[ad_1]

Công trình xanh được xem là mô hình lý tưởng nhằm tối ưu hiệu quả sử dụng năng lượng, chi phí xây dựng, quản lý và vận hành, đặc biệt trong bối cảnh các nền kinh tế đang hướng đế mục tiêu giảm phát thải carbon. Dù vậy, việc áp dụng mô hình này tại Việt Nam thời gian qua vẫn chưa thực sự mạnh mẽ…

Trung tâm Khởi nghiệp Sáng tạo TP.HCM là một dự án văn phòng được thiết kế kết hợp với các công nghệ hiện đại như thiết bị lam che bên ngoài, kính low-E, pin năng lượng mặt trời... đạt Chứng chỉ xanh EDGE được cung cấp bởi Công ty Tài Chính Quốc tế - IFC. Trung tâm Khởi nghiệp Sáng tạo TP.HCM là một dự án văn phòng được thiết kế kết hợp với các công nghệ hiện đại như thiết bị lam che bên ngoài, kính low-E, pin năng lượng mặt trời… đạt Chứng chỉ xanh EDGE được cung cấp bởi Công ty Tài Chính Quốc tế – IFC.

SỐ LƯỢNG CÔNG TRÌNH XANH CÒN KHIÊM TỐN

Simona Heights là một trong hai công trình tại Quy Nhơn đạt Chứng nhận công trình xanh EDGE – Bộ chứng chỉ do Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) phát triển. Công trình dự kiến sẽ tiết kiệm tối thiểu 20% năng lượng, nước và giảm 20% tác động từ sử dụng vật liệu xây dựng, so với một công trình cơ sở cùng loại khác (baseline building).

Thống kê cho thấy, năng lượng tiêu thụ trong lĩnh vực xây dựng bao gồm cả khu vực dân dụng chiếm tỷ lệ khoảng gần 40% tổng tiêu thụ năng lượng quốc gia. Cùng với tốc độ tăng trưởng kinh tế khoảng 6 – 7%/năm, tỷ lệ tiêu thụ điện năng tăng trưởng bình quân trong những năm qua cũng đạt khoảng từ 7 đến 10%/năm.

Với tốc độ đô thị hóa tăng trung bình 1%/năm và số lượng các công trình xây dựng, các khu đô thị có quy mô lớn tăng nhanh, số lượng mét vuông sàn nhà ở, công trình thương mại, và công trình công cộng được xây dựng mỗi năm khoảng 100 triệu m2, kéo theo lượng điện năng sử dụng trong lĩnh vực xây dựng và lượng phát thải khí nhà kính cũng tăng lên đáng kể hàng năm.

Vì vậy, việc khuyến khích phát triển công trình hiệu quả năng lượng, công trình xanh đã được quy định trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng năm 2020 và Nghị định số 15/2021/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng.

Tuy nhiên, qua hơn 12 năm phát triển, số lượng công trình xanh của Việt Nam hiện mới đạt 233 công trình với tổng diện tích khoảng 6 triệu mét vuông sàn xây dựng. Con số này quá khiêm tốn so với số lượng công trình đã được xây dựng và so với tiềm năng cũng như yêu cầu về sử dụng năng lượng, tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả và bảo vệ môi trường.

Ông Nguyễn Công Thịnh, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng) cho rằng, dù có nhiều lợi ích và hiệu quả nhưng những công trình sử dụng vốn nhà nước đạt chuẩn công trình xanh còn rất ít. Trong đó, công trình có vốn đầu tư nước ngoài, vốn ngoài ngân sách chiếm đa số, số công trình có vốn đầu tư công chiếm tỷ lệ khiêm tốn.

RÀO CẢN TỪ NHẬN THỨC

Theo ông Phạm Nam Quảng, Thành viên HĐTV Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Phú Mỹ – Quy Nhơn, Giám đốc Dự án Simona Heights, thị trường công trình xanh tại Việt Nam hiện không phát triển được như kỳ vọng bởi vướng nhiều rào cản.

“Trong đó, rào cản lớn nhất là nhận thức chưa đúng của chủ đầu tư về công trình xanh”, ông Quảng nói.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Văn Hải, Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn Thiết kế Xây dựng D.H.A (Bình Định) cho biết việc thuyết phục chủ đầu tư áp dụng các bộ tiêu chuẩn công trình xanh hiện nay là không dễ dàng. Nhiều chủ đầu tư “ngộ nhận” chi phí đầu tư gia tăng là do phải đầu tư vào nhiều thiết bị hiện đại.

