[ad_1]

Năm 2023, ráo riết giải ngân nguồn vốn kỷ lục, Bộ Giao thông vận tải sẽ phấn đấu hoàn thành 7 dự án thành phần đường bộ cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 1, cùng cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ, Luồng sông Hậu giai đoạn 2… Những nhà thầu kém, tập thể, cá nhân ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng công trình sẽ bị xử nghiêm…

Bộ Giao thông vận tải đặt mục tiêu giải ngân tối đa 94.161 tỷ đồng nguồn vốn kế hoạch được giao năm 2023.
Bộ Giao thông vận tải đặt mục tiêu giải ngân tối đa 94.161 tỷ đồng nguồn vốn kế hoạch được giao năm 2023.

Trong chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 6/1/2023 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế, dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh,  Bộ Giao thông vận tải nêu rõ mục tiêu giải ngân tối đa 94.161 tỷ đồng nguồn vốn kế hoạch được giao năm 2023, phấn đấu đạt mục tiêu theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 1513/QĐ-TTg ngày 3/12/2022 về việc giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2023.

PHẤN ĐẤU GIẢI NGÂN TỐI ĐA VỐN ĐẦU TƯ CÔNG

Cụ thể, Bộ Giao thông vận tải giao nhiệm vụ cho các cơ quan, đơn vị thuộc bộ chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan để tham mưu chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp, đảm bảo hoàn thành các nhiệm vụ được giao của ngành giao thông vận tải.

Về công tác quản lý đầu tư xây dựng; khai thác kết cấu hạ tầng giao thông, Bộ Giao thông vận tải giao Cục Quản lý đầu tư xây dựng, Cục đường cao tốc Việt Nam trong việc tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ; đẩy nhanh tiến độ một số công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia, có tính liên vùng và hạ tầng đô thị lớn, các dự án thuộc chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, nhất là đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020 và giai đoạn 2021 – 2025, cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu giai đoạn 1, cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột giai đoạn 1.

Các đơn vị cũng cần đẩy nhanh tiến độ các dự án đường cao tốc như: Chợ Mới – Bắc Kạn, Hòa Liên Túy Loan; các dự án nối thông đường Hồ Chí Minh đoạn Chợ Chu – Ngã ba Trung Sơn và Rạch Sỏi – Bến Nhất – Gò Quao – Vĩnh Thuận; các tuyến luồng hàng hải vào cảng Cái Mép – Thị Vải, Nam Nghi Sơn.

Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các địa phương để thúc đẩy nhanh tiến độ các dự án Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh, Vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội, các dự án cao tốc như tuyến Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng giai đoạn 1, Dầu Giây – Liên Khương, Đắk Nông – Bình Phước, Nam Định – Ninh Bình Thái Bình – Hải Phòng, Lạng Sơn – Cao Bằng, Hòa Bình – Mộc Châu, Hà Giang Tuyên Quang và các dự án đường sắt đô thị.

“Phấn đấu hoàn thành trong năm 2023 một số dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia về giao thông như: các dự án thành phần đường bộ cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2017 – 2020 (Mai Sơn – Quốc lộ 45, Quốc lộ 45 – Nghi Sơn, Nghi Sơn – Diễn Châu, Vĩnh Hảo – Phan Thiết, Phan Thiết – Dầu Giây, Cầu Mỹ Thuận 2, Nha Trang – Cam Lâm), cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ, Luồng sông Hậu giai đoạn 2, tuyến đường thủy Kênh Chợ Gạo giai đoạn 2….”, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu.

Bộ Giao thông vận tải cũng giao Vụ Kế hoạch – Đầu tư tiếp tục hoàn thiện thủ tục phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án khởi công mới trong kỳ trung hạn 2021-2025.

 

“Công tác giải ngân phải xác định là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, yêu cầu các chủ đầu tư xây dựng kế hoạch giải ngân chi tiết cho từng dự án ngay từ đầu năm, tập trung ưu tiên cho các dự án trọng điểm, cấp bách, các dự án hoàn thành năm 2023”, Bộ Giao thông vận tải lưu ý.

