[ad_1]

Nhịp đập Thị trường 09/02: Cổ bất động sản đầu cơ bật trần

Bên mua chiếm ưu thế tới cuối phiên hôm nay 09/02. Thị trường chốt phiên với độ rộng 578 mã tăng và 343 mã giảm. VN-Index tăng nhẹ 0.3% lên mức 1,505.38 điểm.

Nhóm ngân hàng có một phiên không mấy tích cực với sắc đỏ tràn ngập. Tuy vậy vẫn có những ngoại lệ tăng tốt như SHB và BID. Trong khi ngân hàng không tốt lắm thì chứng khoán có một phiên tích cực. 80% cổ phiếu trong nhóm chứng khoán tăng điểm và mức tăng bình quân trên 2%. Diễn biến nhóm chứng khoán vẫn chưa thực sự khiến nhà đầu tư yên lòng khi tăng giảm đan xen trong các phiên gần đây.

Cổ phiếu tiếp tục có thêm một phiên tích cực. POM, HSG, NKG, SMC tiếp tục tăng trần. HPG cũng tăng tới gần 4% và kéo VN-Index tăng 2 điểm.

Các cổ phiếu bất động sản có tính đầu cơ gần đây (CEO, L14, DIG) quay xe bất ngờ (mới sáng còn giảm sàn) bật tăng trần về cuối phiên. Cũng nhờ không chịu áp lực giảm như trước, chỉ số sàn HNX liền tăng 1.5% lên 424.38 điểm.

Cổ phiếu bán lẻ tích cực trong phiên hôm nay song mức tăng khá thấp. MWG, FRT, VGC tăng nhẹ quanh mức 1%.

Thanh khoản thị trường đạt 28.5 ngàn tỷ đồng, có vẻ nhà đầu tư đã bắt đầu giao dịch sôi động trở lại sau kỳ nghỉ tết dài. Khối ngoại mua ròng gần 220 tỷ đồng trong phiên hôm nay. Các dự báo khối này sẽ trở lại trong năm 2022 đang dần thành hiện thực. Gần đây khối ngoại không còn bán ròng mạnh như trước nữa.

Phiên sáng: Large Cap đè chỉ số

Nhóm cổ phiếu Large Cap mà đại diện ở cổ phiếu ngân hàng suy yếu khiến chỉ số chính sàn HOSE chỉ còn tăng hơn 2.4 điểm.

VCB trở thành cổ phiếu ngân hàng giảm sâu nhất, tiếp đến là EIB. Cuối phiên sáng thì có thêm BID, ACB, MBB, SSB giảm điểm, qua đó cũng kéo chỉ số ngành ngân hàng giảm điểm. Một số Large Cap khác như GAS, SAB, VIC, NVL, ACV, GVR cũng lùi về sắc đó, góp phần kéo VN-Index về gần tham chiếu.

Song, nhóm cổ phiếu thép vẫn giữ đà tăng cho đến hết phiên sáng. Thêm vào đó, CEO, DIG đều tăng trở lại (ngoại trừ CII) còn giảm cũng làm áp lực bán ở nhóm bất động sản yếu đi. Nhiều đơn vị phát triển nhà ở đã tăng giá khá tốt như KDH, NLG, NTL, PDR, TCH, TDC hay VPI.

Trên sàn HNX, một số ông lớn tăng như THD, SHS, VCS, IDC đã giúp chỉ số HNX-Index bật tăng hơn 3.3 điểm, lên 421.2 điểm. Hiện PVS và KSF là hai Large Cap giảm điểm.

Tổng khối lượng giao dịch sáng nay trên cả 3 sàn đạt 555 triệu cp, tương ứng 17,592 tỷ đồng. HPG, FLC, STB, CII và MBB là 5 mã có khối lượng giao dịch lớn nhất. Sáng nay khối ngoại cũng quay lại mua ròng gần 350 tỷ đồng.

10h30: Cổ phiếu thép bay cao

Chỉ số chính sàn HOSE có lúc tăng hơn 10 điểm trước khi lùi nhẹ và còn tăng 5 điểm lúc 10h25. VN-Index đang được nâng đỡ bới chính nhóm cổ phiếu ngành thép.

