[ad_1]

Nhiều nhân viên chán nản với môi trường làm việc tại Facebook, cảm thấy như trong một cuộc đấu không có hồi kết.

Theo tài liệu nội bộ bị rò rỉ, vào tháng 9/2020, hai tháng trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, một nhân viên có 13 năm kinh nghiệm tại Facebook đã đăng bài viết chia sẻ những bí kíp giúp họ “sinh tồn” tại công ty. Người này ví làm ở mạng xã hội lớn nhất thế giới như một trận đấu cờ vua, trong đó người chơi không bao giờ kết thúc được cuộc đấu.

“Bạn ngồi trước bàn cờ và thực hiện những nước đi tuyệt vời. Đột nhiên, một người ngoài hành tinh xuất hiện và lấy đi bàn cờ, sau đó đặt bàn cờ mới hoàn toàn vào chỗ cũ. Vậy là bạn tiếp tục chơi, rồi người ngoài hành tinh đó quay lại và lại tráo bàn cờ”, nhân viên này mô tả.

Trụ sở cũ của Facebook tại Menlo Park, California. Ảnh: AFP.

Trụ sở của Facebook tại Menlo Park, California. Ảnh: AFP

Bài viết khuyến khích các đồng nghiệp chấp nhận sự hỗn loạn và cơ hội học hỏi đi kèm tại Facebook. Tuy nhiên, nó cũng bộc lộ môi trường gây chán nản tại một trong các tập đoàn hùng mạnh nhất toàn cầu.

“Bạn phải chấp nhận điều này để bảo vệ sức khỏe của chính mình”, bài viết có đoạn.

Trong tài liệu mà cựu quản lý Frances Haugen cung cấp, với nhiều nhân viên, làm việc tại Facebook tác động nghiêm trọng đến cảm xúc bởi các giá trị bản thân và mục tiêu doanh nghiệp luôn trong thế đối đầu. Ngay cả những người tin tưởng vào sự tốt đẹp của Facebook cũng dần hao mòn vì “văn hóa đột xuất”, trong đó đề cao những người xử lý khủng hoảng và áp dụng biện pháp huy động toàn bộ nhân viên cho trường hợp khẩn cấp.

Tham gia dự án khổng lồ như Facebook là thử thách thú vị với không ít người, nhưng đổi lại là nỗi chán nản khi vật lộn với bộ máy không hoàn toàn trong tầm kiểm soát. “Tôi không còn thấy tự hào khi làm tại đây. Tôi thấy rõ thành quả của mình, nhưng không cảm thấy gắn kết với nó nữa”, một nhân viên viết trong bản ghi nhớ năm 2016.

Facebook từng được coi là tấm gương đáng mơ ước ở Thung lũng Silicon. Đó là nơi có nhiều lựa chọn để nắm giữ cổ phần, đồ ăn miễn phí, những chiếc xe chở nhân viên trang bị Wi-Fi. Covid-19 đã lấy đi nhiều phúc lợi, nhưng tài liệu rò rỉ còn cho thấy môi trường phức tạp, kém hoàng nhoáng hơn nhiều so với những gì được thể hiện.

Ngay cả đồ ăn miễn phí cũng mang đến cái nhìn tăm tối về cuộc sống hàng ngày ở Facebook.

“Các lớp học hoặc thông tin về kiểm soát căng thẳng, tự ngờ vực bản thân hay tính khó đoán định ở Facebook sẽ rất có ích. Với tôi, ám ảnh về đồ ăn ngày càng tăng khi tôi lo lắng”, một nhân viên nêu trong bài viết nội bộ năm 2018.

“Tôi tập trung vào công việc và căng thẳng đến mức không còn thời gian và sức lực để quan tâm về đồ ăn”, một người khác cho hay.

Thế giới ẩn của Facebook

Nhân viên Facebook liên tục xây dựng những dự án mới cho nền tảng mạng xã hội này. Công ty sử dụng phiên bản dành cho doanh nghiệp mang tên Workplace với hơn 60.000 nhân viên tham gia, trong đó họ quản lý dự án, trò chuyện, phản ứng với tin tức, báo cáo lỗi và thực hiện mọi hoạt động vận hành công ty trị giá 950 tỷ USD.

Zuckerberg trong một phiên điều trần năm 2018. Ảnh: AP.

Mark Zuckerberg trong một phiên điều trần năm 2018. Ảnh: AP

Workplace trở thành công cụ ngày càng thiết yếu khi phần lớn nhân viên phải ở nhà từ đầu năm 2020 do Covid-19. Đây cũng là mục tiêu của Frances Haugen khi công bố hàng nghìn trang tài liệu nội bộ nhằm chỉ trích Facebook.

Những tài liệu này không phản ánh đầy đủ quan điểm của mọi nhân viên, nhưng mô tả cách công ty nghiên cứu tác hại của các sản phẩm do họ phát triển. Nó cũng thể hiện những vấn đề mà lực lượng lao động phải đối mặt với những hậu quả do công ty gây ra hàng ngày.

Trong bản ghi nhớ năm 2017, một nhân viên cho biết cha của anh trở thành mục tiêu tấn công trong cuộc biểu tình của nhóm người ủng hộ Donald Trump. “Địa chỉ nhà riêng của ông được công khai trên nhóm đối địch với hơn 40.000 người theo dõi. Facebook khiến điều này trở nên dễ dàng”, nhân viên này cho hay.

Joe Osborne, phát ngôn viên của Meta – tên gọi mới của công ty Facebook, cho biết họ phải phát triển những hệ thống và công nghệ chưa từng có để giải quyết hàng loạt thách thức hiện nay. “Chúng tôi coi trọng và luôn ủng hộ những người thực hiện công việc khó khăn, phức tạp này”, ông nói.

Dấu hiệu căng thẳng và bất an

2020 được coi là “năm đột xuất” với Facebook. Mạng xã hội lớn nhất thế giới đối mặt với hàng loạt thử thách trong nội bộ và trên toàn cầu, buộc họ liên tục kích hoạt quy trình đột xuất, được mô tả là “giai đoạn tập trung cao độ và tăng cường tối đa sức lực cho sản phẩm, chính sách và quy trình nhất định”.

Đây cũng là dấu hiệu cho thấy văn hóa doanh nghiệp và môi trường làm việc của Facebook đang được định hình bởi những cuộc khủng hoảng vài năm gần đây. Các nhân viên cảnh báo điều này có thể dẫn tới vòng xoáy tăng tốc làm việc trong tương lai, khiến nhân lực nhanh chóng kiệt sức.

“Tôi tin nền văn hóa đột xuất hiện nay sẽ chỉ dẫn tới thất bại, nhưng rõ ràng chúng ta sẽ không thể sớm chấm dứt điều này. Tôi nghĩ nó sẽ tăng dần qua từng năm và tất cả đang đào cái hố ngày càng khó thoát ra”, một nhân viên viết.

Điệp Anh (theo Business Insider)

[ad_2]