[ad_1]
Chuyên gia từ Fulbright cảnh báo, nếu áp lực lạm phát xuất hiện, Ngân hàng Nhà nước có khả năng thắt chặt tiền tệ, tác động đến thị trường chứng khoán.
Tại toạ đàm về tìm kiếm động lực tăng trưởng cho năm 2022 mới đây, ông Nguyễn Xuân Thành, giảng viên Đại học Fulbright cho rằng, thách thức với kinh tế trong nước và quốc tế còn rất lớn.
Theo đó, nền kinh tế có thể bị ảnh hưởng bởi các yếu tố như làn sóng dịch mới, sự chậm hồi phục của chuỗi cung ứng do chính sách giãn cách giữa các nước không đồng đều. Những điều này cũng dẫn đến thách thức cuối cùng, được xem là lớn nhất với các nhà đầu tư – lạm phát.
“Giá cả đang tăng mạnh. Các nền kinh tế phát triển hiện nay giá không những vượt mục tiêu lạm phát 2% mà đang ở quanh mức 5-6,5%. Nó dẫn đến việc các nước phải thắt chặt tiền tệ. Đây là thách thức rất lớn đến kinh tế toàn cầu”, ông Thành nói.
Tại Việt Nam, nếu áp lực lạm phát xuất hiện, Ngân hàng Nhà nước buộc phải điều chỉnh chính sách tiền tệ theo hướng thắt chặt. “Điều này có thể ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán”, ông Thành lưu ý. Tuy nhiên, chuyên gia này đánh giá hiện áp lực lạm phát trước mắt chưa lớn, có thể vẫn duy trì ổn định cho đến tháng 4/2022.
Từ khi Covid-19 xảy ra đến nay, Việt Nam sử dụng chính sách tiền tệ khá nhiều như giảm lãi suất, tạo thanh khoản, nhưng không quá mức. “Thanh khoản tốt cũng tốt cho thị trường chứng khoán, bất động sản nhưng chưa nóng đến mức tạo bong bóng”, ông nói.
Ông Thành dự báo, tốc độ tăng trưởng tín dụng năm sau ở mức khoảng 13-13,5%. Ngân hàng Nhà nước sẽ linh hoạt đổi hướng chính sách nếu áp lực gia tăng. Trường hợp lạm phát được kiểm soát, cơ quan quản lý sẽ chưa tăng lãi suất trở lại.
Để hỗ trợ cho kinh tế trong năm tới, ông Thành đề cập đến tầm quan trọng của một gói hỗ trợ. Dù vậy, ông cho rằng ưu tiên hàng đầu của gói này là ổn định kinh tế vĩ mô. Điều này hàm nghĩa là quy mô gói này dù lớn đến đâu, cũng ở mức độ không làm xói mòn các nền tảng vĩ mô, lạm phát vẫn phải được kiểm soát dưới 4%. “Như vậy, chính sách kích cầu, hỗ trợ hồi phục phải dựa nhiều hơn vào tài khoá thay vì tiền tệ”, ông nói.
Bởi Việt Nam hiện tại vẫn chưa đối mặt với hiện tượng lạm phát cao nhưng yếu tố này đã xuất hiện tại nhiều nước. Do vậy, Việt Nam không thể tiếp tục nới lỏng tiền tệ mà chỉ cần duy trì ở trạng thái đảm bảo thanh khoản tốt, ổn định mặt bằng lãi suất và sẵn sàng để điều chỉnh linh hoạt nếu như áp lực lạm phát là bất khả kháng.
Hiện tỷ lệ bội chi ngân sách Việt Nam năm 2022 đang được dự toán ở mức 4% GDP. Do vậy, tiền thực từ ngân sách cho gói hỗ trợ là không đáng kể, theo ông Thành. Gói chính sách này dự kiến có thể huy động cả nguồn lực tài chính từ bên ngoài, sau đó tập trung tăng chi cho y tế; tiếp tục chính sách miễn giảm thuế cho doanh nghiệp; đầu tư cơ sở hạ tầng…
Dự báo thêm về tình hình kinh tế 2022, chuyên gia Fulbright đưa ra hai kịch bản. Theo đó, mục tiêu tăng trưởng 6,5% cho năm sau được xem là “trong tầm tay”. “Việt Nam chỉ cần không phải giãn cách mạnh, giữ được ổn định kinh tế vĩ mô là được. Thậm chí cũng không cần kích cầu nhiều quá”, ông nói.
Trong khi đó, nếu có gói hỗ trợ tốt và không phải thắt chặt tiền tệ (do chuỗi cung ứng toàn cầu phục hồi nhanh, giá cả hàng hoá giảm, không xảy ra áp lực lạm phát), tăng trưởng kinh tế của Việt Nam có thể đạt 7,5%.
Ở kịch bản xấu nhất, nếu Covid-19 phức tạp buộc tái giãn cách, tình hình kinh tế sẽ lặp lại như năm nay. Tuy nhiên, ông Thành cho biết, mọi thứ sẽ không xấu như thời gian vừa qua vì doanh nghiệp nhiều khả năng không phải đóng cửa hàng loạt. Một rủi ro khác mà Việt Nam có thể đối mặt là chuỗi cung ứng vẫn đứt gãy gây lạm phát khiến chính sách tiền tệ bị thắt chặt, ảnh hưởng đến thị trường tài chính. Khi những điều này xảy ra, GDP 2022 được dự báo khoảng 5%.
Đức Minh
[ad_2]