[ad_1]

Người như thế nào mới có thể làm nên đại sự?

Phàm là làm việc lớn thì trước hết phải nghiêm khắc tu dưỡng chính bản thân mình giữ được ý chí sắt đá, kiên định; lại còn phải trau dồi những trải nghiệm và hiểu biết phong phú; hơn nữa phải thấu hiểu lẽ đời, đạo Trời, đối nhân xử thế, khoan dung độ lượng, tấm lòng bao la rộng lớn…

Trong cuộc sống nơi nào cũng đều tồn tại các cửa ải khó khăn. Nếu không có sức mạnh kiên cường và ý chí kiên định, những khổ nạn này bất kỳ lúc nào cũng có thể ngăn cản chúng ta tiến lên phía trước, thậm chí sẽ làm cho ta mất phương hướng hoặc sa vào vòng xoáy lợi ích nhất thời.

Vậy thì người như thế nào mới có thể làm nên đại sự?

Các học giả Nho gia đã chia sẻ kinh nghiệm của một nhân vật kinh điển – Tăng Quốc Phiên. Tăng Quốc Phiên là danh nho lỗi lạc, đã từng dẹp yên Thái Bình Thiên Quốc, trở thành người cứu nguy cho vương triều nhà Thanh và được suy tôn là “Trung hưng trọng thần”. Tuy nhiên, Tăng Quốc Phiên vốn không phải là người có tài năng thiên bẩm, thậm chí thời trẻ còn phạm vào rất nhiều việc xấu. Vậy thì vì sao ông lại có thể gặt hái được những thành tựu về học vấn và sự nghiệp lẫy lừng như vậy?

Ông đã viết rất nhiều sách về đối nhân xử thế được rất nhiều độc giả coi trọng. Dưới đây là một vài câu chuyện mà ông đã từng trải qua:

1. Người biết tự xét mình sửa lỗi

Con người sống ở trên đời, mấy ai không phạm sai lầm. Nhưng sự khác biệt giữa người thành công với đại đa số người bình thường khác chính là ở chỗ họ có thể chủ động tự xét mình sửa lỗi và không ngừng thăng tiến.

Thời trẻ, Tăng Quốc Phiên mang trong mình nhiệt huyết tuổi trẻ, tinh lực tràn đầy nhưng tính tình lại rất nóng nảy, khi làm quan ở kinh thành, ông đã từng rất phóng đãng, lỗ máng.

Có lần ông và người đồng hương tranh luận một vấn đề mà không có kết quả, cuối cùng xảy ra đánh nhau; lại có lần đến chơi nhà bạn đồng sự, nhìn thấy tiểu thiếp xinh đẹp của bạn, không nhịn được liền buông lời chòng ghẹo, trong tâm cũng khởi ý niệm xấu.

Có thể thấy rằng, tuổi trẻ của Tăng Quốc Phiên cũng mang nhiều khuyết điểm. Nhưng khi đọc trong nhật ký của ông, chúng ta sẽ thấy rằng đối với những suy nghĩ ích kỷ và thói đời xấu xa mà ông mắc phải, ông tự mình nhận thức ra và thề với bản thân rằng sẽ cải chính lại những sai lầm đó.

Năm 17 tuổi, ông bị dính vào thuốc phiện, sau khi bị thầy mắng chửi một trận thậm tệ, ông đã lập tức quyết chí cai thuốc, nhưng kiên trì một hai tháng thì lại hút lại. Trong nhật ký của ông ghi lại: “Sơ giới ngật yên, như thất nhũ bàng hoàng” (Tạm dịch là ban đầu bỏ thuốc hoang mang như đứa con mất sữa mẹ). Điểm khó khăn là ở hoàn cảnh xung quanh, các bạn học khác đều hút thuốc, đó là một sự cám dỗ cực lớn.

Cuối cùng, những thứ đồ dùng để hút thuốc mà ông yêu thích đều bị ông đem đi đập hết sạch. Từ đó không ngừng đốc thúc tu chính bản thân, sau cùng cũng từ bỏ được thói xấu nghiện thuốc này.

Cuộc đời Tăng Quốc Phiên là cuộc hành trình đi từ một người bình thường với nhiều thói hư tật xấu cho đến khi trở thành một đại danh nho lỗi lạc. Vậy nên, những câu chuyện của ông mới trở thành những kinh nghiệm quý báu có tính phổ biến lưu lại cho người đời sau.

