[ad_1]

Chọn làm môi giới bất động sản vì đây là một ngành dễ xin việc, kiếm được nhiều tiền, được ăn mặc sang trọng và gặp gỡ nhiều người giàu có, nhưng nhiều người đã “vỡ mộng” phải chuyển hướng vì nhầm đường, chỉ sau vài tháng bước vào lĩnh vực này.

Chỉ sau hai tháng thử việc, Nguyễn Thanh Tùng đành phải xin nghỉ việc tại một công ty môi giới bất động sản ở quận 3, TP.HCM. Mới cách đó ít ngày, chàng trai 22 tuổi này còn ôm mộng giàu sang khi bước chân vào nghề môi giới. Một lĩnh vực chẳng liên quan đến ngành học kế toán của Tùng và kiến thức về nghề này cũng chỉ là con số không tròn trĩnh đối với cậu.

Những thứ Tùng biết về nghề môi giới bất động sản là một ngành dễ kiếm việc, được ăn mặc đẹp, được gặp gỡ những người giàu có, nổi tiếng. Nhưng sâu xa hơn, điều khiến Tùng làm môi giới là khoản thu nhập hấp dẫn. Mỗi lần đọc một thông báo tuyển dụng với thu nhập lên đến cả trăm triệu đồng mỗi tháng tức thì con tim của Tùng lại loạn nhịp.

Thế nhưng, hai tháng được sống với nghề đã khiến Tùng tỉnh ngộ. Tất cả những gì anh biết trước đây chỉ là bức màn nhung phía bên ngoài, bên trong đó là một công việc vô cùng áp lực, cạnh tranh khủng khiếp. Tùng cũng không phải là trường hơp duy nhất xin nghỉ việc. Trong thời gian ngắn ngủi ở công ty này, cậu chứng kiến hàng chục nhân viên mới ra vào. Phần đông đều có xuất phát điểm và những suy nghĩ tương đồng như cậu.

Điều khiến Tùng nhớ nhất về nghề là những trưa nắng như đổ lửa vẫn phải đứng giữa đường phát tờ rơi. Khoản thu nhập chưa đến 2 triệu đồng không đủ để cậu đổ xăng, nạp tiền gọi điện thoại.

Ông Phạm Thanh Hưng, Phó Chủ tịch CenLand, cho biết có nhiều bạn trẻ chọn nghề môi giới bất động sản vì không tìm được việc làm hơn là quyết tâm theo đuổi nghề. Dường như xin vào làm nghề môi giới là dễ nhất vì các sàn, các công ty đều tuyển dụng ồ ạt. Nhưng tuyển dụng rồi, các bạn có thích ứng được hay không, có thu nhập từ nghề môi giới hay không lại là câu chuyện khác.

Tỷ lệ đào thải trong nghề môi giới rất cao. Có đến 50% các bạn vào nghề môi giới không thành công và thay đổi nghề nghiệp. Đây là vấn đề thực sự của nghề môi giới vì nhiều bạn bước chân vào nhưng không hiểu được nghề này phức tạp ra sao. Môi giới bất động sản đòi hỏi kiến thức tổng hợp về nhiều lĩnh vực.

Bạn phải có kiến thức chuyên sâu về bất động sản, về tài chính, phong thủy, xây dựng… thì mới có thể tư vấn và thuyết phục khách hàng. Một yếu tố nữa là, môi giới là một nghề vất vả. Các bạn phải thức đêm thức hôm với nó, phải trải qua nắng mưa gió bão và phải rất kiên trì mới làm được nghề này. Bạn nào muốn làm phải xác định như vậy. Bạn có thể sẽ có thu nhập rất cao nhưng cũng phải trải qua sự cạnh tranh khốc liệt.

Theo Hội môi giới bất động sản Việt Nam, hiện nay có khoảng hơn 300.000 người hành nghề môi giới bất động sản trong cả nước. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 10% trong số này có chứng nghỉ hành nghề môi giới. Dù có đóng góp quan trọng trong sự phát triển của thị trường bất động sản và được quy định rõ ràng trong Luật Kinh doanh bất động sản, song khái niệm về nghề môi giới ở Việt Nam vẫn chưa chuẩn chỉnh.

Với nhiều bạn trẻ, môi giới bất động sản đang là một ngành “hot” nhưng phần lớn lại chỉ nhìn vào khoản thu nhập kiếm được chứ không thật sự hiểu nghề. Đây cũng là nguyên nhân khiến ngành này nhân sự biến động liên tục.

