[ad_1]

Phó TGĐ Nguyễn Hoàng Nam (PwC Việt Nam): ESG cần được đặt ở vị trí hàng đầu

Chưa bao giờ các cụm từ “phát triển bền vững”, “bảo vệ môi trường”, “trách nhiệm xã hội”… lại được đề cập nhiều như hiện nay. Đặc biệt, đầu tháng 11/2021, thế giới diễn ra 2 Hội nghị quan trọng cấp toàn cầu: Hội nghị COP26 về biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc và Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp APEC 2021. Tại đây, các quốc gia bao gồm Việt Nam đã cam kết cao về ứng phó với biến đổi khí hậu.

Như vậy, các yếu tố môi trường, xã hội và quản trị (ESG – Environmental, Social and Governance) không còn là chuyện xa vời ở tầm quốc tế mà trở thành vấn đề của chính các doanh nghiệp. Chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Hoàng Nam, Phó Tổng Giám đốc, Lãnh đạo Dịch vụ ESG – Dịch vụ Kiểm toán, Công ty PwC Việt Nam, để tìm hiểu sâu hơn về vấn đề này.

Ông Nguyễn Hoàng Nam

ESG hiện đã trở thành vấn đề quan trọng trong kinh doanh của doanh nghiệp. Theo ông, đâu là lý do chính?

ESG có lẽ không phải là chủ đề mới mà đâu đó là những vấn đề cốt lõi trong hoạt động kinh doanh từ trước tới nay. Nhưng cuối cùng, nó đã đi đến thời điểm mà các quốc gia, tổ chức, doanh nghiệp không thể không quan tâm. Các Chính phủ đang tăng cường những hành động đối với yếu tố môi trường- xã hội – quản trị tại các doanh nghiệp. Cổ đông thì đòi hỏi doanh nghiệp phải hoạt động theo hướng chú ý đến cả yếu tố phi tài chính. Nhà đầu tư cũng yêu cầu cao về mức độ minh bạch. Quỹ đầu tư gần đây còn xây dựng các quỹ tài trợ những doanh nghiệp thực hành ESG tốt với lãi suất ưu đãi. Đặc biệt, người tiêu dùng – đối tượng quan trọng của doanh nghiệp đang thay đổi hành vi lựa chọn sản phẩm theo hướng xanh và bền vững.

Có thể thấy, rủi ro cũng như cơ hội mà ESG tác động và mang lại cho doanh nghiệp đã khiến ESG trở thành vấn đề quan trọng trong hoạt động kinh doanh của các công ty hiện nay.

Ông thấy doanh nghiệp Việt Nam đã quan tâm đến ESG đúng với tầm quan trọng đó chưa?

Mức độ ưu tiên và sự trưởng thành về ESG tùy thuộc vào ngành nghề, bối cảnh và điều kiện kinh doanh của từng doanh nghiệp, tùy sự trưởng thành trong hoạt động kinh doanh, chiến lược hay mô hình của mỗi doanh nghiệp. Vì thế, khó đưa ra nhận định cụ thể cho từng doanh nghiệp. Tuy nhiên, trên bình diện toàn cầu, theo khảo sát của PwC thì 3/4 doanh nghiệp tham gia cho biết đang ở giai đoạn đầu của hành trình ESG. Nghĩa là đến 75% doanh nghiệp chỉ mới bắt đầu chú ý đến yếu tố ESG. 25% còn lại có thể đã ở giai đoạn trưởng thành cao hơn.

Tại Việt Nam, một số doanh nghiệp hàng đầu kinh doanh theo hướng tạo ra hệ sinh thái, tạo giá trị bền vững về môi trường – xã hội – quản trị. ESG và số hóa sẽ là hai xu hướng tạo động lực song hành giúp doanh nghiệp có thể phát triển bền vững trong tương lai.

Về mặt quy định, Thông tư 96/TT-BTC yêu cầu doanh nghiệp niêm yết phải lập báo cáo phát triển bền vững bằng cách tích hợp vào báo cáo thường niên hoặc lập báo cáo riêng. Còn các công ty chưa niêm yết tuy không bị bắt buộc nhưng vẫn rất cần thực hiện ESG. Rõ ràng, ESG cần được đặt ở vị trí hàng đầu trong hoạt động công ty.

Nếu doanh nghiệp đã nhìn thấy lợi ích từ thực hành tốt ESG thì nên bắt đầu từ đâu?

Khởi sự là cần đánh giá lại rủi ro, qua đó tìm ra các cơ hội mới từ các yếu tố ESG chứ không phải triển khai ESG vì phong trào, xu thế.

