[ad_1]

Nhịp đập thị trường 22/12: Cổ phiếu đầu cơ tiếp tục nóng

Thị trường chung chững lại, nhưng dòng tiền vẫn cuồn cuộn và một bộ phận người tham gia đang kiếm bộn dựa vào những mã cổ phiếu vốn hóa nhỏ, tăng nóng.

Một ngày sôi động khép lại với giá trị giao dịch đạt 33.6 ngàn tỷ đồng tạo HOSE và gần 4.5 ngàn tỷ đồng tại HNX. Khối ngoại cũng mua ròng 216 tỷ đồng trong phiên biến động hôm nay.

Tuy nhiên, ở khía cạnh điểm số, VN-Index có thể không làm thỏa mãn số đông giới giao dịch khi kết thúc ngày với mức giảm 1.07 điểm. Thực tế, nhìn chi tiết hơn vào từng nhóm ngành và cổ phiếu riêng lẻ thì sự phân hóa buồn/vui còn thể hiện rõ hơn.

Nhóm cổ phiếu bất động sản nhìn chung tiếp tục được giao dịch tích cực và thậm chí đóng góp 3.43 điểm số dương cho VN-Index. Tuy nhiên, chừng đó là không đủ để chỉ số đại diện thị trường kết ngày trong sắc xanh, dưới sức ép của ngành ngân hàng, chứng khoán và thép.

VIC, GVR, MSN lần lượt là các mã tác động tích cực nhất lên VN-Index. Trong khi đó, HPG và nhóm cổ phiếu ngân hàng HDB, VPB, BID, CTG là những quả tạ đè nén chỉ số.

Cổ phiếu vốn hóa nhỏ tiếp tục dậy sóng với nhiều mã tăng trần đồng loạt. Điều này xảy ra giữa bối cảnh các cổ phiếu vốn hóa lớn, Bluechip có phần trì trệ trong thời gian qua. Thị trường vẫn đang gặp khó trước cửa ải 1,500 nhưng một bộ phận giới đầu tư – hay nói đúng hơn là đầu cơ, giao dịch – vẫn đang reo vui nhờ bỏ qua những phân tích cơ bản để chạy theo đón bắt dòng tiền.

14h: Cổ phiếu thép tiếp tục dò đáy

Thị trường co hẹp mức tăng khi bước sang phiên chiều, tiếp đó, nhanh chóng đảo chiều từ giá xanh sang đỏ khi đồng hồ tiến gần về phía 14h.

Cổ phiếu ngành tài chính chìm sâu, từ chứng khoán, bảo hiểm cho đến chứng khoán. Trong khi đó, ngành bất động sản cũng mất đi động lực tăng giá và hạ nhiệt.

Đáng chú ý nhất là cổ phiếu ngân hàng đồng loạt giảm sâu hơn so với phiên sáng. Mã vốn hóa lớn nhất ngành là VCB cũng từ giá xanh rơi xuống giá tham chiếu.

Trong phiên giao dịch hôm này cũng tiếp tục chứng kiến màn ngụp lặn của cổ phiếu ngành thép. Đồng loạt từ HPG, HSG, NKG, SMC,… đều giảm đáng kể. Trong đó, các mã đầu ngành như HPG, HSG, NKG đều rơi về vùng giá đáy – hay nói đúng hơn là vẫn chưa dò ra đáy kể từ ngày đổ đèo từ cuối tháng 10/2021 đến nay.

Thanh khoản thị trường khá cao so với các phiên trước đó. Giá trị giao dịch HOSE đạt 29.4 ngàn tỷ đồng, riêng nhóm VN30 là 9.6 ngàn tỷ đồng, trong khi đó HNX đạt gần 3.7 ngàn tỷ đồng tính đến 14h10.

Giữa bối cảnh thị trường đầy tiêu cực thì số lượng cổ phiếu tăng kịch trần (66 mã) lại tiếp tục áp đảo số cổ phiếu giảm kịch sàn (11 mã).

Phiên sáng: Lưng chừng

Mức tăng điểm của VN-Index co hẹp về cuối phiên sáng, khi đối diện áp lực giảm của cổ phiếu ngân hàng cũng như một số nhóm ngành khác như bảo hiểm, chứng khoán, chăm sóc sức khỏe.

Ngoại trừ VCB, tất cả các mã vốn hóa lớn nhất ngành ngân hàng đều giảm giá, có thể kể đến như BID, TCB, CTG, VPB, MBB. Tuy nhiên, mức giảm là tương đối hài hòa, chưa thể hiện một sự suy yếu rõ rệt trong tâm lý giao dịch.

Thanh khoản phiên hôm nay ở mức khá tốt khi đồng hồ điểm qua 11h30. Theo đó, HOSE đạt giá trị giao dịch trên 19.3 ngàn tỷ đồng và HNX đạt hơn 2.3 ngàn tỷ đồng.

