[ad_1]

Nhiều hộ dân ở thôn An Thạnh 1, xã An Hải, huyện Ninh Phước (Ninh Thuận) phản ánh đến đường dây nóng của báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt, nhà của mình bị nứt nẻ do các đơn vị thi công công trình đập hạ lưu sông Dinh gây ra suốt 3 năm qua nhưng vẫn không ai hỗ trợ tiền sửa chữa nhà.

Sống lo sợ trong những căn nhà nứt

Trung tuần tháng 1/2022, phóng viên đến hiện trường ghi nhận và thực tế cho thấy việc phản ánh của người dân là có cơ sở.

Chỉ tay về những vết nứt trên tường nhà mình, bà Võ Thị Kim Chi ở thôn An Thạnh 1 bức xúc: Suốt nhiều năm qua gia đình bà luôn nơm nớp lo sợ vì những vết nứt trong nhà ngày càng rộng ra. Vết nứt đã rộng hơn 2-3cm nhìn thấy xuyên cả trời.

Những ngày mưa gió, nước từ các khe nứt chảy tràn vào khắp phòng ngủ, phòng khách đến nhà bếp khiến gia đình bà không thể ngủ yên.

Bà Võ Thị Kim Chi chỉ những vết nứt trong nhà bà. (Ảnh: Quang Đăng)

“Gia đình tôi thuộc diện chính sách, nên khi xây nhà đã được nhà nước hỗ trợ vốn mới có được căn nhà để cả gia đình mưu sinh bằng nghề bánh tráng. Nhưng mấy năm qua, mỗi khi trời mưa là nước chảy vào nhà làm ướt hết gạo khiến gia đình tôi không thể làm nghề. Qua báo chí, chúng tôi mong muốn tiếng nói của mình đến lãnh đạo cấp trên biết và giúp người dân….”, bà Chi nghẹn giọng!

Theo bà Chi, căn nhà của bà và gia đình em trai được xây dựng từ năm 2017, nằm liền kề nhau trên một khu đất chung của dòng họ. Trong đó, căn lớn được em trai bà xây dựng kiên cố với số tiền hơn 500 triệu đồng.

Riêng căn nhà của bà thì xây dựng ít hơn với số tiền gần 300 triệu đồng. Thế nhưng ở chưa được bao lâu, thì đến năm 2019 nhà bắt đầu xuất hiện các vết nứt nẻ do đơn vị đang thi công công trình đập hạ lưu sông Dinh.

Cách đó không xa, căn nhà của bà Võ Thị Mai cũng lâm vào cảnh tương tự. Bà Mai cho biết, căn nhà bà xây cuối năm 2017 với hơn 400 triệu đồng, có đúc bê tông kiên cố nhưng cũng không chịu được dư chấn do công trình thi công đập hạ lưu sông Dinh gây nên.

Gia đình nhà bà Võ Thị Mai cũng xuất hiện vết nứt kéo dài từ trần nhà xuống đất. (Ảnh: Quang Đăng)

“Họ dùng máy móc làm rung chuyển cả mặt đất, đến cả chén bát, lư hương trong nhà đang cúng giỗ cũng bị rơi bể. Hôm đó nhà tôi có đã giỗ nên tôi phải xuống xin họ tạm nghỉ để gia đình tôi cúng giỗ xong rồi hãy làm tiếp. Hiện nhà tôi nứt toác phần trên mái làm rơi cả gạch xuống nền…”, bà Mai thở dài.

Cũng theo bà Mai thì sau khi phản ánh cũng đã có đoàn đến kiểm tra rồi hứa hẹn hỗ trợ để sửa chữa nhưng đến nay vẫn “biệt vô âm tính”.

Nứt nhà do thi công bờ kè

Chung sự bức xúc vì nhà cửa bị nứt còn có 42 hộ dân khác ở địa phương bị ảnh hưởng do thi công tuyến kè bảo vệ bờ Nam sông Dinh từ giữa năm 2020 đến nay.

Căn nhà của bà Trần Thị Hoa ở thôn An Thạnh 1 mới xây dựng năm 2019 nhưng hiện nay đã chằng chịt các vết nứt kéo dài từ trên xuống dưới và đang ngày càng rộng ra nhưng gia đình không có điều kiện để sửa chữa. Theo ghi nhận của chúng tôi, nhà bà Hoa cách vị trí thi công công trình tuyến kè bảo vệ bờ Nam sông Dinh chưa đầy 100m.