Ban đầu, ở giai đoạn quản trị rủi ro (cả rủi ro vật lý và rủi ro chuyển đổi), doanh nghiệp sẽ rà soát lại các mảng kinh doanh để hướng đến 2 mục tiêu: Đảm bảo tính tuân thủ và tăng hiệu suất kinh doanh. Bởi Việt Nam đã cam kết đạt Net Zero vào năm 2050 và sẽ có kế hoạch hành động cụ thể nên Chính phủ Việt Nam sẽ ban hành nhiều chính sách tác động tới kinh doanh của các doanh nghiệp. Mỗi doanh nghiệp cần đánh giá các tác động, rủi ro này và xây dựng phương án hành động khác nhau. Từ phân tích rủi ro và cơ hội, doanh nghiệp sẽ nhìn nhận, định vị lại chiến lược kinh doanh, kế hoạch kinh doanh cũng như định vị lại những tiêu chí trong hợp tác với các đối tác và có thể chuyển hướng mô hình, lập các báo cáo, công bố ra bên ngoài.

Sang giai đoạn 2, doanh nghiệp chú ý tạo giá trị từ những yếu tố ESG, đưa mô hình kinh doanh có thực hành ESG vào thị trường để đạt tăng trưởng và vị thế.

Giai đoạn 3 của hành trình ESG là doanh nghiệp đạt lợi thế chiến lược, dẫn đầu thị trường, đạt quy mô lớn nhất định và vươn đến phát triển hợp xu thế trong tương lai. Lúc này, các đối tác, khách hàng, nhà cung cấp đều thích làm việc với công ty.

Tóm lại, thực hành ESG phải bắt đầu từ phân tích rủi ro, cơ hội và tích hợp các yếu tố ESG vào chiến lược, kế hoạch kinh doanh và đánh giá lại hiệu quả hoạt động trong từng năm. Những việc làm này chỉ có giá trị tốt khi công bố thành báo cáo phát triển bền vững ra bên ngoài. Báo cáo nên được kiểm toán để đạt giá trị tin cậy cao hơn.

PwC đã làm gì để có thể giúp doanh nghiệp thực hiện báo cáo phát triển bền vững (PTBV) đúng chuẩn?

Trước tiên, chúng tôi hỗ trợ doanh nghiệp xác định lộ trình và chiến lược lập báo cáo PTBV dựa trên kết quả đánh giá hiện trạng về thực hành báo cáo PTBV của doanh nghiệp.

Qua đó, chúng tôi sẽ cùng doanh nghiệp triển khai, ví dụ như xây dựng quy trình lập báo cáo, xác định các vai trò, trách nhiệm, chủ sở hữu dữ liệu, hay xây dựng các công cụ thu thập dữ liệu báo cáo để dần hoàn thiện công tác lập báo cáo toàn diện và đáng tin cậy. Riêng phần viết báo cáo, chúng tôi tư vấn cho doanh nghiệp các chuẩn mực báo cáo phù hợp với nhu cầu, thực trạng của công ty, đồng thời rà soát nội dung và cách thức trình bày để đảm bảo tuân thủ yêu cầu công bố thông tin và thông lệ tiên tiến về báo cáo PTBV.

Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, báo cáo PTBV nên được kiểm toán nhằm gia tăng độ tin cậy. Trong phạm vi kiểm toán, thông thường PwC thực hiện một trong hai phạm vi công việc. Một là ra báo cáo đảm bảo có giới hạn, giúp doanh nghiệp đạt sự tin cậy nhất định, đồng thời chỉ tốn chi phí vừa phải. Ở cấp độ cao hơn, muốn báo cáo đảm bảo hợp lý thì kiểm toán phải kiểm tra nhiều hơn với chi phí cao hơn.

Chi phí ấy cao hơn nhiều không?

Cao hơn trong khoảng từ 30-40% tùy theo tính chất và quy mô hoạt động của doanh nghiệp. Thực tế thì PwC vẫn khuyến khích doanh nghiệp thực hiện báo cáo PTBV có kiểm toán nhưng theo phạm vi đảm bảo có giới hạn, được xem là giải pháp phù hợp trong điều kiện hiện nay của các doanh nghiệp tại Việt Nam.

Đó là chi phí thực hiện kiểm toán báo cáo PTBV, còn chi phí thực hành ESG sẽ rất nhiều. Làm cách nào để doanh nghiệp nhận thấy chi phí cho thực hành ESG là phù hợp và xứng đáng đầu tư?