Khối ngoại mua ròng trong sáng nay, với giá trị hơn 172 tỷ đồng. Trong đó, VIC là mã được mua ròng mạnh nhất bởi nhà đầu tư nước ngoài (hơn 110 tỷ đồng).

Thị trường có trạng thái lưng chừng khi số lượng cổ phiếu tăng/giảm khá cân bằng. Tuy nhiên, điểm đáng chú ý là số mã tăng kịch trần (48 mã) hoàn toàn áp đảo so với số mã giảm sàn (5 mã). Các mã tăng kịch biên độ trong sáng nay được nhìn thấy nhiều ở nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ và vừa, đồng thời, cũng không thực sự có thông tin gì rõ ràng về mặt cơ bản hỗ trợ cho những pha tăng giá đột biến này. Một số mã kịch trần nổi bật có thể kể đến DLG, SAM, ASM, YEG, HAR, JVC, ROS,…

Cơn sốt “ba chữ cái” trong thời gian qua đã để lại dư âm là không ít mô hình giá cổ phiếu “cây thông”. Những diễn biến đó liệu có cảnh tỉnh giới giao dịch cân nhắc về rủi ro trước khi tham gia vào những cuộc chơi nóng sốt hay không vẫn là câu hỏi chưa lời đáp. Tuy nhiên, trong sáng nay, với những diễn biến rộn ràng trên thị trường ta chứng kiến thì chắc chắn rằng cuộc chơi đầu cơ vẫn còn tiếp diễn.

11h: Cổ phiếu chứng khoán suy yếu, bất động sản gánh thị trường

Thị trường có dấu hiệu hạ nhiệt khi một số nhóm ngành như chứng khoán, chăm sóc sức khỏe, thủy sản lùi sâu vào vùng giá đỏ.

Các mã cổ phiếu đầu ngành chứng khoán như SSI (-1.33%), VND (-1.53%), VSI (-1.06%) đều giảm đáng kể, và sự suy yếu cũng lan ra hầu hết mọi mã trong ngành.

Đối với thủy sản, sự phân hóa vẫn diễn ra. Tuy nhiên, việc các cổ phiếu vốn hóa lớn nhất trong ngành như VHC, ANV, IDI rớt giá tạo áp lực giảm điểm mạnh lên chỉ số đại diện toàn ngành.

Trong khi đó, bất động sản vẫn đang là ngành gồng gánh thị trường. Tính đến 10h49, ngành này đóng góp đến 4.54 điểm trong đà tăng của chỉ số VN-Index (+7.59 điểm) tính đến 10h49, nhờ vào lực kéo từ VIC (+1.63%), DIG (+5.6%), KBC (+4.1%), KDH (+4%).

Thanh khoản thị trường cải thiện đôi chút so với diễn biến ở các phiên liền trước. Tính đến 10h52, HOSE đạt giá trị giao dịch 15.1 ngàn tỷ đồng và HNX đạt gần 1.9 ngàn tỷ đồng. Khả năng duy trì giao dịch hiện hữu của thị trường trong những ngày cuối năm là tương đối khả quan khi so sánh với quá khứ. Trước đây, tháng cuối năm thường là giai đoạn trầm lắng do tính chất giao dịch tại sàn chứng khoán Việt Nam bị chi phối bởi nhà đầu tư cá nhân – vốn có xu hướng nghỉ, rút tiền vào cuối năm. Tuy nhiên, điều này đã thay đổi trong hai năm liên tục 2020-2021 khi làn sóng những tay chơi F0 đổ bộ vào thị trường.

Xanh mướt đầu phiên

Thị trường khởi đầu xanh chín với màn tăng điểm đồng loạt của các chỉ số. VN-Index tiến 9.65 điểm, VN30-Index lên 7.44 điểm, HNX-Index tăng 2.49 điểm tính đến 9h20.

Với việc sắc xanh thắng thế so với đỏ, các ngành bất động sản và ngân hàng lần lượt là ngành đóng góp tích cực nhất cho chỉ số đại diện thị trường VN-Index. Các mã vốn hóa lớn nhất sàn chứng khoán đều tăng giá, như VIC (+0.61%), VHM (+1.74%), VCB (+1.17%).

Trong khi đó, hai mã tiện ích đầu ngành là GAS (+2.6%) và POW (+2.4%) cũng tiến lên đáng kể dù chỉ mới đầu phiên sáng.

Tính riêng tại sàn HOSE, lượng cổ phiếu tăng giá (195 mã) áp đảo so với cổ phiếu giảm giá (90 mã) tính đến 9h24.

Nỗi lo về biến chủng Omicron dường như đã nhẹ gánh trong tâm trí giới giao dịch. Đêm qua, phản ứng của các thị trường quốc tế sau những ngày đỏ lửa cũng tiếp thêm sự lạc quan cho người tham gia thị trường chứng khoán tại Việt Nam.

Sắc xanh lan tỏa khắp nhóm ngành

Dữ liệu tính đến 9h25, sáng ngày 22/12/2021. Nguồn: VietstockFinance

Thừa Vân

[ad_2]