[ad_1]

Mặc dù nguồn nhà ở xã hội (NƠXH) cho công nhân trong các khu công nghiệp (KCN) đang bị thiếu hụt lớn về nguồn cung, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn chưa thực sự mặn mà tham gia đầu tư vì cho rằng cơ chế của Nhà nước thiếu hấp dẫn. Vì vậy, tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội hóa XV, một số đại biểu đã kiến nghị có chính sách và bố trí gói hỗ trợ thúc đẩy đầu tư xây dựng, cải tạo nhà ở cho công nhân lao động thuê, mua.

Thiếu hụt nguồn cung

Theo số liệu thống kê của Bộ Xây dựng, hiện nay, số công nhân làm việc tại các KCN có nhu cầu nhà ở khoảng 4,2 triệu người, tương đương 33,6 triệu m2 nhà ở. Nhưng đến nay, cả nước mới hoàn thành 266 dự án NƠXH, quy mô xây dựng hơn 142.000 căn, tổng diện tích hơn 7.100.000m2. Đang tiếp tục triển khai 278 dự án, quy mô xây dựng khoảng 276.000 căn, tổng diện tích khoảng 13.800.000m2.

“Trong số 266 dự án NƠXH, đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng 121 dự án dành cho công nhân KCN, quy mô xây dựng 54.000 căn hộ, tổng diện tích 2.700.000m2. Đang tiếp tục triển khai 100 dự án quy mô xây dựng khoảng 134.000 căn hộ, tổng diện tích 6.700.000m2. Trong giai đoạn từ đầu năm 2021 đến nay, chưa có dự án NƠXH dành cho công nhân được hoàn thành bàn giao do ảnh hưởng của dịch Covid-19 hầu hết các dự án bị chậm tiến độ” – Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh thông tin.

Phát triển nhà ở công nhân: Cần vốn “mồi” từ ngân sách

Nhà ở xã hội dành cho công nhân các khu công nghiệp vẫn đang thiếu hụt trầm trọng.

Theo chuyên gia tài chính Nguyễn Huy Thành, nhu cầu nhà ở cho công nhân hiện nay rất lớn, nhưng việc triển khai vẫn chưa đáp ứng được là do thiếu nguồn lực tài chính đầu tư; Cơ chế ưu đãi chưa đủ mạnh để thu hút doanh nghiệp tham gia; Việc đầu tư NƠXH dành cho công nhân đòi hỏi nguồn lực lớn, nhưng thời gian thu hồi vốn chậm… nên nhiều doanh nghiệp chưa thực sự mặn mà tham gia.

“Bên cạnh đó, nhiều địa phương chưa quan tâm chỉ đạo xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở. Đặc biệt là kế hoạch phát triển NƠXH, nhà ở cho công nhân khi lập quy hoạch đầu tư xây dựng khu công nghiệp” – chuyên gia Nguyễn Huy Thành nhìn nhận.

Cần hỗ trợ tái cấp vốn

Thạc sĩ Đinh Hữu Minh – Viện Kinh tế Xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết, nhà ở cho công nhân KCN có đặc thù nhất định, dành cho nhóm đối tượng khó khăn về nhà ở, khó có khả năng tiếp cận với các dự án nhà ở thương mại trên thị trường và theo quy định được hưởng chính sách về NƠXH. Trong khi thiết kế xây dựng loại hình nhà ở này vừa phải đảm bảo đáp ứng tiêu chuẩn hiện hành về xây dựng, phòng cháy chữa cháy, an ninh vừa phải thỏa mãn về diện tích, tiện nghi trong căn hộ, phù hợp với khả năng chi trả.

