[ad_1]

Nhiều doanh nghiệp địa ốc giảm trên 50% lợi nhuận, số doanh nghiệp phá sản tăng gần 40%, đề xuất đánh thuế cao với căn hộ trên 50 triệu đồng/m2… là các tin tức đáng chú ý trong tuần qua

[Podcast] Bản tin 7 ngày địa ốc: Nhiều doanh nghiệp địa ốc giảm trên 50% lợi nhuận
2022, những khó khăn về nguồn vốn, chính sách đã tác động tiêu cực lên sức khỏe của các doanh nghiệp địa ốc. Ảnh: Đình Sơn
Nghe Bản tin 7 ngày địa ốc

Nhiều doanh nghiệp địa ốc giảm trên 50% lợi nhuận

Theo khảo sát báo cáo tài chính quý IV/2022 của 82 công ty bất động sản niêm yết, 7 doanh nghiệp báo lỗ trong năm 2022. Doanh nghiệp lỗ nặng nhất là FIDECO với gần 200 tỷ đồng.

Nhiều công ty sụt giảm lợi nhuận trên 50%. Trong đó, không ít doanh nghiệp giảm trên 95% như Đầu tư LDG (giảm 97% so với mức 141 tỷ đồng của năm 2021), Tập đoàn Danh Khôi (giảm 97%, còn 6,3 tỷ đồng)… 

Kể cả những doanh nghiệp báo lãi hàng nghìn, thậm chí hàng chục nghìn tỷ đồng như Vinhomes, Novaland, Phát Đạt, Nhà Khang Điền, đều có lợi nhuận đi xuống. Kết quả giảm sút lợi nhuận năm 2022 chủ yếu do sự lao dốc trong quý IV – trong đó một số doanh nghiệp thậm chí báo lỗ trong quý cuối cùng của năm 2022.

Theo dữ liệu của FiinPro, chỉ 27 trong số 82 doanh nghiệp đã công bố báo cáo tài chính tăng trưởng lợi nhuận trong năm 2022. Phần lớn các doanh nghiệp có lợi nhuận tăng trưởng đều nhờ mảng cho thuê hạ tầng khu công nghiệp, văn phòng hoặc tăng trưởng trên nền thấp của năm cũ.

Số doanh nghiệp địa ốc phá sản tăng gần 40%

Báo cáo mới nhất của Bộ Xây dựng cho biết khó khăn về dòng tiền, giá nguyên vật liệu leo thang… đã khiến số lượng doanh nghiệp địa ốc phá sản, giải thể tăng gần 40% trong 2022.

Đứng trước khó khăn, nhiều doanh nghiệp đã phải thay đổi phương án kinh doanh, quản lý như thu hẹp quy mô sản xuất, cắt giảm nhân lực – thậm chí, có đơn vị giảm đến 50% số lao động. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp phải dừng, đình hoãn hoạt động đầu tư, thi công dự án, dừng IPO.

chung-cu-phia-bac-ha-noi-3-174.jpg
Số doanh nghiệp địa ốc phá sản tăng gần 40%. Ảnh: Lê Quân

Đề xuất đánh thuế cao với căn hộ trên 50 triệu đồng/m2

Trong dự thảo xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 đang được Bộ Tư pháp hoàn thiện để trình lên Chính phủ, Bộ Tài chính đề nghị tách riêng đất ở, nhà ở và đánh thuế theo biểu thuế suất lũy tiến từng phần để đảm bảo mục tiêu điều tiết cao đối với trường hợp nhà, đất có giá trị lớn, điều tiết thấp đối với nhà, đất có giá trị không lớn. 

Tương tự, đối với nhà chung cư, đất xây dựng chung cư, đánh thuế thấp đối với những người sử dụng nhà có giá trị không lớn; đánh thuế cao đối với căn hộ cao cấp (mức giá trên 50 triệu đồng/m2) và miễn thuế với nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.

Bộ cũng đề xuất áp dụng mức thuế suất cao đối với nhà, đất lấn chiếm, bỏ trống, chưa đưa vào sử dụng hoặc chậm đưa vào sử dụng theo đúng quy định hoặc sử dụng chưa đúng mục đích.

