[ad_1]

Một số hình ảnh cục đá hay nét chữ nguệch ngoạc sau khi được thể hiện dưới dạng NFT có mức giá hàng chục nghìn USD.

NFT (non-fungible token) là chứng chỉ kỹ thuật số duy nhất được đăng ký trong một blockchain, được sử dụng để ghi lại quyền sở hữu một tài sản như tác phẩm nghệ thuật hoặc đồ sưu tầm. NFT đã xuất hiện vài năm nhưng bắt đầu trở thành cơn sốt trên toàn cầu từ tháng 3 khi tấm ảnh ghép kỹ thuật số Everydays: The First 5000 Days của nghệ sĩ Beeple (Mỹ) được mua với giá 69 triệu USD – mức cao kỷ lục tại nhà đấu giá Christie’s.

Tuy nhiên, trong khi giá trị của các tác phẩm như trên tùy thuộc vào đánh giá của người mua, những thứ vốn không có giá trị nghệ thuật như dòng tweet, nét vẽ… cũng được biến thành NFT và được rao bán với giá đắt đỏ.

NFT hình viên đá giá 1,3 triệu USD

Hình viên đá dưới dạng NFT này nằm trong bộ sưu tập EtherRock, gồm 100 bản vẽ tương tự nhau, chỉ khác về màu sắc và số thứ tự. Hồi tháng 8, có hai NFT đã được giao dịch với giá cao nhất khi đó là 400 đồng ETH, tương đương 1,3 triệu USD, và 310 ETH, tương đương 1 triệu USD.

NFT EtherRock có hình viên đá. Ảnh: EtherRock

NFT EtherRock hình viên đá. Ảnh: EtherRock

EtherRock được xây dựng dựa trên blockchain Ethereum, ra đời năm 2017 và là một trong những dự án NFT lâu đời. Người mua sở hữu mã nhận dạng độc bản, cùng một file ảnh định dạng JPG của viên đá. Theo các chuyên gia, điểm đặc biệt của NFT viên đá này nằm ở sự lâu năm và tính giới hạn của chúng, với chỉ 100 viên được phát hành, khiến các nhà sưu tập mua với mục đích chính là bán lại kiếm lời.

Trong khi đó, website EtherRock ghi rằng viên đá được sinh ra “không có mục đích gì”.

Nét chữ nguệch ngoạc giá 270.000 USD

Vào tháng 9, dòng chữ “Test” được viết bởi tỷ phú Sam Bankman-Fried, nhà sáng lập kiêm CEO FTX Exchange, được một người mua với giá tới 270.000 USD dù nội dung đơn giản và không có nhiều giá trị về nghệ thuật.

Dòng chữ của Sam Bankman-Fried được số hóa dưới dạng NFT.

Dòng chữ của Sam Bankman-Fried được gắn mã NFT. Ảnh: FTX Exchange

Theo Breadnews, giá trị của NFT này nằm ở mục đích của người tạo ra nó. Khi đó, FTX Exchange bổ sung tính năng cho phép người dùng tạo và bán NFT trên nền tảng của mình và nét chữ của Bankman-Fried là ví dụ cho tính năng này. Ngoài ra, đây cũng là NFT tùy chỉnh đầu tiên trên FTX Exchange nên nó được đánh giá là “độc nhất vô nhị”, thu hút sự quan tâm lớn.

Dòng tweet NFT giá 2,9 triệu USD

Dòng tweet dưới dạng NFT dài 20 ký tự của cựu CEO Twitter Jack Dorsey viết lần đầu lên nền tảng của mình, được bán với số tiền tương đương 2,9 triệu USD. Người sở hữu tài sản NFT này là Sina Estavi, CEO của công ty Bridge Oracle (Malaysia), sau khi ông chiến thắng cuộc đấu giá hồi tháng 3.

Dòng tweet đầu tiên của Jack Dorsey gắn mã NFT được bán giá 2,9 triệu USD. Ảnh: Lưu Quý.

Dòng tweet đầu tiên của Jack Dorsey gắn mã NFT được bán giá 2,9 triệu USD. Ảnh: Lưu Quý

Dòng chữ “just setting up my twttr” (vừa thiết lập tài khoản Twitter), được Dorsey đăng ngày 22/3/2006, là tweet đầu tiên trên thế giới. Tương tự nhiều tài sản NFT khác, giá trị thương vụ không nằm ở nội dung mà ở tính “duy nhất” của nó.

Tranh mèo bay giá gần 600.000 USD

Phiên bản NFT của Nyan Cat được bán đấu giá hồi tháng 2 trên Foundation, trang web chuyên mua bán đồ kỹ thuật số. Tác giả Chris Torres đã thu về số tiền điện tử tương đương 580.000 USD khi đó.

Bức tranh mèo bay Nyan Cat. Ảnh: WSJ

Bức tranh “mèo bay” Nyan Cat. Ảnh: WSJ

Nyan Cat ra đời cách đây 10 năm, mô tả một chú mèo bay hoạt hình có phần thân hình chiếc bánh Pop-Tart. Bức ảnh đã được xem và chia sẻ hàng trăm triệu lần trên Internet từ đó đến nay.

Nguy cơ NFT bị tội phạm lợi dụng

Mặc dù NFT đang tạo nên cơn sốt trên toàn cầu, không ít chuyên gia lo ngại rằng bên cạnh những người đầu tư NFT kiếm lời hoặc sợ bị bỏ lỡ trào lưu mới, đằng sau một số thương vụ mua bán NFT “giá khủng” thực chất là hành vi rửa tiền.

Cat Graffam, giảng viên khoa Nghệ thuật và Thiết kế tại Đại học Lasell, bình luận trên Twitter hồi tháng 8: “Tôi nghĩ có thể NFT đang được sử dụng để rửa tiền theo những cách tương tự được thực hiện với nghệ thuật vật lý”.

Đầu tháng này, Gou Wenjun, Giám đốc Trung tâm Phân tích và Giám sát Chống rửa tiền thuộc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, cũng cảnh báo tính phi tập trung và ẩn danh khiến NFT có thể thành công cụ của tội phạm và khủng bố.

Bảo Lâm tổng hợp

[ad_2]