[ad_1]

Mặc dù Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích phát triển nhà ở công nhân, nhưng quá trình phát triển loại hình bất động sản này vẫn còn vướng mắc khiến doanh nghiệp không mặn mà.

Nhà ở công nhân: Chính sách nhiều nhưng vẫn nghẽn do đâu?

Quá trình phát triển nhà ở công nhân vẫn còn vướng mắc

Chưa đạt kỳ vọng

Ông Hà Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), cho biết tính đến cuối tháng 9-2021, cả nước đã hoàn thành 266 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị, với quy mô xây dựng khoảng hơn 142.000 căn, đạt khoảng 56,8 % so với mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020.

Hiện có thêm 278 dự án đang được triển khai xây dựng, khi hoàn thành sẽ cung cấp thêm khoảng 274.000 căn, với tổng diện tích khoảng 13,8 triệu m2.

Hiện đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng 121 dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân khu công nghiệp, với quy mô xây dựng khoảng 54.000 căn hộ, đang tiếp tục triển khai 100 dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân khu công nghiệp với quy mô xây dựng khoảng 134.000 căn.

Đối với việc quy hoạch quỹ đất làm nhà ở xã hội cho công nhân khu công nghiệp, mục tiêu đến năm 2020 cả nước dành khoảng 600ha đất làm nhà ở xã hội cho công nhân khu công nghiệp.

Theo ông Hưng, việc dành quỹ đất làm nhà ở cho công nhân KCN cơ bản đạt mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, mới chỉ có khoảng 41% diện tích đất được đầu tư xây dựng đưa vào sử dụng.

Kết quả phát triển nhà ở xã hội, trong đó có nhà ở cho công nhân vẫn chưa đạt yêu cầu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.

Cụ thể, phấn đấu thực hiện đầu tư xây dựng tối thiểu khoảng 12,5 triệu m2 nhà ở xã hội tại khu vực đô thị, đáp ứng cho khoảng 70% công nhân lao động tại các KCN có nhu cầu được giải quyết chỗ ở.

Không có lãi, “bỏ quên” người lao động

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Phạm Văn Ân, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD), cho rằng không nhiều nhà đầu tư quan tâm đến loại hình này do giới hạn về lợi nhuận dự án, giới hạn về đối tượng khách hàng.

Bên cạnh đó, trong dự án nhà ở xã hội bắt buộc phải bố trí một phần diện tích nhà cho thuê nên cũng phần nào làm giảm sự hấp dẫn của phân khúc này.

Ông Trần Ngọc Anh, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Viglacera – CTCP, cho biết dù chính sách đã có khá nhiều, nhưng vẫn còn điểm nghẽn, gây khó khăn cho công nhân và cả những công ty tại khu công nghiệp.

Đáng chú ý, nhiều khu công nghiệp có đầy đủ và đồng bộ hạ tầng, tạo ra môi trường, cảnh quan rất hiện đại, đầy đủ. Tuy nhiên, qua khảo sát, có đến 80-90% công nhân lao động đều ở tạm cư.

Tại khu công nghiệp Yên Phong (tỉnh Bắc Ninh) có đến 100 nghìn công nhân, nhưng số lượng lao động vào các khu nhà ở chỉ khoảng 10 nghìn người, phần lớn còn lại phải thuê nhà trọ.

Cả doanh nghiệp lẫn người lao động đều mong muốn được thuê, sử dụng nhà ở nhưng không được thuê do còn vướng chính sách.

Bà Vũ Thị Hợp, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần thương mại Dạ Hợp, cho biết doanh nghiệp của bà đã triển khai đầu tư an sinh xã hội về nhà ở công nhân từ rất sớm, từ những năm 2011.

Tuy nhiên, quá trình phát triển nhà ở tại các địa phương gặp nhiều khó khăn. Trong đó, khó khăn lớn nhất là pháp lý và quy định pháp luật còn xung đột, chồng chéo với nhau.

Hiện nay, Dạ Hợp đã đầu tư xong 2 dự án nhà ở công nhân và đang tiếp tục đầu tư 3 dự án nữa, song không dự án nào có lãi.

Doanh nghiệp này đề xuất, các tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng khu công nghiệp, cụm công nghiệp cần chú ý đến thói quen sinh hoạt, văn hóa…của người lao động; quan tâm hơn đến vai trò, vị trí của công nhân.

Theo bà Hợp, Chính phủ nên ưu tiên bố trí nguồn vốn xây dựng nhà ở công nhân cho các ngân hàng thương mại thay cho ngân hàng chính sách thì việc sử dụng vốn sẽ được hiệu quả hơn.

Ngoài ra, Chính phủ tiếp tục giao các chỉ tiêu nhà ở công nhân cho các khu công nghiệp, cụm công nghiệp.

Khi xây dựng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, doanh nghiệp mong muốn các dự án không cần qua đấu thầu mà nên chấm điểm để lựa chọn nhà đầu tư.

Ông Đào Công Hùng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Bắc Giang, cho biết tỉnh này hiện có khoảng 1.482 dự án đang hoạt động tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp với tổng số khoảng 238.000 công nhân.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai còn nhiều bất cập như quy hoạch xây dựng nhà ở công nhân chưa đồng bộ với khu công nghiệp, cụm công nghiệp.

“Các chủ đầu tư hiện đang “bỏ quên” người lao động, chỉ tập trung vào nhà ở mang tính chất lợi nhuận”, ông Hùng nhận xét.

Theo ông Hùng, để giữ chân người lao động, trong quy hoạch xây dựng nhà ở phải đồng bộ, gắn liền với khu công nghiệp.

Hiện nay, trình tự thủ tục lựa chọn nhà đầu tư còn quá dài. Công tác giải phóng mặt bằng các dự án cũng khó khăn. Bất cập lớn nhất là việc giao đất thực hiện theo Luật Đất đai còn gây khó khăn cho liên danh nhà thầu, liên danh chủ đầu tư.

Trong một toạ đàm về nhà ở xã hội mới đây, TS. Vũ Đình Ánh cho rằng phải làm sao để sản phẩm này tiếp cận đúng khách hàng là điều quan trọng.

Hơn nữa, nhóm khách hàng của nhà ở công nhân, nhà ở xã hội là dân lao động, do đó phải bám vào khu vực mà họ làm việc, không đẩy dự án đi quá xa. Mặt khác, chủ đầu tư cần tạo ra sản phẩm với mức giá thấp nhất có thể, muốn vậy phải tiếp cận được nguồn vốn giá rẻ.

Ông Ánh cũng đề cập đến thực tế là thu nhập của công nhân dao động từ 6-10 triệu đồng/tháng, và thời hạn lao động của công nhân là năm 40 tuổi.

“Lúc đó, liệu doanh nghiệp có tính đến việc công nhân sẽ lựa chọn ở lại dự án mà mình xây dựng? Nếu không thì lúc đó chủ đầu tư sẽ làm gì hay lại bán sản phẩm đó cho những nhóm đối tượng chuyên nghiệp khác?”, ông Ánh đặt vấn đề.

[ad_2]