[ad_1]

Quốc hội họp bất thường: Chính phủ đề xuất chi gần 147,000 tỷ làm 729 km cao tốc Bắc – Nam

Chính phủ đề xuất đầu tư công toàn bộ 729 km cao tốc của 12 dự án thành phần của dự án cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2021 – 2025.

Quốc hội họp bất thường: Chính phủ đề xuất chi gần 147,000 tỷ làm 729 km cao tốc Bắc - Nam

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể trình bày tờ trình về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025

Sáng 4/1, trình bày tờ trình của Chính phủ về dự án cao tốc Bắc – Nam phía đông giai đoạn 2021 – 2025, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, Chính phủ đề nghị xây thêm 729 km cao tốc trên các đoạn Bãi Vọt (Hà Tĩnh) – Cam Lộ (Quảng Trị), Quảng Ngãi – Nha Trang và Cần Thơ – Cà Mau, chia làm 12 dự án thành phần có thể vận hành khai thác độc lập.

Chính phủ cũng kiến nghị đầu tư phân kỳ theo quy mô 4 làn xe với bề rộng nền đường là 17 m, tốc độ thiết kế từ 100 – 120 km/giờ.

Tổng mức đầu tư dự án khoảng 146,990 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 2021 – 2025 bố trí 119,666 tỷ đồng và giai đoạn 2026 – 2030 bố trí 27,324 tỷ đồng.

Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cũng cho biết, để thực hiện xây dựng 729 km cao tốc nói trên, tổng diện tích đất sử dụng khoảng 5,481 ha.

Trong đó, đất trồng lúa 2 vụ khoảng 1,532 ha, đất nông nghiệp khác khoảng 1,280 ha, đất dân cư khoảng 502 ha, rừng phòng hộ khoảng 110 ha, rừng sản xuất khoảng 1,436 ha, đất khác khoảng 621 ha.

Kinh phí giải phóng mặt bằng, tái định cư khoảng 19,097 tỉ đồng.

Về hình thức đầu tư, Chính phủ kiến nghị khai thác theo hình thức đầu tư công toàn bộ 12 dự án thành phần.

“Sau khi hoàn thành sẽ nhượng quyền thu phí để thu hồi vốn nhà nước. Đây cũng là một hình thức huy động nguồn lực xã hội để tiếp tục đầu tư cho kết cấu hạ tầng”, ông Thể nói trước Quốc hội.

Về tiến độ, ông Thể thông tin, chuẩn bị dự án năm 2021 – 2022; giải phóng mặt bằng, tái định cư năm 2022 – 2023; khởi công năm 2023, áp dụng các công nghệ mới, giải pháp kỹ thuật tiên tiến nhằm đáp ứng yêu cầu cơ bản hoàn thành năm 2025.

”Trường hợp không phát sinh các tình huống phức tạp đến cuối năm 2025 có thể thông xe kỹ thuật toàn bộ các dự án thành phần và đưa vào khai thác một số đoạn tuyến. Các đoạn tuyến phức tạp về kỹ thuật (các công trình cầu lớn, hầm lớn, xử lý đất yếu…) sẽ hoàn thành đưa vào khai thác năm 2026”, ông Thể nói.

Đề xuất giải pháp hữu hiệu để huy động vốn ngoài nhà nước

Thẩm tra báo cáo, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh nhận định khả năng các ngân hàng thương mại cho nhà đầu tư vay vốn để thực hiện dự án theo phương thức PPP là rất thấp. Vì vậy, việc Chính phủ đề xuất đầu tư công để năm 2025 cơ bản hoàn thành tuyến đường bộ cao tốc Bắc Nam “là có cơ sở”.

Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ nghiên cứu, đề xuất giải pháp hữu hiệu để huy động vốn ngoài nhà nước cho các dự án giao thông PPP đã được Quốc hội phân bổ vốn theo kế hoạch.

Về thu hồi vốn đầu tư, ông Thanh cho rằng, cơ chế nhượng quyền thu phí, tổ chức thu phí dự án đường cao tốc do nhà nước đầu tư đến nay chưa được ban hành.

Đồng thời, qua giám sát, Ủy ban Kinh tế nhận thấy việc thu phí tự động không dừng tại các dự án BOT còn nhiều bất cập. Do đó, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ cần khẩn trương rà soát, hoàn thiện quy định pháp luật để khắc phục.

Liên quan tiến độ, cơ quan thẩm tra cho rằng, cần khoảng 3 năm để khởi công và khoảng 2 – 3 năm để thi công, khả năng đến năm 2026 mới hoàn thành toàn tuyến. Do đó, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ xem xét điều chỉnh lại tiến độ hoàn thành trong báo cáo trình Quốc hội.

Ngoài ra, theo ông Thanh, quy hoạch hướng tuyến, 81.5 km của dự án cao tốc đi trùng với đường Hồ Chí Minh. Vì vậy, Ủy ban Kinh tế đề nghị bổ sung, làm rõ phương án xử lý với các đoạn đi trùng để tránh ảnh hưởng đến nhu cầu đi lại, sinh hoạt của người dân và hiệu quả của các dự án liên quan.

Nhật Quang

[ad_2]