[ad_1]

Thoái vốn, cổ phần hoá chậm được các chuyên gia, doanh nghiệp và người làm chính sách chỉ ra nhiều nguyên do, trong đó một phần do tài sản gắn liền với doanh nghiệp là đất đai. Với cơ chế cũ, nên mặc nhiên nhiều doanh nghiệp Nhà nước được giao đất, cho thuê đất trong dài hạn và khi cổ phần hoá, thoái vốn, đất đai được mặc định vào tài sản, xác định giá trị của doanh nghiệp khi cổ phần. Tuy nhiên, đặc quyền này cũng gây nhiều khó khăn cho tiến trình tái cơ cấu.

Phó Tổng giám đốc EVN: Thoái vốn, cổ phần hoá… sợ nhất là "ông" đất - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Xuân Nam, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN).

Tại hội “Hội thảo Giải pháp thúc đẩy quá trình cổ phần hoá doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp”, tổ chức sáng 17/5, tại Hà Nội, ông Nguyễn Xuân Nam, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) nêu khá nhiều bất cập. 

Doanh nghiệp cổ phần hoá, thoái vốn không ai muốn làm sai

Ông cho rằng đưa đất vào xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hoá, thoái vôn gây khó cho doanh nghiệp bởi giá thị trường nay thế này mai thế khác, nó thay đổi liên tục. Vậy xác định giá đất đai là giá của ngày nào?

“EVN cũng như các đơn vị khác, lo sợ nhất là đánh giá giá trị doanh nghiệp để thoái vốn, sợ nhất “ông” đất. Làm gì có thị trường để bán cả khuôn viên nhưng cứ xác định giá mà người dân đang giao dịch, “đánh” giá thật cao thì không có người mua, nếu không đưa vào thì sợ, mà đưa càng cao càng không bán được”, đại diện EVN nói.

Đại diện EVN kiến nghị loại đất đai ra khỏi việc giá trị doanh nghiệp khi CPH, bên cạnh đó là những khó khăn khác như sự thay đổi liên tục của chính sách cổ phần hoá dẫn đến doanh nghiệp không theo kịp… 

Đại diện EVN phải thẳng thắn thừa nhận thực trạng trong quá trình cổ phần hoá: “Doanh nghiệp làm rất sợ sai do chính sách không rõ chứ không phải doanh nghiệp muốn làm sai”.

Tại Hội thảo, chuyên gia kinh tế, TS Vũ Đình Ánh cho rằng, chính vấn đề liên quan đến đất đai đã và đang làm cản trở quá trình cổ phần hoá. Vì vậy cần tạch bạch để quản lý và trả lại tài sản cho Nhà nước, không gắn quyền lợi cho doanh nghiệp.

“Đất là tài sản của toàn dân, Nhà nước là đại diện quản lý, lý do gì mà định giá tài sản của Nhà nước lại để cho thị trường làm? Nên không có giá thị trường mà chỉ nên có định giá theo cơ chế thị trường, không phải cơ chế quản lý hành chính quan liêu.

Vấn đề quan trọng hơn là đất của doanh nghiệp Nhà nước được cho không, giao đất sau khi cổ phần hoá ai có quyền cho thuê hoặc chấm dứt cho thuê, ai có quyền sử dụng đất đó?

TS Vũ Đình Ánh cho rằng, hiện trong nhiều trường hợp cố phần, thoái vốn doanh nghiệp, chúng ta đang không bán doanh nghiệp mà bán đất thì đúng hơn. 

“Rất nhiều sai phạm của cổ phần hoá hiện nay là bán đất nhưng đội lốt là bán doanh nghiệp”, TS Ánh nói.

Theo ông Ánh, do tồn tại khách quan mà Nhà nước giao đất cho doanh nghiệp ở các loại hình như giao đất không giao quyền sử dụng đất, giao đất có thu tiền sử dụng và cho thuê đất.

Phải tách đất, trả lại đất cho Nhà nước

Ông Ánh kiến nghị cần sửa đổi Luật Đất đai, trong đó doanh nghiệp Nhà nước nắm quyền quản lý đất, tài sản gắn liền với đất phải chuyển hết sang cho thuê đất, trong đó chỉ cho thuê đất thời gian ngắn, không được có chuyện cho thuê một lần cho 50-70 năm. 

“Tất cả vấn đề sai phạm như sử dụng sai mục đích, chuyển đổi mục đích sử dụng hay nhượng đất đều xuất phát từ việc chúng ta cho thuê đất quá lâu, trong thời gian dài”, TS Vũ Đình Ánh nói.

Theo ông Ánh, việc áp giá thị trường vào tính giá trị tài sản của doanh nghiệp gây khó khăn cho cổ phần hoá.  Ông Ánh cho rằng, bình thường trong Luật Đất đai là Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, nhưng  ở doanh nghiệp Nhà nước, nếu tách quyền quản lý đất riêng trước, trong và sau cổ phần sẽ giao lại cho ai?

Dưới góc độ nhà quản lý, ông Nguyễn Tấn Thịnh, Cục trưởng Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính cho biết: Có doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thuộc đối tượng sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo Quyết định số 09/2007/QĐ-TTg nhưng hơn 15 năm nay không kê khai báo cáo và triển khai thực hiện, mặc dù Bộ Tài chính đã có nhiều văn bản đôn đốc. 

“Một số doanh nghiệp không chủ động triển khai việc sắp xếp cơ sở nhà, đất, đợi đến thời hạn sắp cổ phần hóa mới bắt đầu thực hiện, dẫn đến nhiều bất cập và có thể ảnh hưởng đến tiến độ cổ phần hóa”, ông Thịnh nêu thực trạng.

Nguồn: https://danviet.vn/pho-tong-giam-doc-evn-thoai-von-co-phan-hoa-so-nhat-la-ong-dat-20220517173809072.htm

[ad_2]