Một số thông tin đáng chú ý khác

Nhiều địa phương ở Hà Nội đấu giá đất, khởi điểm từ 17,5 triệu đồng/m2

Tại huyện Phúc Thọ, Công ty Đấu giá hợp danh Đấu giá Việt Nam thông báo đấu giá đất ở đối với 20 thửa đất tại khu Hương Nam, xã Xuân Phú; và 17 thửa đất thuộc TT5 tại khu Đồng Phươm, xã Thọ Lộc với diện tích 99,2 – 249,7 m2/thửa. Giá khởi điểm từ 17,5 triệu đồng/m2. 

Tại huyện Đan Phượng, Công ty Đấu giá hợp danh Số 5 – Quốc gia thông báo đấu giá 63 thửa đất ở nông thôn tại khu trục đường N1, xã Hạ Mỗ với diện tích diện tích 61,9 – 80 m2/thửa. Giá khởi điểm từ 44 triệu đồng/m2.

Còn tại huyện Quốc Oai, Công ty Đấu giá hợp danh Đấu giá Việt Nam thông báo đấu giá 18 thửa đất ở tại các khu LK 1, LK 2, LK 5 và S2 – ĐG 06/2019 thôn Phú Mỹ, xã Ngọc Mỹ với diện tích từ 75 – 142,9 m2/thửa. Giá khởi điểm từ 44,2 triệu đồng/m2.

Hải Phòng: Chi hơn 1.000 tỷ đồng cho dự án xây dựng đường Đỗ Mười kéo dài và 1.300 tỷ đồng để xây cầu Lại Xuân nối với tỉnh Quảng Ninh

TP.Hải Phòng vừa khởi công 2 dự án gồm Dự án đầu tư xây dựng đường Đỗ Mười kéo dài đến đường trục VSIP, huyện Thủy Nguyên; Dự án xây dựng cầu Lại Xuân và cải tạo, mở rộng đường tỉnh 352 nối huyện Thủy Nguyên, TP. Hải Phòng với thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh. 

Dự án đường Đỗ Mười nối dài dài gần 1.600m, tổng mức đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng và dự kiến hoàn thành vào năm 2024. 

Dự án Cầu Lại Xuân dài 840 m, rộng 12 m, bắc qua sông Đá Bạch.  Đường tỉnh 352 được mở rộng thành 12m, dài hơn 14 km. Tổng mức đầu tư dự án vào khoảng 1.335 tỷ đồng. Dự kiến, công trình sẽ hoàn thành vào tháng 12/2024.

Đề xuất mở rộng nhà ga đầu tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc Nam

Theo quy hoạch mạng lưới đường sắt, khu vực Ngọc Hồi (đông nam Hà Nội) được xác định là điểm đầu của tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, đường sắt đô thị Ngọc Hồi – Yên Viên và cả đường sắt quốc gia hiện hữu.

UBND Hà Nội đã tiến hành kiểm đếm, giải phóng mặt bằng giai đoạn 1 khu vực ga Ngọc Hồi để chuẩn bị thi công metro. Cùng với đó, thành phố thống nhất với Bộ GTVT về việc lựa chọn vị trí depot của tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam trên địa bàn huyện Thường Tín.

Tuy nhiên vừa qua, Tư vấn Thẩm tra dự án đường sắt tốc độ cao nêu đề xuất mở rộng ga Ngọc Hồi để tích hợp tất cả đầu mối đường sắt gồm nhà ga, depot vào khu vực này; hủy phương án xây dựng depot tại Thường Tín.

Siêu ga Ngọc Hồi sẽ trở thành nhà ga và depot của cả 3 loại hình: Đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, đường sắt quốc gia hiện hữu và metro tuyến số 1 (Ngọc Hồi – Yên Viên). Trong đó, khu vực depot nằm bên cạnh nhà ga, có chức năng phục vụ kỹ thuật cho cả 3 loại tàu.

Sau khi nghiên cứu đề xuất của Tư vấn Thẩm tra, UBND Hà Nội đánh giá đề xuất này có thể xem xét chấp thuận. Tuy nhiên, tư vấn cần rà soát, tính toán diện tích đất cần bổ sung tại tổ hợp ga Ngọc Hồi để Hà Nội có cơ sở điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất.

