[ad_1]

Quốc lộ 14E đi qua các huyện Thăng Bình, Hiệp Đức, Phước Sơn (Quảng Nam) sau khi được nâng cấp mở rộng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các phương tiện giao thông đi lại của người dân, đồng thời rút ngắn thời gian vận chuyển hàng hóa, nông lâm sản từ các tỉnh Tây Nguyên đến các tỉnh duyên hải miền Trung và ngược lại, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội trong vùng…

Ông Nguyễn Hồng Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam phát biểu tại buổi làm việc kiểm tra, đôn đốc thực hiện Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 14E .
Ông Nguyễn Hồng Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam phát biểu tại buổi làm việc kiểm tra, đôn đốc thực hiện Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 14E .

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Nguyễn Hồng Quang cho biết Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 14E từ Km15+270 đến Km89+700 có tổng chiều dài toàn tuyến khoảng hơn 74km đi qua các huyện: Thăng Bình, Hiệp Đức, Phước Sơn của tỉnh đã được Ban Chỉ đạo về đẩy mạnh công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB) các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025 đưa vào diện theo dõi, chỉ đạo và đôn đốc GPMB để sớm triển khai thi công.

Đây là dự án thuộc nhóm B, có tổng vốn đầu tư là 1.850 tỷ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước, thực hiện trong giai đoạn 2021-2025.

Mục tiêu của dự án nhằm nâng cao chất lượng tuyến đường Quốc lộ đi qua địa bàn của tỉnh được xây dựng hơn 10 năm qua, hiện đã xuống cấp trầm trọng. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho các phương tiện giao thông đi lại, đồng thời giúp việc lưu thông hàng hóa của người dân chủ yếu là các xã miền núi thuộc 03 huyện Thăng Bình, Hiệp Đức, Phước Sơn.

Dự án này được Bộ Giao thông Vận tải quyết định điều chuyển nhiệm vụ chủ đầu tư từ Ban QLDA đường Hồ Chí Minh sang Cục đường bộ Việt Nam và Cục đường bộ đã giao cho Ban quản lý dự án 4 làm chủ đầu tư dự án này.

Để đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án, ông Nguyễn Xuân Ảnh, Phó Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam và ông Nguyễn Hồng Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam vừa có buổi làm việc kiểm tra, đôn đốc các đơn vị, địa phương liên quan khẩn trương phối hợp triển khai dự án.

Tại buổi làm việc, đại diện Ban Quản lý dự án 4, cho biết, đến nay, Ban đã ký 2 hợp đồng thi công xây dựng, bao gồm gói thầu XD01 thi công đoạn km15+270 – km40+000; gói thầu XD02 thi công đoạn km40+000 – km71+500. Riêng gói thầu XD03 thi công đoạn còn lại, chủ đầu tư sẽ trình Cục Đường bộ Việt Nam phê duyệt hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công trong tháng 3/2023.

“Từ khi tiếp nhận nhiệm vụ chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án 4 đã khẩn trương thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao và đến nay đã bàn giao toàn bộ cọc GPMB của dự án cho 3 huyện Thăng Bình, Hiệp Đức, Phước Sơn”, đại diện Chủ đầu tư cho biết.

Để đảm bảo mặt bằng tổ chức lễ động thổ khởi công dự án (dự kiến đầu tháng 3/2023), Chủ đầu tư cũng đề nghị UBND huyện Hiệp Đức bàn giao mặt bằng sạch trước của đoạn từ km44+744 – km44+968 (thị trấn Tân Bình). Đồng thời kiến nghị các sở ngành liên quan, UBND tỉnh ưu tiên giải quyết những vấn đề liên quan đến thẩm định hồ sơ GPMB, chấp thuận vị trí chứa vật liệu, cho thuê đất để lắp đặt trạm trộn bê tông nhựa phục vụ thi công…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Nguyễn Hồng Quang nhấn mạnh tầm quan trọng của Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 14E; đồng thời yêu cầu lãnh đạo các huyện có tuyến đường đi qua phải tổ chức triển khai tốt công tác trong tuyên truyền, vận động người dân đồng thuận với chủ trương chung của tỉnh và Nhà nước. Bên cạnh đó, khẩn trương giải quyết các kiến nghị phù hợp của chủ đầu tư; quan tâm kiểm đếm, áp giá, phê duyệt phương án bồi thường, GPMB; chú trọng lo bố trí tái định cư cho người dân bị ảnh hưởng theo quy định để bàn giao mặt bằng thi công công trình.

Ông Nguyễn Hồng Quang cho biết, tỉnh Quảng Nam rất quan tâm đến các công trình do Bộ Giao thông Vận tải triển khai trên địa bàn của tỉnh, xác định tinh thần và trách nhiệm của địa phương để phối hợp chặt chẽ trong khai thông mặt bằng thực hiện dự án. Đồng chí đề nghị các đơn vị, địa phương liên quan vào cuộc quyết liệt tháo gỡ vướng mắc để thực hiện thi công theo đúng tiến độ.

Tuyến đường Quốc lộ 14E sau khi được nâng cấp mở rộng sẽ rút ngắn đáng kể thời gian đi lại của các phương tiện tham gia giao thông, vận chuyển hàng hóa, nông lâm sản từ các tỉnh Tây Nguyên xuống vùng Trung Trung Bộ và ngược lại, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội trong vùng, phát huy hiệu quả các đoạn tuyến đã đầu tư trước đây; đảm bảo quốc phòng, an ninh cho khu vực.

Nguồn: https://vneconomy.vn/quang-nam-uu-tien-hoan-thanh-giai-phong-mat-bang-de-khoi-cong-du-an-cai-tao-nang-cap-quoc-lo-14e-trong-thang-3-2023.htm

[ad_2]