Dòng tiền trên thị trường nhập cuộc khá tốt ở nhóm cổ phiếu thép khiến ngành này đang bứt phá so với phần còn lại của thị trường. HPG tăng 4.6%, khớp hơn 26 triệu cp, bằng với cả phiên giao dịch hôm qua. Đây cũng là mức tăng thứ 4 liên tiếp của HPG.

Trong khi đó HSG và NKG ghi nhận phiên trần thứ 2 liên tiếp với thanh khoản đều ở mức cao. Khối ngoại cũng đổi trạng thái sang mua ròng ở nhiều cổ phiếu thép sáng nay, đặc biệt là HPG và HSG.

Ngành thép đã đón “cơn gió ngược” trong giai đoạn cuối năm 2021 khi giá thép toàn cầu sụt giảm mạnh cùng với nhu cầu. Tuy nhiên kể từ sau Tết, tình trạng này có vẻ như đang được cải thiện. Nhà đầu tư trong nước kỳ vọng việc đầu tư công được đẩy mạnh sẽ thúc đẩy lại nhu cầu trong nước.

Trong năm 2021, kết quả kinh doanh ngành thép vẫn rất khả quan (bất chấp nhiều đơn vị suy giảm lợi nhuận trong quý cuối năm). HPG còn báo lãi kỷ lục hơn 34,400 tỷ đồng, NKG cũng ghi nhận lãi hơn 2,200 tỷ, SMC hay TLH đều có một năm ngoài mong đợi.

Mở cửa: DIG, CEO và CII tiếp tục giảm sâu

Thị trường mở cửa trong tâm thế giằng co khi nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn đang khá phân hóa. Điểm nóng lúc này đang tập trung ở nhóm cổ phiếu bất động sản khi có thêm một doanh nghiệp bỏ cọc đấu giá đất tại Thủ Thiêm.

Trước đây, giá trúng thầu các lô đất ở Thủ Thiêm được công bố ở mức cao là một trong những động lực thúc đẩy nhóm cổ phiếu bất động sản gia tăng mạnh mẽ. Thậm chí có nhiều cổ phiếu nhảy vọt ngoài sức tưởng tượng của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán. Do đó khi có thông tin doanh nghiệp trúng thầu bỏ cọc, ngay lập tức tác động tiêu cực lên chính nhóm cổ phiếu bất động sản.

Với 5 phiên giảm liên tiếp, cổ phiếu DIG rơi về mức thấp nhất kể từ ngày 10/11/2021, ghi nhận mức giảm hơn 50% so với đỉnh kỷ lục. CII đầu phiên giảm sàn (hiện đã hồi lại) nhưng cũng đã gần như xóa sạch đà tăng nóng trước đó.

Biến động cổ phiếu DIG trong hơn 6 tháng qua

CEO cũng đang mất gần 6%, giao dịch ở 48,000 đồng/cp. Đơn vị này cũng vừa công bố kết quả kinh doanh quý 4 với lợi nhuận đủ bù đắp cả 3 quý lỗ trước đó. Tuy nhiên con số này không đến từ hoạt động chính mà từ lãi bán các khoản đầu tư. Cổ phiếu này từng có giá kỷ lục 100,000 đồng/cp vào ngày 10/01/2022, không lâu sau khi có một công ty chứng khoán đưa ra cảnh báo mức độ nguy hiểm cho đợt tăng giá này.

Diên biến cổ phiếu CEO kể từ đầu năm nay

Dù vậy, nhóm bất động sản cũng đang nhìn thấy trợ lực từ VIC và VHM, KDH, DXG, NVL đang xanh trở lại.

ở nhóm ngân hàng, VCB, EIB và TPB đang giảm điểm, trong đó EIB giảm mạnh nhất. Hôm qua, HĐQT Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank, HOSE: EIB) ban hành nghị quyết chấm dứt trước thời hạn Thỏa thuận liên minh chiến lược ngày 27/11/2007 giữa Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) và Eximbank theo đề nghị của SMBC tại văn bản ngày 05/01/2022. Thông tin này thực tế đã được thị trường dự đoán trước. Giờ đây, mối quan tâm chính là ông lớn nào sẽ nhảy vào để thế chỗ SMBC.

Phương Châu

[ad_2]