[ad_1]
Nhiều người lao động cho biết không có khả năng tích lũy để mua nhà với mức lương hiện tại – Ảnh: Duyên Phan
Nhiều ý kiến của người lao động cho rằng giá cả nhà ở nằm ngoài tầm với nhưng thông tin về nhà ở xã hội khó tiếp cận, thủ tục mua nhà lại không hề dễ dàng.
Giá nhà ở xã hội: bao nhiêu là hợp lý?
Chị Đoàn Huỳnh Anh Vũ – phó chánh văn phòng Ban quản lý đường sắt đô thị TP – cho biết chị đã làm hồ sơ mua nhà ở xã hội nhưng không được mua do xếp hạng hồ sơ đứng thứ 187 mà chỉ có 152 căn hộ và không được cộng điểm do không có chồng là cán bộ viên chức.
Bà Trần Thị Diệu Thúy – chủ tịch Liên đoàn Lao động TP.HCM – cũng nhìn nhận thực tế này: “Nhu cầu về nhà ở xã hội của công nhân viên chức, người lao động là rất lớn. Tuy nhiên số lượng còn rất ít, do đó ngay cả những người có nhu cầu và có khả năng mua cũng không thể đăng ký mua”.
Trước đó, đơn vị này cũng đã thực hiện khảo sát trực tuyến khoảng 41.000 lao động về nhu cầu nhà ở. Theo đó, 64% có nhu cầu mua nhà ở xã hội, trong đó có 36% lựa chọn mua nhà từ 0,5 tỉ đến dưới 1 tỉ; 34% lựa chọn mua nhà từ 1 – 1,5 tỉ.
Ông Huỳnh Thanh Khiết – phó giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM – cho biết người được mua nhà là 10 nhóm đối tượng đã được quy định cụ thể và chặt chẽ tại Luật nhà ở 2014.
“Thực tế nguồn vốn nhà nước không đủ do đó hiện nay hầu hết các dự án là từ nguồn vốn doanh nghiệp. Với các dự án được thực hiện từ vốn ngoài ngân sách, hồ sơ của người mua sẽ do chủ đầu tư duyệt sau đó chuyển cho Sở Xây dựng kiểm tra xem đối tượng này đã được hưởng chính sách nhà ở xã hội lần nào chưa”, ông Khiết nêu quy trình.
Nói về giá bán, ông Khiết cho biết dự án nhà ở xã hội được miễn tiền sử dụng đất do đó giá bán không phải là giá thương mại mà được kiểm soát chặt ở đầu ra, được các cơ quan nhà nước thẩm định.
“Trước năm 2019 giá bán nhà ở xã hội là 16 triệu/m2 nhưng hiện nay đã tăng ở mức trên dưới 20 triệu/m2, tương đương giá bán một căn nhà ở xã hội dao động ở mức 1 – 1,6 tỉ. Đây là giá bán đã được thẩm định bởi cơ quan quản lý, là giá trị thật của nhà ở, không phải giá thương mại”, ông nói thêm.
Xây dựng 35.000 căn nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2025
Chủ trì buổi tiếp xúc, bà Nguyễn Thị Lệ – phó bí thư Thành ủy, chủ tịch HĐND TP.HCM – cho biết TP đặc biệt quan tâm đến chính sách nhà ở cho người lao động. Bà nhấn mạnh rằng TP cần tập trung đẩy nhanh việc thực hiện kế hoạch phát triển nhà ở xã hội giai đoạn 2021 – 2025 với chỉ tiêu dự kiến phát triển thêm khoảng 2,5 triệu m2 sàn xây dựng (tương đương khoảng 35.000 căn hộ), tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án; đảm bảo tiến độ hoàn thành các dự án.
Cùng với đó, phải tiếp tục rà soát, tạo lập quỹ đất và đầu tư xây dựng các hạ tầng xã hội và các tiện ích phục vụ công nhân tại các khu chế xuất, khu công nghiệp chưa được đầu tư. Đặc biệt ưu tiên xây dựng nhà lưu trú, nhà cho công nhân thuê trong các khu chế xuất, khu công nghiệp, có cơ chế hỗ trợ đơn giản hóa thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian đầu tư và chính sách hỗ trợ tài chính để thu hút chủ đầu tư thực hiện dự án.
Đóng góp ý kiến về chính sách chỗ ở cho người lao động, bà Trần Thị Diệu Thúy cho biết qua khảo sát nhiều người lao động không có đủ điều kiện mua nhà, đồng thời một số lượng lớn công nhân miền Tây chỉ có nhu cầu thuê nhà để có chỗ ở ổn định, sau đó họ quay về quê.
“Chính sách pháp luật phải tính đến việc xây dựng nhà ở, hỗ trợ chủ nhà trọ cải thiện điều kiện nhà trọ cho thuê, để người lao động có nơi ở an toàn, sạch đẹp, đồng thời có trường học, bệnh viện thuận lợi giảm tải các áp lực khác như đi lại, chợ búa… Đây là chính sách khả thi hơn, căn cơ hơn so với việc xây nhà ở xã hội để bán cho người lao động thu nhập thấp”, bà nêu.
Ông Huỳnh Thanh Khiết cho biết với giá căn hộ hiện nay là 1 – 1,6 tỉ và thu nhập thực tế của người lao động thì thời gian trả góp sẽ kéo dài hơn nhưng hiện nay quy định hỗ trợ cho vay chỉ tối đa 15 năm, số tiền vay tối đa 900 triệu đồng. Số tiền còn lại người lao động sẽ lấy từ đâu? Do đó giữa chính sách và thực tế đang có độ chênh và cần có sự điều chỉnh, ông Khiết nhận định
Nguồn: https://cafeland.vn/tin-tuc/nha-o-xa-hoi-vua-khong-du-vua-kho-mua-109043.html
[ad_2]