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất thông qua các hình thức sau đây:

– Quyết định giao đất không thu tiền sử dụng đất, giao đất có thu tiền sử dụng đất;

– Quyết định cho thuê đất thu tiền thuê đất hàng năm, cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê;

– Công nhận quyền sử dụng đất.

(6) Nhà nước quyết định giá đất

– Nhà nước quy định nguyên tắc, phương pháp định giá đất.

– Nhà nước ban hành khung giá đất, bảng giá đất và quyết định giá đất cụ thể.

(7) Nhà nước quyết định chính sách tài chính về đất đai

– Nhà nước quyết định chính sách thu, chi tài chính về đất đai.

– Nhà nước điều tiết phần giá trị tăng thêm từ đất mà không do đầu tư của người sử dụng đất mang lại thông qua chính sách thuế, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, đầu tư cơ sở hạ tầng và chính sách hỗ trợ cho người có đất thu hồi.

(8) Nhà nước quy định quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất

Nhà nước quy định quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất phù hợp với hình thức giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, nguồn gốc sử dụng đất và nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất.

(9) Thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu về đất đai

– Quốc hội ban hành luật, nghị quyết về đất đai; quyết định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia; thực hiện quyền giám sát tối cao đối với việc quản lý và sử dụng đất đai trong phạm vi cả nước.

– Hội đồng nhân dân các cấp thực hiện quyền thông qua quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương mình trước khi trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; thông qua bảng giá đất, việc thu hồi đất thực hiện các dự án phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng của địa phương theo thẩm quyền quy định tại Luật Đất đai 2013; giám sát việc thi hành pháp luật về đất đai tại địa phương.

– Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu về đất đai theo thẩm quyền quy định tại Luật Đất đai 2013.

2. Trách nhiệm của nhà nước đối với đất đai

Trách nhiệm của nhà nước đối với đất đai được quy định từ Điều 22 đến Điều 28 Luật Đất đai 2013, bao gồm:

* Nội dung quản lý nhà nước về đất đai:

Nội dung quản lý nhà nước về đất đai bao gồm:

– Ban hành văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai và tổ chức thực hiện văn bản đó.

– Xác định địa giới hành chính, lập và quản lý hồ sơ địa giới hành chính, lập bản đồ hành chính.

– Khảo sát, đo đạc, lập bản đồ địa chính, bản đồ hiện trạng sử dụng đất và bản đồ quy hoạch sử dụng đất; điều tra, đánh giá tài nguyên đất; điều tra xây dựng giá đất.

– Quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

– Quản lý việc giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất.

– Quản lý việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thu hồi đất.

– Đăng ký đất đai, lập và quản lý hồ sơ địa chính, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

– Thống kê, kiểm kê đất đai.

– Xây dựng hệ thống thông tin đất đai.

– Quản lý tài chính về đất đai và giá đất.

– Quản lý, giám sát việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất.

– Thanh tra, kiểm tra, giám sát, theo dõi, đánh giá việc chấp hành quy định của pháp luật về đất đai và xử lý vi phạm pháp luật về đất đai.

– Phổ biến, giáo dục pháp luật về đất đai.

– Giải quyết tranh chấp về đất đai; giải quyết khiếu nại, tố cáo trong quản lý và sử dụng đất đai.

– Quản lý hoạt động dịch vụ về đất đai.

* Trách nhiệm quản lý nhà nước về đất đai:

– Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về đất đai trong phạm vi cả nước.

– Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm trước Chính phủ trong việc thống nhất quản lý nhà nước về đất đai.

Bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm giúp Chính phủ trong quản lý nhà nước về đất đai.

– Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm quản lý nhà nước về đất đai tại địa phương theo thẩm quyền quy định tại Luật Đất đai 2013.

* Cơ quan quản lý đất đai:

– Hệ thống tổ chức cơ quan quản lý đất đai được tổ chức thống nhất từ trung ương đến địa phương.

– Cơ quan quản lý nhà nước về đất đai ở trung ương là Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Cơ quan quản lý đất đai ở địa phương được thành lập ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; tổ chức dịch vụ công về đất đai được thành lập và hoạt động theo quy định của Chính phủ.

* Công chức địa chính ở xã, phường, thị trấn:

– Xã, phường, thị trấn có công chức làm công tác địa chính theo quy định của Luật cán bộ, công chức.

– Công chức địa chính ở xã, phường, thị trấn có trách nhiệm giúp Ủy ban nhân dân cấp xã trong việc quản lý đất đai tại địa phương.

* Bảo đảm của Nhà nước đối với người sử dụng đất:

– Bảo hộ quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất hợp pháp của người sử dụng đất.

– Cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người sử dụng đất khi có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật.

– Khi Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng thì người sử dụng đất được Nhà nước bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo quy định của pháp luật.

– Có chính sách tạo điều kiện cho người trực tiếp sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối không có đất sản xuất do quá trình chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất và chuyển đổi cơ cấu kinh tế được đào tạo nghề, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm.

– Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại đất đã được giao theo quy định của Nhà nước cho người khác sử dụng trong quá trình thực hiện chính sách đất đai của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

* Trách nhiệm của Nhà nước về đất ở, đất sản xuất nông nghiệp đối với đồng bào dân tộc thiểu số:

– Có chính sách về đất ở, đất sinh hoạt cộng đồng cho đồng bào dân tộc thiểu số phù hợp với phong tục, tập quán, bản sắc văn hóa và điều kiện thực tế của từng vùng.

– Có chính sách tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc thiểu số trực tiếp sản xuất nông nghiệp ở nông thôn có đất để sản xuất nông nghiệp.

* Trách nhiệm của Nhà nước trong việc xây dựng, cung cấp thông tin đất đai:

– Xây dựng, quản lý hệ thống thông tin đất đai và bảo đảm quyền tiếp cận của tổ chức, cá nhân đối với hệ thống thông tin đất đai.

– Công bố kịp thời, công khai thông tin thuộc hệ thống thông tin đất đai cho tổ chức, cá nhân, trừ những thông tin thuộc bí mật theo quy định của pháp luật.

– Thông báo quyết định hành chính, hành vi hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai cho tổ chức, cá nhân bị ảnh hưởng quyền và lợi ích hợp pháp.

– Cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền trong quản lý, sử dụng đất đai có trách nhiệm tạo điều kiện, cung cấp thông tin về đất đai cho tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.

 

Nguồn: https://thuvienphapluat.vn/chinh-sach-phap-luat-moi/vn/thoi-su-phap-luat/bat-dong-san/54468/quyen-va-trach-nhiem-cua-nha-nuoc-doi-voi-dat-dai

[ad_2]