Các đơn vị cần kịp thời điều hòa, điều chỉnh từ các dự án giải ngân chậm, các dự án không có nhu cầu giải ngân sang các dự án giải ngân nhanh, có nhu cầu giải ngân.

“Người đứng đầu các đơn vị, chủ đầu tư nâng cấp trách nhiệm trong công tác giải ngân; thường xuyên tổ chức hội nghị giao ban để thúc đẩy giải ngân, xử lý các vướng mắc ảnh hưởng tới tiến độ”, Bộ Giao thông vận tải nhấn mạnh.

Cùng với đó, tăng cường huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư; tiếp tục huy động vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ; đẩy mạnh huy động đầu tư theo phương thức đối tác công tư.

Tiếp tục nghiên cứu phát triển hệ thống cảng biển quốc gia, cảng cửa ngõ quốc tế tại các vùng kinh tế trọng điểm; nghiên cứu, nâng cấp mở rộng một số sân bay lưỡng dụng theo phương thức PPP…

Giao nhiệm vụ cho Cục Quản lý đầu tư xây dựng, Bộ Giao thông vận tải đề nghị cục tiếp tục hoàn thiện thủ tục phê duyệt dự án đầu tư, thiết kế dự toán để khởi công các dự án theo kế hoạch trong kỳ trung hạn 2021-2025. Phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong tổ chức thực hiện, kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc về công tác giải phóng mặt bằng, nguồn vật liệu, biến động giá nhiên liệu, vật liệu.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý ngay những vướng mắc liên quan đến tiến độ và chất lượng công trình, xử lý kịp thời những tồn tại về chất lượng, sự cố công trình.

“Nghiêm khắc xử lý trách nhiệm của những tập thể, cá nhân có liên quan; chấn chỉnh, nâng cao năng lực của các chủ đầu tư, các tổ chức tư vấn thiết kế, giám sát; loại bỏ ngay các nhà thầu có năng lực yếu kém ra khỏi các dự án của ngành”, Bộ Giao thông vận tải lưu ý.

Ngoài ra, đẩy mạnh công tác rà soát, xây dựng, điều chỉnh định mức chuyên ngành và thí điểm áp dụng mô hình thông tin công trình (BIM) trong thiết kế, quản lý, giám sát thi công các dự án trọng điểm.

ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ VÀO BẢO TRÌ, ĐIỀU CHỈNH PHÍ BOT THEO LỘ TRÌNH

Cũng trong năm 2023, công tác quản lý, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông được chú trọng.

Bộ Giao thông vận tải giao Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông tiếp tục rà soát, kịp thời sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật, đề án, hệ thống định mức kinh tế – kỹ thuật, quy trình quản lý và các quy định pháp luật về khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông làm cơ sở tổ chức thi công xây dựng, bảo dưỡng, sửa chữa, đánh giá chất lượng thực hiện nhiệm vụ bảo trì.

Tiếp tục xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và phân cấp, phân quyền trong quản lý khai thác kết cấu hạ tầng giao thông theo chỉ đạo tại Nghị quyết 04/NQ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ.

Tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông của các tổ chức, cá nhân trong phạm vi cả nước để bảo đảm chất lượng công trình.

“Tổ chức nghiên cứu, phổ biến tài liệu về khoa học công nghệ trong công tác quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông; tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ, vật liệu mới trong lĩnh vực bảo trì”, Bộ Giao thông vận tải đề nghị.

Còn Cục đường cao tốc Việt Nam chủ trì, báo cáo cấp có thẩm quyền thông qua giải pháp xử lý các khó khăn, bất cập dự án BOT giao thông trên nguyên tắc bảo đảm, hài hòa lợi ích giữa các bên Nhà nước, nhà đầu tư, người sử dụng; thực hiện điều chỉnh mức phí theo lộ trình của hợp đồng tại các trạm thu phí sử dụng dịch vụ đường bộ.

Nguồn: https://vneconomy.vn/nhieu-du-an-trong-diem-cap-bach-nam-2023-duoc-uu-tien-giao-von.htm

[ad_2]