Nếu xét chi phí thì nên phân tích ở phương diện lợi ích và chi phí chứ không chỉ chi phí đơn thuần. Bỏ chi phí mà lợi ích cao hơn thì đó là hiệu quả. Thực hành ESG dù phát sinh chi phí nhưng đó là chi phí cân bằng, để doanh nghiệp không đi thụt lùi. Ban đầu, doanh nghiệp có thể tốn tiền cho xây dựng quy trình, chuẩn mực và mô hình cũng phải chuyển đổi nên phần nào đó tác động đến chi phí. Nhưng lâu dài, hành trình ESG sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao tính tuân thủ, tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh và quản trị rủi ro, tạo ra các giá trị mới. Đến lúc nào đó, các yếu tố này sẽ giúp doanh nghiệp nằm trong nhóm dẫn đầu, tiên phong.

Đặc biệt, khi thực hành ESG, doanh nghiệp tạo dựng được niềm tin trong chính lãnh đạo và đội ngũ nhân viên công ty. Mọi người cùng tin tưởng về định hướng PTBV ở doanh nghiệp, đảm bảo lợi ích không chỉ ở lương bổng, thu nhập mà còn là sự vững chắc về công việc, phát triển nghề nghiệp trong tương lai. Riêng các đối tác, khách hàng, nhà cung cấp, cộng đồng, xã hội… cũng an tâm tin tưởng khi làm việc với các công ty thực hành tốt ESG. Gần đây, các tổ chức tài chính quốc tế cũng quan tâm tài trợ tài chính với lãi suất ưu đãi cho các doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chí thực hành ESG tốt. Đây chính là các lợi ích mang lại, có thể vượt xa chi phí đầu tư ESG mà các doanh nghiệp nhận thấy trong hành trình kinh doanh trung và dài hạn. 

Bây giờ Việt Nam mới chú ý đến ESG thì có muộn không thưa ông?

Không muộn. Trên bình diện toàn cầu, hành trình ESG, nhất là trong các vấn đề môi trường, chỉ mới bắt đầu tích cực từ 2015-2016. Theo khảo sát từ PwC, nếu 53% công ty gia đình trên toàn cầu tin ESG tạo chuyển biến tốt và phát triển bền vững thì con số này ở Việt Nam khoảng 30%. Như vậy, thế giới đi trước chúng ta chưa lâu.

Bây giờ, động lực cho Việt Nam trong thực hành ESG đã cấp thiết. Cũng cần lưu ý đến tính đồng hành cùng triển khai ESG trong cộng đồng doanh nghiệp. Nếu không có các đối tác cùng tham gia thì ai sẽ cung cấp cho công ty các nguồn lực thực hiện ESG hiệu quả và thành công? Đây là hành trình các doanh nghiệp phải cùng chung tay thực hành, vì sự phát triển bền vững chung. Một doanh nghiệp không thể làm được câu chuyện ESG.

Về phía PwC đã thực hành ESG ra sao?

PwC toàn cầu và PwC Việt Nam đã áp dụng chiến lược Hệ Cân Bằng Mới, với 2 mục tiêu: Cam kết giúp khách hàng xây dựng lòng tin với các bên liên quan và mang lại kết quả bền vững.

Muốn vậy, trước hết PwC phải xây dựng được lòng tin ở khách hàng và mọi hoạt động hướng đến sự phát triển bền vững, vì lợi ích chung, cam kết cùng đồng hành thực hiện mục tiêu Net Zero vào năm 2030. Nghĩa là PwC chuyển đổi mô hình kinh doanh và xoay quanh 4 mục tiêu quan trọng: Cam kết giảm 50% lượng khí phát thải nhà kính, chuyển đổi 100% năng lượng tái tạo, giúp khách hàng trong quá trình chuyển đổi thực hành ESG mà trọng tâm là Net Zero. Ngoài ra, PwC góp phần nâng cao nhận thức xã hội về ứng phó biến đổi khí hậu, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi và thuyết phục đối tác cùng tham gia Net Zero. Từ 4 mục tiêu này, PwC có đánh giá toàn bộ hoạt động, xem đâu là yếu tố phát khí thải CO2 nhiều và đưa ra các chương trình cải thiện phù hợp. 

Thêm vào đó, PwC vẫn tiếp tục các hoạt động nâng cao kỹ năng nhân viên, doanh nghiệp, cộng đồng; đồng thời tăng cường tính minh bạch trong hoạt động thông qua các báo cáo mở rộng.

Xin cảm ơn ông!

Ngọc Thủy

[ad_2]