Cũng trong báo cáo thẩm định, Tư vấn Thẩm tra đường sắt tốc độ cao đề nghị bổ sung một nhà ga dự phòng trên địa bàn Hà Nội để kết nối với sân bay thứ 2 của Vùng thủ đô (sân bay này đang được xem xét đặt ở đông nam Hà Nội). UBND Hà Nội đã thống nhất với đề xuất này.

Theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi được Bộ Giao thông Vận tải trình Chính phủ, dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam đi qua 20 tỉnh, thành từ Hà Nội đến TP.HCM. Trong đó, điểm đầu tại ga Ngọc Hồi (Hà Nội), điểm cuối tại ga Thủ Thiêm (TP.HCM). Đây là tuyến đường sắt tốc độ cao, dài 1.545 km, tốc độ khai thác tối đa 320 km/h. Tổng mức đầu tư dự kiến toàn bộ dự án khoảng 58,71 tỷ USD.

Xem xét dùng vốn ngân sách đầu tư 2 tuyến giao thông động lực tại Quảng Ngãi

Quảng Ngãi kiến nghị hỗ trợ từ ngân sách trung ương giai đoạn 2021 – 2025 cho dự án đường Hoàng Sa – Dốc Sỏi và đầu tư nâng cấp, mở rộng tuyến Quốc lộ 24B, đoạn Km23+300 – KM29+200.

Thủ tướng đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính xem xét, hỗ trợ bổ sung vốn đầu tư để thực hiện bởi đây là 2 dự án cần thiết để phát triển các vùng kinh tế động lực, đáp ứng nhu cầu vận tải, giảm ách tắc giao thông…

TP.HCM tính đầu tư 100.000 tỷ đồng cho 6 dự án BOT giao thông

Sở Giao thông vận tải TP.HCM đã có văn bản gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố về bổ sung, hoàn thiện cơ chế chính sách đặc thù, trong đó có đề cập đến 6 dự án thuộc các công trình cải tạo, nâng cấp, mở rộng đường bộ (gồm cả cầu và hầm) hiện hữu kết nối TP.HCM với vùng lân cận.

Các dự án đó là: Quốc lộ 1 đoạn An Lạc – ranh giới tỉnh Long An; cải tạo – nâng cấp quốc lộ 22 đi Củ Chi và Tây Ninh; quốc lộ 13 đoạn địa phận TP.HCM; kéo dài trục Đông – Tây về phía nam nối ra đường Vành đai 3 TP.HCM; trục đường Bắc – Nam, tức đường Âu Cơ nối Khu công nghiệp Hiệp Phước; tuyến đường động lực, tức đường song song quốc lộ 50 đi các tỉnh Miền Tây.

Thanh Hóa yêu cầu chủ đầu tư bàn giao 5 khu đất ‘đắc địa’ để thực hiện dự án nhà ở xã hội

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hoá, 5 khu đất quy hoạch nhà ở xã hội thuộc dự án nhà ở thương mại trên địa bàn TP Thanh Hoá và TP Sầm Sơn mà chủ đầu tư phải bàn giao cho nhà nước quản lý bao gồm: Khu dân cư dọc 2 bên đường dự án CSEDP thuộc khu đô thị Đông Sơn (TP Thanh Hoá); Khu đô thị phía Đông Đại lộ Bắc Nam, phường Nam Ngạn (TP Thanh Hoá); Khu thương mại và dân cư A-TM3, phường Đông Hương (TP Thanh Hoá); Khu dân cư Đông Nam làng Tân Thọ, xã Đông Tân, phường Phú Sơn (TP Thanh Hoá); Khu dân cư Đồng Xuân, phường Bắc Sơn (TP Thanh Hoá).

Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hoá đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa xem xét, chỉ đạo việc bàn giao các khu đất nhà ở xã hội trên cho Trung tâm Phát triển quỹ đất Thanh Hoá quản lý, làm cơ sở thực hiện trình tự, thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư và lựa chọn chủ đầu tư thực hiện các dự án.

[ad_2]

Nguồn: https://markettimes.vn/podcast-ban-tin-7-ngay-dia-oc-nhieu-doanh-nghiep-dia-oc-giam-tren-50-loi-nhuan-15663.html