Trong khi chân dung của nghề môi giới bất động sản vẫn muôn hình vạn trạng, những câu chuyện của người trong cuộc là những “lát cắt” thực tế nhất về nghề đặc biệt này.

Nên bắt đầu từ đâu?

Anh Chính, giám đốc một sàn môi giới bất động sản ở TP. Thủ Đức, cho biết từng phỏng vấn hàng trăm người xin vào làm môi giới. Phần lớn là các bạn trẻ mới ra trường chưa có việc làm, hoặc xin chuyển đổi công việc. Có nhiều lý do họ chọn nghề này, nhưng chung quy lại đều hướng đến khoản thu nhập hậu hĩnh. “Hơn 80% số người phỏng vấn được chọn vào làm việc đều rơi rụng sau 3-6 tháng thử việc”, anh Chính nói.

Theo vị giám đốc này, nguyên nhân khiến phần lớn bị đào thải là do không hiểu được nghề, không có kiến thức và chưa tìm hiểu thông tin trước khi xin việc. Thay vì đặt mục tiêu làm để học trước thì họ chỉ đinh ninh làm để kiếm tiền, trong khi chưa biết gì về công việc.

Theo anh Chính, hiện nay những thông tin, kiến thức về nghề môi giới bất động sản có rất nhiều trên báo đài. Các bạn trẻ nên tìm hiểu kỹ càng để có hình dung về nghề trước. Nếu được, nên gặp những người có kinh nghiệm môi giới để lắng nghe họ chia sẻ, định hướng chứ không nên chỉ nhìn vào thu nhập, vẻ bề ngoài của môi giới mà dấn thân vào làm.

Thùy Trinh, nữ môi giới có 5 năm kinh nghiệm tại một tập đoàn bất động sản lớn ở TP.HCM, nhớ lại khoảng thời gian ban đầu luôn rất áp lực. Không bán được hàng, không có thu nhập nhiều bạn sẽ xin nghỉ việc. Tuy nhiên, cô lại tìm thấy hứng thú khi khám phá ra có quá nhiều thứ cô chưa biết và phải học về nghề này.

Trinh kể, ngày đầu bán dự án căn hộ, khi nhìn trên bản đồ thì dễ dàng biết được vị trí, hướng nhưng khi ra ngoài thực tế công trường cô không thể xác định được. Lúc đó, cô phải hỏi anh chị đi trước, hỏi cả kỹ sư ở công trường để họ chỉ giúp. Với tinh thần ham học hỏi, lần lượt các kiến thức mới về xem quy hoạch, luật đất đai, nhà ở, đọc hợp đồng, thủ tục ngân hàng… được bổ sung giúp cô càng trưởng thành hơn.

Tuy nhiên, điều khiến cho Thùy Trinh gắn bó lâu dài với nghề là cảm giác hạnh phúc sau khi làm cầu nối giúp khách hàng chọn được những sản phẩm phù hợp nhất. Những lời cảm ơn chân thành cô nhận được từ khách giúp cô thấy công việc của mình có ý nghĩa.

Chọn công ty nhỏ hay lớn

Chọn một tập đoàn lớn hay công ty nhỏ để đầu quân là câu hỏi không dễ với những tân binh mới. Theo anh Chính, với những người mới bắt đầu, chọn những công ty có quy mô nhỏ sẽ phù hợp hơn. Lý do ở môi trường nhỏ người mới dễ xin việc hơn vì chưa có kinh nghiệm gì, có thể học hỏi từ ban đầu, có cơ hội được bán hàng, ít chịu sự cạnh tranh. Sau này, khi đã có kiến thức cơ bản, bản lĩnh chững chạc thì xin vào các môi trường lớn hơn để thử sức.

Theo Thùy Trinh, nếu có người “đỡ đầu” thì người mới có thể chọn vào các tập đoàn lớn. Ở đây có lợi thế là họ sẽ được đào tạo rất chuyên nghiệp từ những thứ nhỏ nhất như cách ăn mặc, giao tiếp, trang điểm, đi đứng… Tuy nhiên, thuyền càng to thì sóng càng lớn, ở những môi trường này sự cạnh tranh đào thải rất khốc liệt.

Mặt khác, hiện nay nhiều tập đoàn lớn cũng đang chuyển hướng tuyển dụng. Thay vì tuyển nhân viên mới tốn thời gian chi phí đào tạo, họ sẽ tập trung vào nhân sự đã có kinh nghiệm, có sẵn mối quan hệ với khách hàng tiềm năng.