Tăng Tử nói, mỗi ngày phải nhiều lần tự suy xét xem hành vi của bản thân có chăng còn tồn tại sai lầm. Khổng Tử cho rằng, đối với những lệch lạc của bản thân thì phải nghiêm khắc như là quan tòa mà xét xử, không thể dễ dãi thuận theo, dù đau đớn cũng phải hạ quyết tâm cải chính lại bản thân mình.

2. Người có kỷ luật

Tính kỷ luật chính là nền tảng của sự thành công. Đối với những người thiếu tính kỷ luật mà nói, cuộc sống của họ tràn đầy những cám dỗ và cạm bẫy.

Khoảng 30 tuổi, Tăng Quốc Phiên lập ra một quy định nghiêm khắc tu thân cho chính mình và đặt tên là “Nhật khóa thập nhị điều” (Tạm dịch: Mười hai điều phải học mỗi ngày), mà chủ yếu là: Chủ kính (chỉnh tề, nghiêm túc); tĩnh tọa, dậy sớm, đọc sách, viết nhật ký, luyện chữ, cẩn ngôn (cẩn thận lời ăn tiếng nói), dưỡng khí, sáng tác văn thơ. Mỗi ngày từ sáng đến tối đều phải thực hiện được những việc này.

Tăng Quốc Phiên trước khi tạ thế từng để lại lời răn, mà điều đầu tiên chính là “Thận độc”: “Nhất viết thận độc tắc tâm an”, hàm ý là ngay cả khi chỉ có một mình, không ai hay biết, thì hành vi của bản thân cũng luôn phải thận trọng chiểu theo tiêu chuẩn đạo đức mà hành xử, không thể tùy tiện khinh suất, trước sau không thể phóng túng bản thân, mỗi ngày đều làm được như vậy thì tất sẽ an tâm.

“Thận độc”, thực chất chính là một hình thức cao hơn của tự kỷ luật. Người mà có thể “thận độc” chính là có thể khống chế tinh thần, kiểm soát được ham muốn của bản thân, tự nhiên sẽ cảm thấy trong lòng yên ổn. Tự nhiên cũng có được sức mạnh và tinh lực để có thể làm những sự việc mình muốn thực hiện.

Một người mà có thể tự kỷ luật, ‘thận độc’ bản thân thì trong tâm không có hổ thẹn, gặp biến cố mà không sợ hãi, tâm tình bình hòa vui vẻ. Tăng Quốc Phiên gọi đó là nguyên tắc sống quan trọng nhất của đời người, là bài thuốc tốt nhất, là việc quan trọng bậc nhất trong đạo tu thân dưỡng tính.

3. Người sẵn sàng giúp đỡ người khác

Người xưa dạy, người quân tử càng giúp người khác thì mình càng có được nhiều hơn. Đây chính là thể hiện cụ thể của tấm lòng nhân ái giữa người với người.

Người có trí huệ đều hiểu rằng giúp người khác thành công kỳ thực chính là đang tự giúp chính mình.

Sau khi quân Tương (Hồ Nam) đánh phá được Nam Kinh, Tăng Quốc Phiên trong tấu chương trình lên triều đình đã đem công trù tính thắng lợi nhường cho Hồ Lâm Dực và công huyết chiến nơi tiền tuyến nhường cho Đa Long A.

Tăng Quốc Phiên cho rằng, người nếu muốn “tâm tồn tế vật” (tâm làm lợi cho vạn vật) thì cần dốc lòng giúp đỡ người khác, cần có tâm chân thành muốn người khác được thành công, hiểu được rằng giúp người kỳ thực chính là giúp bản thân mình, người như vậy cho dù tạm thời không giàu có về vật chất nhưng lại là người đại phú đại quý về tinh thần.

Một người chấp nhận từ bỏ phần lợi nhỏ, không tính toán được mất, như vậy mới có thể thật sự được mọi người trợ giúp, con đường nhân sinh vì thế cũng càng ngày càng rộng mở.

Nếu như có thể “tâm tồn tế vật”, vậy thì chính là làm cho cuộc sống trở nên rộng rãi, thành tựu vô hạn trong tương lai.

Nói cách khác, bất cứ có chuyện gì đều có kết quả nhất định. Nỗ lực bao nhiêu, mới có thể thu hoạch được bấy nhiêu, nỗ lực không nhất định là thống khổ, nhưng lúc thu hoạch thì nhất định hạnh phúc.

Xem thêm

[ad_2]