[ad_1]

CafeLand – Chuyên gia cảnh báo rủi ro “lướt sóng” bất động sản trong năm 2022; Đất vườn, đất nông nghiệp có dấu hiệu “sốt”; Bà Rịa – Vũng Tàu: Tăng cường công tác quản lý để ngăn chặn “sốt đất ảo”; Giá đất tăng từng ngày, phần lớn là “cò đất” bán qua tay, người mua thực ít… là những thông tin nóng trong tuần qua.

Hình minh họa

Chuyên gia cảnh báo rủi ro “lướt sóng” bất động sản trong năm 2022

Dù thị trường bất động sản đón nhận nhiều mặt tích cực trong bối cảnh dịch Covid-19, nhưng theo ông Nguyễn Văn Sinh – Thứ trưởng Bộ Xây dựng, sự phát triển của thị trường bất động sản chưa thực sự bền vững, còn tiềm ẩn yếu tố rủi ro. Tình trạng các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp vi phạm quy định pháp luật còn xảy ra tại một số địa phương; cơ sở dữ liệu, thông tin về thị trường bất động sản chưa đầy đủ, thiếu minh bạch; công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm chưa đáp ứng yêu cầu quy định.

Đáng chú ý tại một số địa phương đã xảy ra các vụ việc, hiện tượng như: Doanh nghiệp triển khai việc kinh doanh bất động sản chưa đủ điều kiện pháp lý; chuyển nhượng đất đai, kinh doanh bất động sản trái quy định; thực hiện các dự án phân lô, bán nền trên diện tích đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp không phải là đất ở; thực hiện giao dịch mua bán, chuyển nhượng nhà, đất khi chưa đáp ứng đầy đủ điều kiện, cơ sở pháp lý.

Đất vườn, đất nông nghiệp có dấu hiệu “sốt”

Chị Liên (nhà ở TP Thủ Đức, TP HCM) cho biết từ đầu năm đến nay, trừ thời điểm dịch, tuần nào chị và nhóm bạn cũng rủ nhau đi coi đất rẫy, vườn… để đầu tư hoặc mua làm nơi nghỉ dưỡng. Gần đây, chị và nhóm bạn không còn đi các địa phương lân cận TP HCM như Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Lâm Đồng… mà lên tận Bình Phước, Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai hoặc ra Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa để mua đất. “Các tỉnh ở Tây Nguyên đi lại thuận tiện, nhất là giá đất còn rẻ và có nhiều hồ đẹp” – chị Liên nói.

Trước nhu cầu tìm mua đất vườn, thổ cư ngày càng tăng sau giai đoạn giãn cách xã hội đã đẩy giá đất các địa phương lân cận TP HCM, cũng như một số tỉnh Tây Nguyên, Nam Trung Bộ tăng mạnh. Như các khu đất hồ thuộc TP Gia Nghĩa (Đắk Nông)… đã tăng 10%-20% so với thời điểm mới hết giãn cách.

Dồn dập sốt đất từ Bắc đến Nam

Những ngày qua, giới đầu tư, cò đất đổ xô về H.Trần Đề và TX.Vĩnh Châu (Sóc Trăng) săn đất khiến giá nóng lên từng ngày. Đất ruộng lúa, đất nuôi trồng thủy sản nằm dọc hai bên đường tỉnh 934B từ TP.Sóc Trăng về H.Trần Đề được hét hàng tỉ đồng mỗi công (1.000 m2), gấp đôi so với 3 tháng trước. Khu vực từ trung tâm huyện đến cầu Mỹ Thanh 2 giá cũng đội lên gấp đôi.

Sở dĩ giá đất tăng mạnh là do hồi đầu tháng 9.2021, cầu Mạc Đĩnh Chi vượt sông Maspéro được hợp long nối liền TP.Sóc Trăng với H.Trần Đề. Nhưng tin đồn nơi đây được quy hoạch cảng biển mới là điều được giới đầu nậu, cò lợi dụng để thổi bùng giá đất, dù theo lãnh đạo UBND H.Trần Đề đến nay cảng biển Trần Đề chưa có quy hoạch chi tiết 1/500.

Đồng Nai “trả nợ” nhà ở xã hội cho công nhân

Đồng Nai là địa phương tập trung nhiều khu công nghiệp (KCN), hiện đã thu hút hơn 614.000 công nhân lao động (CNLĐ) từ nơi khác đến làm việc và có nhu cầu về nhà ở rất lớn. Tuy nhiên, hiện nay số lượng nhà lưu trú công nhân, nhà ở xã hội (NƠXH) dành cho công nhân còn rất khiêm tốn, không đáp ứng được nhu cầu.