“Tập đoàn sẽ tuyển các “best sale” từ công ty khác, hoặc những người làm trong lĩnh vực hàng không, khách sạn… Đây là những người có mối quan hệ gần gũi với nhóm đối tượng khách hàng mà công ty nhắm đến”, Trinh nói.

Những tân binh nhầm đường

Môi giới bất động sản là nghề có thu nhập hấp dẫn nhưng sự đào thải khốc liệt (Ảnh T. Phong)

Anh Thái, trưởng phòng một công ty môi giới, lại cho rằng môi trường lớn hay nhỏ đều có điểm mạnh, yếu khác nhau. Quan trọng nhất là phải chọn được công ty “lành mạnh”. Dù lớn hay nhỏ, một công ty có uy tín, làm ăn đàng hoàng sẽ giúp cho người mới đi đúng hướng. Ngược lại, những công ty làm ăn chụp giựt, thiếu đạo đức, thậm chí dùng chiêu trò lừa dối người mua sẽ khiến cho nhiều bạn trẻ không đủ kiến thức, bản lĩnh thoát khỏi cám dỗ sẽ bị lạc lối.

Nguồn sống của môi giới

Khách hàng chính là nguồn sống của môi giới bất động sản. Người mới có nhiều cách để tìm kiếm nguồn khách hàng như sale phone, phát tờ rơi, chạy quảng cáo trên Google, Facebook…

Nhưng theo anh Thái, cách tìm kiếm khách hàng như thế nào tuỳ thuộc vào đối tượng mua, sản phẩm bán và thời điểm. Ví dụ, trước khi công nghệ thông tin bùng nổ thì đứng phát tờ rơi, treo biển quảng cáo dọc đường rất hiệu quả nhưng bây giờ mà không biết chạy quảng cáo trên Google, Facebook, tương tác qua Zalo, Zoom… thì thua.

Hoặc nếu bán sản phẩm đất nền, căn hộ bình dân thì có thể đứng phát tờ rơi dọc đường được nhưng nếu bán sản phẩm cao cấp, bất động sản nghỉ dưỡng giá cả triệu đô mà đứng phát tờ rơi thì không được.

Anh Chính cho biết, tại công ty của anh, những môi giới trẻ sẽ được đào tạo nhiều kiến thức để tiếp cận khách hàng. Công ty cũng xây dựng một bộ quy chuẩn về cách tiếp thị, chăm sóc khách hàng. Với những tiêu chí này, nhân viên mới sẽ có một cái nhìn tổng quan về khách, có thể phân biệt được từng đối tượng khách hàng để có cách phục vụ phù hợp. Tuy nhiên, những kỹ năng này cần phải tôi luyện theo thời gian chứ không thể có được trong một sớm một chiều.

Với kinh nghiệm năm năm, Thùy Trinh cho rằng chăm sóc khách hàng không chỉ tập trung vào mỗi mình họ mà còn phải quan tâm đến cả những người xunh quanh. Chẳng hạn như vợ chồng, con cái, người thân, bạn bè của họ… Đây chính là nguồn khách hàng tiềm năng sau này. Phần lớn khách hàng của Thùy Trinh hiện nay đều được khách quen giới thiệu.

“Khi mình đã tạo được chữ tín, thiện cảm với khách hàng thì họ không chỉ gắn bó mà còn giới thiệu người thân, bạn bè cho mình. Đây là cách tìm kiếm khách hàng hiệu quả và bền vững nhất”, Trinh nói.

Những “lằn ranh” sáng tối

Với Thùy Trinh, năm năm làm nghề mang đến cho cô nhiều thứ. Có thu nhập tốt hơn nhưng nó không quan trong bằng những đổi thay về tư duy, suy nghĩ của chính bản thân.

Ban đầu, cô làm môi giới một công ty chuyên bán các sản phẩm bình dân nên ít khi chú trọng ngoại hình, nói năng có khi “xuề xoà” vì khách hàng không quá khó tính. Nhưng khi làm việc ở tập đoàn lớn, bán những bất động sản có giá trị hơn, đối tượng khách hàng cao cấp hơn cô buộc phải thay đổi từ giọng nói, ăn mặc, trang điểm đến cách đi đứng.

