[ad_1]

Người kiên nhẫn đến cùng là người chiến thắng

Trong cuộc sống, có không ít người bởi vì không kiên nhẫn được đến cùng mà gặp phải thất bại đáng tiếc. Ngược lại, có nhiều người tin tưởng vào bản thân, quyết tâm kiên nhẫn mà đạt được những thành tựu to lớn.

Khi làm một công việc gì, cho dù là việc lớn hay nhỏ mà bởi vì không kiên trì được đến cùng, chỉ còn một chút nữa là thành công thì cũng coi như chưa làm, “Thất bại trong gang tấc”, thực sự là rất đáng tiếc!

Mạnh Tử viết: “Hữu vi giả, thí nhược quật tỉnh, quật tỉnh cửu nhận nhi bất cập tuyền, do vi khí tỉnh dã”, ý nói, con người làm một việc gì thì cũng phải kiên nhẫn giống như đào giếng vậy. Nếu như đã đào giếng sâu đến chín nhận (ý là cao như một ngọn núi), mà bởi vì chưa tới mạch nước mà buông tha, thì vô luận là đã bỏ ra bao nhiêu công phu, đào sâu bao nhiêu đi nữa, cũng là “thất bại trong gang tấc”. Cái giếng ấy vẫn sẽ là một cái giếng hoang mà thôi.

Sự thành công hay thất bại của một người cũng là như thế. Bất kể là việc học tập, gây dựng sự nghiệp thì nhất định cũng cần phải kiên nhẫn, giống như việc đào một cái giếng vậy. Mỗi ngày học thuộc một chút, nắm bắt được một chút kiến thức, lâu dần người ấy có thể trở thành một “cuốn bách khoa toàn thư”. Mỗi ngày làm một chút việc trong kế hoạch gây dựng sự nghiệp của mình, lâu dần người ấy chắc chắn sẽ đạt được những thành tựu nhất định.

“Ngu Công dời núi” là một truyện cổ được ghi chép trong cuốn “Liệt tử – Thang vấn”. Câu chuyện kể rằng, tại phía nam Ký Châu, bờ bắc Hoàng Hà, có hai ngọn núi cao tên là Thái Hành và Vương Ốc. Bán kính của hai ngọn núi dài khoảng 700 dặm và chiều cao của nó lên đến mấy vạn thước.

Ở phía bắc của hai ngọn núi có một ông lão tên là Ngu Công, tuổi đã gần 90. Hai ngọn núi cản trở đường đi hướng bắc, dù ra hay vào đều phải đi đường vòng rất xa, khiến Ngu Công vô cùng băn khoăn.

Hôm đó, ông triệu tập cả nhà lại và cùng nhau thảo luận, làm thế nào để có con đường thông thoáng dẫn thẳng đến phía nam Dự Châu, bờ nam Hán Thủy. