[ad_1]
Có người từng hỏi một bậc thầy điêu khắc rằng: “Thưa ông! Nghệ thuật là gì?”. Người nghệ sĩ trả lời: “Chính là trừ đi phần thừa”. Điều này tương tự như đời người vậy, cần học cách sử dụng phép trừ trong cuộc sống, có như vậy mới thấy hạnh phúc được.
Người sống hạnh phúc, hầu hết đều biết làm phép trừ cho cuộc sống của họ: Trừ đi những phần thừa thãi để sống một cuộc đời bình an. Vậy phần thừa đó là gì?
Chính là:
Trừ bớt các nhu cầu, thì phiền não ít đi.
Trừ bớt các ham muốn, thì thống khổ ít đi.
Trừ bớt những so sánh, thì ưu sầu ít đi.
Bớt đòi hỏi, phiền não ít đi
Tận dụng tốt phép trừ trong cuộc sống, giảm bớt những mong cầu sẽ giúp chúng ta bớt đi phiền não.
Trong cuốn sách “Danshari” của nhà văn Nhật Bản Hideko Yamashita, từng khiến thay đổi cuộc sống của hàng triệu người trên thế giới. Khái niệm của nó đơn giản chính là “Đoạn, Xả, Ly”:
“Đoạn” – không mua, không thu, không lấy những thứ không cần thiết, tránh dung nạp quá nhiều.
“Xả” – vứt bỏ những thứ không có giá trị và vô dụng trong nhà, tránh việc tích lũy quá nhiều.
“Ly” – vứt bỏ sự lệ thuộc của bạn vào vật chất, để ngôi nhà có một không gian rộng rãi, thoải mái, và tự do tự tại.
Nếu từ sâu thẳm trong tâm bạn, có thể “Đoạn” hết thảy các mong cầu quá mức, “Xả” những nhu cầu dư thừa, “Ly” các nhu cầu quá cao, thì bạn sẽ thấy: đơn giản mới chính là hạnh phúc vô song.
Lúc đó bạn sẽ chợt nhận ra, đời người đôi khi chỉ cần một bữa cơm, một hồ lô rượu cạnh người tri âm, thì dù có ngồi trong ngõ hẻm, nhưng vẫn cảm nhận được niềm vui không thay đổi.
Đôi khi chỉ là thưởng thức một tách trà ngon, đọc một cuốn sách hay, thì dù trong căn nhà chật hẹp, trong tâm vẫn thấy vui vẻ, hạnh phúc.
Nhưng một số người cứ luôn bị ám ảnh bởi tất cả các loại cám dỗ trong cuộc đời. Mong cầu cái này, mong cầu cái kia, nhưng lại không biết càng đòi hỏi thì càng nhiều phiền não.
Cuối cùng, thay vì cải thiện chất lượng cuộc sống, thì những đòi hỏi quá mức có thể giết chết hạnh phúc giản đơn của chính bạn. Vì thế, không nên vì cái gọi là nhu cầu cao, mà hạ thấp đi chỉ số hạnh phúc của mình.
Bớt ham muốn, đau khổ ít đi
Tận dụng tốt phép trừ trong cuộc sống, còn là giảm bớt những ham muốn, như vậy tự nhiên đau khổ cũng theo đó mà ít đi.
“Thái Căn Đàm” có một câu nói: “Con đường ham muốn của con người rất hẹp, và chúng ta chỉ dừng lại khi trước mắt đầy bụi gai bãi lầy”.
Câu này có nghĩa là: Ham muốn giống như một con đường hẹp. Một khi bạn bước trên con đường này, thì phía trước sẽ gập ghềnh, khó khăn, khiến bạn vô tình bị mắc kẹt trong một vũng lầy.
Thật đau đớn khi truy cầu mà không có được, và khổ đau sẽ còn nhiều hơn khi mà có được lại không biết thỏa mãn.
Phần lớn những thống khổ như vậy trong đời, đều từ việc truy cầu ham muốn và không biết thỏa mãn. Cái gọi là ham muốn quá nhiều và hạnh phúc quá ít cũng chính là như vậy.
Có một câu chuyện thế này: Trong một ngôi làng nhỏ tĩnh mịch, có một cặp vợ chồng sống cùng nhau, dù nghèo khó nhưng gia đình luôn hạnh phúc.
Một ngày nọ, như thường lệ, người chồng đi trồng trọt, trong lúc ông đang cuốc đất thì đào lên được một vật lấp lánh bằng vàng. Người nông dân nhìn chằm chằm vào nó và nhận ra, đó là một tượng La Hán bằng vàng vô cùng quý giá.
Người nông dân vui vẻ về nhà để chia sẻ tin vui cho vợ, người thân và bạn bè. Ai nấy cũng đều vui mừng và quyết định tổ chức một bữa tiệc thịnh soạn.
Nhưng trái với mọi người, vợ của người nông dân lại tỏ ra buồn bã, tâm trạng của bà còn ảnh hưởng đến cả bầu không khí vui vẻ trong nhà. Vào ngày bữa tiệc được tổ chức, vợ của người nông dân vẫn không thể vui lên được một chút.
Thấy lạ, có một người tò mò hỏi: “Chồng cô đã đào được tượng La Hán bằng vàng. Bây giờ, cô không còn phải lo lắng đến cái ăn cái mặc, còn được sống trong một căn nhà mới khang trang, tại sao vẫn cứ rầu rĩ không vui như thế?”
Vợ của người nông dân trả lời: “Bởi vì tôi không biết tượng 17 vị La Hán vàng còn lại nằm ở đâu?”.
Thế mới thấy, sự tham lam khiến con người ta luôn đau khổ, dẫu có sung sướng nhưng lại không thể tận hưởng vì cứ mãi cho rằng bản thân chưa đủ, lại muốn có nhiều thêm.
Do đó, con người muốn hạnh phúc, hãy học cách biết đủ và loại bỏ những ham muốn, thì đau khổ tự nhiên sẽ ít đi.
Bớt so sánh, ưu sầu ít đi
Tận dụng tốt phép trừ của cuộc sống, bỏ đi tâm so sánh, tự nhiên ưu sầu sẽ ít đi.
Sự bất hạnh của đời người thường là do hay so sánh với người khác mà thành: “Thành tích học tập của con người khác tốt hơn con mình”, “Chồng của người khác chu đáo hơn chồng mình”, “Phúc lợi ở công ty người khác tốt hơn công ty mình” …
Sự so sánh thực ra chỉ làm tăng thêm ưu sầu cho người ta, một khi động niệm so sánh thì hạnh phúc liền biến mất. So sánh mù quáng quả thật tương đương với tự giết chết chính bản thân mình.
Chúc Di (Theo Secret China)
[ad_2]