“Khi đó người dân đã kéo ra để ý kiến, không cho phép đơn vị tiếp tục thi công nên cũng có vài người vào kiểm tra, rà soát hiện trạng nhà bị nứt. Sau đó họ hứa hẹn hỗ trợ sửa chữa nhưng đến bây giờ vẫn chưa thấy giải quyết gì cho bà con…”, bà Hòa thắc mắc.

Nhà ông Trần Đức Tiến bị vết nứt rộng hơn 10 cm, chia đôi nhà bếp và nhà vệ sinh. (Ảnh: Quang Đăng)

Trao đổi với phóng viên, ông Hồ Thanh Phong, Phó Chủ tịch UBND xã An Hải (Ninh Phước) xác nhận, đã nắm bắt được sự bức xúc của người dân bị nứt nhà do đơn vị thi công gây ra khi thực hiện các công trình nói trên.

Chính quyền địa phương cũng đã nhiều lần kiến nghị lên cấp trên giải quyết cho người dân có điều kiện sửa chữa nhà đã nứt nhưng không hiểu sao đến này vẫn chưa được giải quyết ổn thỏa.

“Người dân bức xúc kéo dài đã nhiều lần gửi đơn lên UBND xã, nhưng ở xã không đủ thẩm quyền giải quyết nên chỉ tuyên truyền, vận động người dân chờ chính quyền địa phương kiến nghị lên trên để giải quyết cho bà con…”, ông Phong nói.

Qua tìm hiểu, PV được biết tổng số hộ bị nứt nhà khi thi công 2 công trình nói trên là 64 hộ. Trong đó, có 24 hộ bị ảnh hưởng khi thi công đập hạ lưu sông Dinh và 40 hộ khác bị ảnh hưởng khi thi công công trình tuyến kè bảo vệ bờ Nam sông Dinh. Đến nay, vẫn chưa có hộ nào nhận được tiền hỗ trợ sửa chữa nhà bị nứt do thi công 2 công trình trên gây ra.

Chủ đầu tư nói gì?

Trao đổi với PV, ông Lại Nguyễn Vĩnh Phúc, Trưởng phòng quản lý công trình Thủy lợi (thuộc Chi cục Thủy lợi tỉnh Ninh Thuận và cũng là chủ đầu tư 2 công trình nói trên) cho biết, hiện nay đơn vị cũng đang phối hợp với các ngành chức năng và đơn vị bảo hiểm công trình để giải quyết phần hỗ trợ sửa chữa nhà ở bị nứt cho bà con.

Trong đó, đối với công trình đập hạ lưu sông Dinh thì Chi cục thủy lợi tỉnh đã phối hợp với Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Ninh Phước và đơn vị tư vấn thiết kế hoàn thiện xong mọi thủ tục và chỉ chờ cấp có thẩm quyền phê duyệt để hỗ trợ người dân sửa chữa nhà.

Tuy nhiên đến nay vẫn chưa có cấp thẩm quyền nào phê duyệt hồ sơ, thủ tục nói trên nên vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm việc hỗ trợ cho người dân có nhà bị nứt.

Đến nay, các đơn vị thi công công trình tuyến kè bảo vệ bờ Nam sông Dinh vẫn đang thi công những công đoạn cuối cùng để hoàn thiện. (Ảnh: Quang Đăng)

“Về mặt chuyên môn thì Sở Xây dựng Ninh Thuận là đơn vị thẩm định hồ sơ, thủ tục nói trên. Tuy nhiên không hiểu vì sao đến nay hồ sơ vẫn chưa được thẩm định để Chi cục Thủy lợi tỉnh Ninh Thuận cơ sở hỗ trợ sửa chữa nhà nứt cho người dân.

Riêng các hộ dân có nhà bị nứt do thi công tuyến kè bảo vệ bờ Nam sông Dinh thì chúng tôi đã phối hợp với đơn vị bảo hiểm, chính quyền địa phương đi khảo sát và tính toán thiệt hại để hỗ trợ sửa chữa nhà bị nứt…”, ông Lại Nguyễn Vĩnh Phúc nói.

Cũng theo ông Phúc, cuối tháng 12 vừa qua, chủ đầu tư dự án đã cùng đơn vị thi công và đơn vị bảo hiểm phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức họp dân đối với 26 hộ có nhà bị nứt nói trên để vận động, giải thích. Tuy nhiên, các bên vẫn chưa thống nhất.

“Sắp tới chúng tôi sẽ làm việc lại với ngành chức năng, đơn vị thi công và đơn vị bảo hiểm để giải quyết dứt điểm vấn đề trên, không để người dân bức xúc kéo dài…” ông Lại Nguyễn Vĩnh Phúc khẳng định.

[ad_2]