Ông Lê Mạnh Dũng, Phó Giám đốc phụ trách Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai cho biết, đến cuối tháng 11/2021, trên địa bàn tỉnh mới hoàn thành được 1.581 căn NƠXH, hiện còn 3 dự án đang triển khai và khi hoàn thành sẽ có thêm gần 2.900 căn. Như vậy, tính tất cả số lượng căn NƠXH đã có và đang xây dựng mới được gần 4.500 căn, so với nhu cầu thực tế không thấm tháp gì. Vì người lao động trong các nhà máy ở Đồng Nai đa số đến từ các tỉnh, thành khác nên đều có nhu cầu thuê, mua NƠXH.

Bà Rịa – Vũng Tàu: Tăng cường công tác quản lý để ngăn chặn “sốt đất ảo”

Ngày 24-12, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã có văn bản yêu cầu các sở ban ngành cùng UBND huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác quản lý đất đai, quy hoạch và xây dựng trên địa bàn để không xảy ra việc đầu cơ, sốt đất ảo ảnh hưởng đến an ninh trật tự trên địa bàn.

Trước đó, ngày 25-11, UBND tỉnh cũng đã có công văn yêu cầu Sở TN-MT và các đơn vị phối hợp rà soát việc lập quy hoạch sử dụng đất trong giai đoạn 2021-2030, đánh giá cụ thể các yếu tố liên quan khi kiến nghị điều chỉnh chỉ tiêu các loại đất, đề xuất các giải pháp thực hiện và quan tâm quy hoạch sử dụng đất 2 bên các tuyến đường nhằm tạo quỹ đất sạch khi triển khai đầu tư mới các tuyến đường để phát triển đô thị; đánh giá các tồn tại phát sinh khi thực hiện các thủ tục kiểm kê, xác lập quyền sử dụng đất, việc bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất để tham mưu cho tỉnh giải quyết theo đúng quy định pháp luật.

Cuối năm, cầm tiền trong tay, nắm ngay những mẹo đầu tư này để tiền đẻ tiền

Theo các chuyên gia về đầu tư, nếu có trong tay một số vốn nhất định có thể chia nhỏ để đầu tư. Trong đó mô hình đầu tư vàng mang lại nhiều lợi nhuận, nhưng rủi ro cao do xác suất vàng giảm giá là 30%, tăng giá là 70% và biên độ mua vào bán ra khá lớn. Kênh đầu tư an toàn nhất là gửi tiết kiệm nhưng lãi suất hiện tại khá thấp, sẽ không phù hợp với những người có đầu óc kinh doanh, thích thu lại lợi nhuận nhiều. Đầu tư bất động sản là kênh đầu tư ổn định nhưng dài hạn. Đặc biệt, khi giá BĐS tăng quá cao thời gian qua thì nhà đầu tư nên thận trọng.

TS Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam cho rằng, với những người có nhu cầu tìm mua BĐS thời điểm này cần nghiên cứu kỹ thị trường, quy hoạch khu vực mình định xuống tiền, tránh đổ xô vào những khu vực đã và đang tăng “nóng” vì những nơi ấy giá đất đang ở “đỉnh sóng”, nếu không tìm hiểu kỹ, nhà đầu tư sẽ dễ “sập bẫy” và “mắc cạn”.

Giá đất tăng từng ngày, phần lớn là “cò đất” bán qua tay, người mua thực ít

Thị trường khan hiếm nguồn cung, các dự án bất động sản chào bán sản phẩm đã đẩy giá lên, đất huyện ngoại thành Hà Nội bằng với khu trung tâm, các cò đất nhân cơ hội này đẩy giá đất ở, đất dịch vụ, đất nông nghiệp xen kẹt… lên giá cao ngất ngưởng.

Những ngày cuối tháng 12/2021, nhiều phân khúc bất động sản như chung cư, đất nền… đều có xu hướng tăng giá chóng mặt. Chị V.H một người đi tìm mua đất tại Hà Nội với nhu cầu ở thực phải lắc đầu ngao ngán, tháng 6 vừa rồi tìm hiểu một dự án tại huyện Hoài Đức, lô liền kề được giới thiệu gần 100 triệu đồng/m2 nhưng tới tháng 11 khu vực dự án giá đã tăng lên 140 triệu đồng/m2.

[ad_2]