[ad_1]

4/1 là ngày mà Andrew Balfour buồn nhất, khi biết mình phải nói lời tạm biệt với chiếc BlackBerry Classic yêu quý.

BlackBerry thông báo từ 4/1, điện thoại đời cũ của hãng sẽ thực sự bị “khai tử”. Các dịch vụ như truy cập mạng, gọi điện, SMS… sẽ “không còn hoạt động đáng tin cậy”.

Giờ đây, những người trung thành nhất với điện thoại BlackBerry như Balfour, 42 tuổi tại Ottawa (Canada), cũng đành ngậm ngùi tạm biệt thiết bị. Một số không muốn rời xa và tìm cách biến chúng thành đồng hồ báo thức, đồng hồ để bàn hoặc xem như một tác phẩm trưng bày.

Balfour vẫn biết ngày mà chiếc BlackBerry Classic ngừng hoạt động cuối cùng sẽ đến, bởi công ty đã thông báo từ cách đây một năm rằng chỉ những thiết bị BlackBerry chạy Android mới tiếp tục được hỗ trợ.

“Tôi thực sự rất buồn. Không hiểu sao họ cần loại bỏ chúng triệt để đến vậy”, Balfour nói. Ông cho biết đang cất giữa 5-6 chiếc BlackBerry cũ từ hơn 10 năm trước trong ngăn kéo.

Hai chiếc điện thoại BlackBerry được Claude Millman đóng khung treo trên tường. Ảnh: Claude Millman

Hai chiếc BlackBerry được Claude Millman đóng khung treo trên tường. Ảnh: Claude Millman

Claude Millman, 59 tuổi tại New Jersey (Mỹ), cũng là người hâm mộ cuồng nhiệt các thiết bị BlackBerry. Ông thích chúng đến mức đóng khung một số máy yêu thích và treo trên tường, đồng thời sưu tập nhiều mẫu máy khác.

Năm 2019, Millman phải chia tay chiếc BlackBerry vì bị hỏng và không tìm được linh kiện thay thế. Ông yêu thích việc bấm trên bàn phím vật lý và thừa nhận nó “gây nghiện”. Khi thấy ai đó cầm một chiếc BlackBerry cũ, ông có cảm giác thú vị và “chỉ muốn tiếp cận để chạm vào nó”.

BlackBerry, trước đây là RIM, ra đời năm 1999 và thu hút chú ý với những mẫu máy nhắn tin, sau đó là những điện thoại có bàn phím Qwerty. Tuy nhiên, sản phẩm của hãng dần lỗi thời sau khi iPhone ra mắt năm 2007. Doanh số các dòng BlackBerry đạt đỉnh 52,3 triệu máy năm 2011 trước khi sụt giảm nhanh chóng.

Dù vậy, BlackBerry vẫn luôn tồn tại. Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama đã tiếp tục sử dụng thiết bị cho đến ít nhất là 2016 – năm cuối cùng ông tại vị. Ngôi sao truyền hình thực tế Kim Kardashian cũng chỉ nói lời chia tay BlackBerry Bold năm 2016 sau khi không thể sửa nó. “Tôi phải nhìn vào thực tế, nhưng thật đáng buồn”, Kardashian viết trên Twitter khi đó.

Một số mẫu BlackBerry vẫn xuất hiện trên phim ảnh năm ngoái. Trong phim Sex and the City ra mắt trên HBO Max tháng trước, nhân vật Carrie Bradshaw do Sarah Jessica Parker thủ vai nhắn tin bằng một chiếc BlackBerry.

Nhân vật Carrie Bradshaw dùng điện thoại BlackBerry để gọi điện trong phim Sex and the City. Ảnh: HBO Max

Nhân vật Carrie Bradshaw dùng BlackBerry để gọi điện trong phim Sex and the City. Ảnh: HBO Max

Jim Balsillie, cựu CEO BlackBerry, cũng quyết gắn bó với điện thoại của mình. Cho đến ba năm trước, ông mới chuyển sang thiết bị chạy Android và cũng có bàn phím Qwerty vật lý. “Ngày buồn nhất với tôi có lẽ là khi BlackBerry đóng cửa mọi sự hỗ trợ với điện thoại đời cũ”, Balsillie cho biết.

Duane Bratt, 54 tuổi, giáo sư về khoa học và chính trị từ Calgary (Canada), sử dụng Key2 nhiều năm qua. Sau thông tin ngày 4/1, ông lo lắng sẽ không có bất kỳ chiếc điện thoại nào có thể thay thế nó, ít nhất là với cá nhân ông. “Tôi đã cố chống lại sự sùng bái với iPhone, nhưng điều đó ngày một khó khăn”, Bratt nói.

Carol Miller, 54 tuổi ở London, đã tìm ra công dụng khác cho chiếc BlackBerry màn hình cảm ứng của mình: làm đồng hồ báo thức. Dù vậy, bà vẫn muốn sử dụng thiết bị như một chiếc điện thoại. “Thật không vui với những gì đã xảy ra, với tôi, điện thoại BlackBerry là tốt nhất”, Miller ngậm ngùi.

Trong những năm hoàng kim, BlackBerry nổi tiếng với các “huyền thoại” như Bold 9000/9900, 8700… hay những mẫu máy đời mới hơn như Z10, Q10, Classic, Passport. Nhưng sau giai đoạn đạt đỉnh năm 2011, BlackBerry tuột dốc không phanh. Kể từ 2013, công ty quyết định lột xác để tự cứu mình. Nền tảng BlackBerry 10 cùng các mẫu máy màn hình cảm ứng ra mắt sau đó, trong khi John Chen được mời về làm CEO.

Năm 2015, hãng chuyển sang phát triển điện thoại Android. Một năm sau, thương hiệu BlackBerry được cấp phép cho bên thứ ba, như TCL, để làm điện thoại. Tuy nhiên, tất cả đều không mang lại kết quả khả quan. Năm 2020, công ty ký hợp đồng với OnwardMobility, nhưng chưa có thiết bị nào ra mắt cho đến nay.

Bảo Lâm (theo WSJ)

[ad_2]