Nếu như trước kia cô nghĩ môi giới luôn ở cửa dưới, luôn phải chèo kéo để khách mua thì nay đã khác. Ở môi trường chuyên nghiệp, vị thế của người môi giới được nâng lên trở thành đối tác, người cố vấn, người cung cấp thông tin hữu ích để người mua tự chọn lựa. Người giàu không chỉ mua bất động sản mà họ bỏ tiền để có được những dịch vụ tốt nhất, xứng tầm với họ.

Được tiếp xúc với người giàu, thường xuyên có những chuyến công tác ở khách sạn, resort 5 sao cũng giúp Thùy Trinh học hỏi được rất nhiều về cách kiếm tiền và xài tiền của người giàu. Trước kia, cô chỉ ăn uống tằn tiện, tiết kiệm từng đồng một mà không quan tâm đến sức khoẻ, giải trí, nghỉ ngơi thì nay cô phải điều chỉnh lại vì chỉ khi có một thể chất tốt, tinh thần sáng tạo thì mới có thể kiếm được nhiều tiền hơn.

Cũng như mọi nghề nghiệp khác, môi giới bất động sản mang đến những thành quả tốt đẹp nhưng cũng có những đánh đổi, ẩn chứa nhiều cám dỗ khó lường.

Anh Thái cho biết có người rất nhiều tiền, họ không chỉ mua bất động sản mà còn muốn “mua” luôn cả người môi giới. Anh kể, có một vị khách nam mua hàng chục căn hộ ở khắp nơi nhưng với một điều kiện là chỉ làm việc với môi giới nữ có ngoại hình xinh đẹp. Mục đích của vị khách hàng này ra sao thì ai cũng hiểu và có nhiều bạn môi giới cũng sẵn sàng chấp nhận những đòi hỏi đó để bán được hàng và nhiều lợi ích khác.

Theo anh Thái, những câu chuyện đánh đổi như thế rất phổ biến trong nghề môi giới. Đây là lựa chọn của mỗi người, không ai có quyền phán xét. Trong nghề này, có ngoại hình là một lợi thế lớn nhưng làm sao để tận dụng nó mà không phải đánh đổi quá nhiều đòi hỏi bản lĩnh, kinh nghiệm rất lớn từ người môi giới.

Anh Chính chia sẻ, trong môi trường cạnh tranh rất cao thì va chạm giữa đồng nghiệp với nhau là không tránh khỏi. Thông thường, anh sẽ ưu tiên cho hai bên tự giải quyết thương lượng quyền lợi với nhau. Nếu không tìm được tiếng nói chung thì áp dụng theo quy chế của công ty để xử. Nhiều doanh nghiệp, kết quả cuối cùng là thước đo giá trị nhất, khách hàng ký hợp đồng với ai thì người đó dành chiến thắng.

Những tân binh nhầm đường

Cạm bẫy, cám dỗ thường trực nếu không tỉnh táo môi giới bất động sản dễ “nhầm đường” (Ảnh T. Phong)

Cũng theo anh Chính, nghề môi giới bất động sản thường có tuổi đời rất ngắn. Môi giới ngoài 35 tuổi nếu không lên vị trí quản lý cao hơn thì rất khó để tồn tại. Tất nhiên, vẫn có những người lớn tuổi thành công với công việc môi giới, nhưng con số này không nhiều.

Do đó, khoảng thời gian vàng của nghề môi giới thường là năm đến bảy năm. Sau đó, với kinh nghiệm, vốn liếng và mối quan hệ đã tích luỹ được thì họ sẽ ra mở công ty nhỏ để làm chủ. Một số khác sẽ chuyển hướng vừa làm môi giới vừa trở thành nhà đầu tư bất động sản. Cũng có người nghỉ hẳn để kinh doanh một lĩnh vực hoàn toàn khác.

Thùy Trinh chia sẻ, với môi giới bất động sản, đặc biệt là những bạn mới vào nghề, khái niệm thời gian làm việc cố định là một điều “xa xỉ”. Môi giới phải làm việc liên tục, bất kể ngày đêm, ngày thường hay nghỉ lễ. Với những người đã có gia đình, việc cân bằng thời gian giữa công việc và gia đình là một áp lực khủng khiếp.

“Có nhiều anh chị kiếm được rất nhiều tiền nhưng rồi hôn nhân lại đổ vỡ. Có người vùi đầu vào công việc, dự án ở tỉnh đi thì phải ở lại nhiều ngày nên phó thác hoàn toàn việc chăm sóc con cái cho người giúp việc, khoảng cách tình cảm cha mẹ với con cái ngày càng bị nới giãn”, Thùy Trinh cho biết.

[ad_2]