[ad_1]

Nhiều giao dịch bất động sản ở Bà Rịa-Vũng khai thấp hơn giá thực tế

Trong thời gian qua, nhiều giao dịch chuyển nhượng bất động sản trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng kê khai giá trị bất động sản trên hợp đồng công chứng thấp hơn so với giá giao dịch thực tế trên thị trường. Đây là hành vi vi phạm pháp luật, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho cả bên mua và bên bán và vi phạm về pháp luật thuế, hành vi trốn thuế.

Bán cao nhưng khai giá thấp

Ngày 25/2, Cục Thuế tỉnh Bà Rịa-Vũng cho biết, đã yêu cầu các tổ chức, cá nhân chấp hành pháp luật thuế chuyển nhượng, kinh doanh bất động sản tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.

Theo Cục Thuế tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, bất động sản là tài sản lớn, lâu dài đối với mỗi cá nhân, tổ chức, được pháp luật thừa nhận và bảo vệ dựa trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Khi chuyển nhượng, kinh doanh bất động sản, tổ chức, cá nhân phải thực hiện công chứng hợp đồng chuyển nhượng bất động sản.

Tuy nhiên, trong thời gian qua, nhiều giao dịch chuyển nhượng bất động sản trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu kê khai giá trị bất động sản trên hợp đồng công chứng thấp hơn so với giá giao dịch thực tế trên thị trường. Đây là hành vi vi phạm pháp luật, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho cả bên mua và bên bán và vi phạm về pháp luật thuế, hành vi trốn thuế.

Nhiều giao dịch chuyển nhượng bất động sản trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu kê khai giá trị bất động sản trên hợp đồng công chứng thấp hơn so với giá giao dịch thực tế trên thị trường.

Theo quy định tại Khoản 5 Điều 143 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 quy định, hành vi trốn thuế là hành vi “sử dụng chứng từ, tài liệu không phản ánh đúng bản chất giao dịch hoặc giá trị giao dịch thực tế để xác định sai số tiền thuế phải nộp, số tiền thuế được miễn, số tiền thuế được giảm, số tiền thuế được hoàn, số tiền thuế không phải nộp”.

Như vậy, đối với một tài sản các bên ký nhiều hợp đồng (hợp đồng đặt cọc, hợp đồng chuyển nhượng, văn bản thỏa thuận) với số tiền khác nhau, sau đó sử dụng hợp đồng giá thấp để khai thuế mà cơ quan nhà nước có chứng cứ xác định hợp đồng đó không trung thực thì được xem là tài liệu không hợp pháp. Tại Điều 200 Bộ Luật Hình sự số 100/2015/QH13 cũng quy định hành vi trốn thuế từ 100 triệu đồng trở lên sẽ bị xử lý hình sự hoặc mức thấp hơn nhưng đã bị xử lý hành chính về hành vi trốn thuế.

Để đảm bảo tài sản cũng như quá trình giao dịch chuyển nhượng bất động sản được thuận lợi, không xảy ra tình trạng vi phạm pháp luật về thuế, Cục Thuế tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu khuyến nghị các tổ chức, cá nhân khi phát sinh hoạt động mua, bán, chuyển nhượng bất động sản phải thực hiện các thủ tục kê khai cẩn thận, đúng giá, chính xác, trung thực theo giá thỏa thuận thực tế và chấp hành tốt quy định về pháp luật thuế.

Đồng thời, đề nghị các Văn phòng công chứng trên địa bàn tỉnh hướng dẫn chính sách pháp luật về thực hiện giao dịch bất động sản theo đúng quy định. Trường hợp khi mua bán đã ghi sai giá mua bán trên hợp đồng công chứng, đề nghị người bán và người mua thực hiện công chứng lại theo đúng giá thực tế và thực hiện các thủ tục tiếp theo tại Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai cấp huyện và cơ quan thuế.

Nên đánh thuế cao

Trước đó, Bộ Tài chính ban hành văn bản số 438 về việc chống thất thu thuế trong hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản; đề nghị Bộ Công an chỉ đạo cơ quan công an các địa phương phối hợp với các Cục thuế để điều tra xử lý nghiêm các hành vi kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản có dấu hiệu trốn thuế, chuyển nhượng bất động sản hai giá nhằm ngăn chặn và truy thu thuế cho ngân sách nhà nước.

Cần kiểm soát chặt chẽ việc lập hợp đồng mua bán, chuyển nhượng bất động sản để phòng ngừa, ngăn chặn hành vi trốn thuế, lừa đảo.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) cho rằng, cần kiểm soát chặt chẽ việc lập hợp đồng mua bán, chuyển nhượng bất động sản để phòng ngừa, ngăn chặn hành vi trốn thuế, lừa đảo.

Theo đó, HoREA từng đề xuất ban hành thuế chống đầu cơ nhà, đất; đánh thuế thu nhập thuế suất cao đối với hành vi bán, chuyển nhượng nhà, đất ngay sau khi tạo lập để triệt tiêu ý chí đầu cơ của nhà đầu tư.

HoREA đề xuất mức thuế suất rất cao nếu bán, chuyển nhượng nhà, đất trong năm đầu tiên và giữ mức thuế suất cao trong năm thứ hai, thứ ba. Các trường hợp bán, chuyển nhượng nhà, đất sau khi tạo lập được ba năm hoặc chứng minh được nhu cầu bán, chuyển nhượng nhà, đất là chính đáng thì áp dụng thuế suất bình thường. Như vậy, sắc thuế này sẽ không ảnh hưởng đến người mua nhà để ở, có nhu cầu tạo lập nhà ở thực.

Duy Quang

[ad_2]