[ad_1]

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành: Sớm khởi công dự án cao tốc Dầu Giây – Liên Khương

Chiều 28/12, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cùng đoàn công tác của Chính phủ đã làm việc với hai tỉnh Lâm Đồng và Đồng Nai về các đoạn cao tốc Dầu Giây – Tân Phú, Tân Phú – Bảo Lộc và Bảo Lộc – Liên Khương. Đây là 3 hợp phần thuộc Dự án cao tốc Dầu Giây – Liên Khương với tổng chiều dài hơn 200km.

Phó Thủ tướng cùng đoàn công tác kiểm tra thực địa dự án cao tốc qua địa bàn Lâm Đồng

Đoạn thứ nhất là Dầu Giây – Tân Phú do Bộ GTVT làm chủ đầu tư, thực hiện bằng ngân sách nhà nước, còn 2 đoạn Tân Phú – Bảo Lộc và Bảo Lộc – Liên Khương do tỉnh Lâm Đồng làm chủ đầu tư, thực hiện theo phương thức đối tác công tư.

Theo ông Lê Anh Tuấn (thứ trưởng Bộ GTVT), đoạn cao tốc Dầu Giây – Tân Phú đang vướng mắc về các thủ tục liên quan đến đất rừng, do đó đề nghị tỉnh Đồng Nai chủ trì chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng và bàn giao cho dự án.

Đồng Nai khẩn trương triển khai phương án thu hồi đất, sớm chuyển cho Bộ NN&PTNT để trình Chính phủ phê duyệt chủ trương, làm cơ sở ký Quyết định đầu tư, phấn đấu khởi công vào tháng 10/2022 và hoàn thành vào năm 2025.

Đoạn thứ hai là Tân Phú – Bảo Lộc dài 66km (khoảng 55km nằm trên địa phận Lâm Đồng, còn lại thuộc tỉnh Đồng Nai), quy mô 4 làn xe ô tô và 2 làn dừng xe khẩn cấp, tổng mức đầu tư giai đoạn phân kỳ 16.220 tỷ đồng, theo phương thức đối tác công tư có sự tham gia hỗ trợ góp vốn của nhà nước.

Cao tốc sẽ giảm tải cho đèo Bảo Lộc, đường đèo nguy hiểm bậc nhất Tây Nguyên

Đoạn cuối cùng là Bảo Lộc – Liên Khương dài hơn 73km nằm trên địa bàn Lâm Đồng, quy mô 4 làn xe, tổng mức đầu tư giai đoạn phân kỳ 11.311 tỷ đồng, theo phương thức đối tác công tư.

Ông Trần Văn Hiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ NN&PTNT sớm thẩm định hồ sơ chuyển mục đích sử dụng rừng của dự án này sau khi hai tỉnh đã hoàn thiện hồ sơ.

Mặt khác, ông Hiệp đề nghị được triển khai theo hướng không thay đổi tổng mức đầu tư và thời gian hoàn vốn nhưng Chính phủ cho phép Lâm Đồng và đối tác rà soát, đưa quy mô đầu tư giai đoạn phân kỳ là 4 làn xe có chiều rộng nền đường 17m, giai đoạn hoàn chỉnh chiều rộng nền đường 22m để đảm bảo đồng bộ với các đoạn cao tốc Dầu Giây – Tân Phú và Bảo Lộc – Liên Khương.

Lâm Đồng cam kết cố gắng hoàn thành các đoạn cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc và Bảo Lộc – Liên Khương trong năm 2025 để đưa vào khai thác sử dụng đồng thời cả 3 hợp phần nhằm phát huy hiệu quả đầu tư dự án.

Dự án cao tốc này sẽ kết nối với cao tốc Liên Khương-Prenn

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho rằng một địa phương vốn rất khó khăn như Lâm Đồng mà đảm nhiệm làm cao tốc dài hơn 100km là một sự cố gắng rất lớn. Tỉnh này và đối tác liên quan cần khẩn trương triển khai các thủ tục pháp lý để sớm khởi công hai đoạn cao tốc qua địa phương trong năm 2022.

Đây cũng là tuyến cao tốc quan trọng đấu nối với tuyến cao tốc Long Thành – Dầu Giây, do đó các bộ, ngành phải hết sức quan tâm ủng hộ để hoàn thành toàn bộ 3 hợp phần dự án vào năm 2025 nhằm thúc đẩy phát triển vùng.

Kim Anh

[ad_2]