Bộ Xây dựng đã ban hành các quyết định công bố Suất vốn đầu tư xây dựng công trình (gần đây nhất là Suất vốn đầu tư xây dựng công trình năm 2016 công bố kèm theo Quyết định số 706/2017/QĐ-BXD của Bộ trưởng Bộ Xây dựng). Tuy nhiên, đối với công trình nhà ở, trong tập suất vốn đầu tư được công bố mới chỉ đề cập đến công trình nhà chung cư và nhà ở riêng lẻ. Trong đó, suất vốn đầu tư nhà chung cư được xác định cho các nhóm: Dưới 7 tầng, trên 7 tầng đến 20 tầng và trên 20 tầng; Nhà ở riêng lẻ: Nhà 1 tầng tường gạch mái tôn, nhà 1 tầng tường gạch mái bê tông cốt thép, nhà 2 – 3 tầng kết cấu chịu lực bê tông cốt thép và nhà biệt thự.

“Có thể thấy rất khó sử dụng suất vốn đầu tư xây dựng công trình nhà ở đã được công bố để áp dụng xác định tổng mức đầu tư đối với loại hình nhà ở cho công nhân KCN. Do đó, rất cần thiết xây dựng một kế hoạch tính toán phục vụ công bố suất vốn đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân KCN thời điểm hiện nay” – thạc sĩ Đinh Hữu Minh cho hay.

Các chuyên gia đều cho rằng nguồn vốn ngân sách để đầu tư xây dựng NƠXH dành cho công nhân có vai trò hết sức quan trọng, vừa làm “vốn mồi” để thu hút đầu tư, đẩy nhanh tiến độ triển khai. Nhưng bên cạnh đó cũng cần xây dựng cơ chế, chính sách thuận lợi để thu hút nguồn vốn từ khu vực khác tham gia xây dựng nhà ở cho công nhân. Nếu chính sách hợp lý, tranh thủ nguồn vốn lớn ở Nhân dân, doanh nghiệp và có sự phối hợp giữa Nhà nước với doanh nghiệp thì sẽ phát triển được chương trình nhà ở cho công nhân.

Mới đây, Bộ Xây dựng đã có văn bản gửi Quốc hội và Chính phủ đề nghị xem xét, bổ sung kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 để thực hiện chính sách NƠXH cho Ngân hàng chính sách xã hội, ngân hàng thương mại được chỉ định để cho vay phát triển NƠXH giai đoạn 2021 – 2025, trong đó sớm bố trí nguồn vốn 3.000 tỷ đồng phát triển NƠXH (gồm cả nhà công nhân) theo Nghị quyết 41/2020/NQ-CP.

Ngoài ra, căn cứ Nghị quyết số 75/2021/NQ-CP của Chính phủ, Bộ Xây dựng kiến nghị bổ sung gói tín dụng khoảng 30.000 tỷ đồng theo hình thức tái cấp vốn cho chủ đầu tư NƠXH, nhà ở công nhân KCN, khu chế xuất vay để đầu tư, góp phần thực hiện “mục tiêu kép”: Bảo đảm an sinh xã hội – nhà ở cho đối tượng yếu thế (người thu nhập thấp, công nhân); Thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế bền vững, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp gắn với hỗ trợ phát triển thị trường nhà ở và bất động sản.

“Thực tế triển khai công tác phòng, chống dịch Covid-19 vừa qua, bức xúc về nhà ở của công nhân càng lộ rõ bất cập. Một số địa phương, tại một thôn chỉ hơn 1.000 dân, nhưng lại là nơi lưu trú của gần 10.000 công nhân lao động, điều này tạo nên sức ép rất lớn về mật độ dân số, áp lực hạ tầng xã hội và dễ phát sinh các vấn đề về an ninh trật tự”.

Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến kết quả phát triển NƠXH chưa đạt mục tiêu đề ra do một số địa phương, trong quy hoạch đô thị, KCN chưa xác định rõ quỹ đất, chưa thực hiện nghiêm quy định dành 20% quỹ đất trong dự án nhà ở thương mại để phát triển NƠXH hoặc có bố trí nhưng ở vị trí không thuận lợi, chưa giải phóng xong mặt bằng…”.

Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) Hà Quang Hưng

[ad_2]