Nhiều ưu điểm, công trình xanh vẫn chưa thể “cất cánh” - Ảnh 1

“Để một ngôi nhà gọi là “xanh” và tiết kiệm năng lượng, chúng ta phải có tư duy thiết kế ngay từ khâu ý tưởng để tạo ra ngôi nhà sử dụng được tối đa năng lượng tự nhiên, sau đó mới áp dụng các máy móc thiết bị để tăng hiệu quả vận hành. Trong khi đó, công trình thông thường không yêu cầu đánh giá về mức độ hiệu quả năng lượng, nước hay vật liệu xây dựng…”, ông Hải nói.

Do vậy, hiện nay, phần lớn các chủ đầu tư đang nhìn nhận các giải pháp công trình xanh sẽ khiến chi phí đầu tư tăng 20-30%, thậm chí cao hơn. Điều này khiến các chủ đầu tư cũng như các bên liên quan trên thị trường không “nhiệt tình” với xây dựng công trình xanh.

Tuy nhiên, theo thống kê của Hội đồng Công trình xanh Việt Nam, chi phí đầu tư cho công trình xanh chỉ dao động trong khoảng từ 2-10%, tùy theo mức đầu tư và thiết kế của công trình.

Hơn nữa, công trình được thiết kế và xây dựng theo tiêu chí xanh không chỉ tiết kiệm năng lượng, mà còn tiết kiệm tài nguyên nước, sử dụng vật liệu bền vững, giảm xả khí thải và ô nhiễm, cải thiện tiện nghi cho người sử dụng, đối phó hiểm họa khí hậu. Từ đó, tăng sức hấp dẫn của công trình, tăng lượng người thuê, mua công trình.

Ngoài những “ngộ nhận” về công trình xanh, theo ông Nguyễn Văn Hải, ở Việt Nam chưa có các quy định chặt chẽ trong việc thực thi quy chuẩn về thiết kế công trình xanh nên nhiều doanh nghiệp chưa chú trọng triển khai, vẫn áp dụng theo các tiêu chuẩn truyền thống. Cùng với đó, nhiều tư vấn thiết kế xây dựng chưa thực sự hiểu hết về công trình xanh nên chưa có các thông số so sánh cụ thể giữa phương án xanh với không xanh để thuyết phục chủ đầu tư dự án lựa chọn.

CẦN CHÍNH SÁCH KHUYẾN KHÍCH DOANH NGHIỆP ÁP DỤNG TIÊU CHUẨN XANH

Trước thực trạng trên, ông Phạm Nam Quảng cho rằng Chính phủ cần đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, phổ biến thông tin về công trình xanh tại Việt Nam để chủ đầu tư, đơn vị thiết kế và thi công có nhận thức đầy đủ về các bộ tiêu chí áp dụng.

Ngoài ra, dù đã có hơn 12 năm phát triển công trình xanh, song so với nhiều quốc gia trên thế giới, Việt Nam vẫn ở giai đoạn đầu. Vì vậy, theo giám đốc dự án Simona Heights, Việt Nam cần sớm có chính sách hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia chương trình thiết kế xanh và tiết kiệm năng lượng.

“Về lâu dài, Chính phủ cũng cần có chế tài, cộng với các quy chuẩn bắt buộc giới chủ đầu tư áp dụng cho công trình của mình, bên cạnh những chính sách ưu đãi”, ông Quảng đề xuất.

Về chính sách phát triển công trình xanh nói chung, ông Nguyễn Công Thịnh cho biết, trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ nghiên cứu hướng dẫn nội dung về phát triển công trình hiệu quả năng lượng, công trình xanh.

Bộ sẽ nghiên cứu, rà soát, bổ sung, xây dựng, và ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức, đơn giá, và suất đầu tư liên quan đến công trình hiệu quả năng lượng và công trình xanh. Đồng thời, hỗ trợ kỹ thuật cho chủ dự án, về việc thiết kế, đầu tư xây dựng, và quản lý vận hành các công trình xanh.

Đặc biệt, đại diện Bộ Xây dựng đề xuất cần có chính sách về tín dụng xanh, lãi suất vay đối với công trình xanh với lãi suất thấp hơn lãi suất thương mại thông thường để khuyến khích các doanh nghiệp theo đuổi công trình xanh tại Việt Nam.

Nguồn: https://vneconomy.vn/nhieu-uu-diem-cong-trinh-xanh-van-chua-the-cat-canh.htm

[ad_2]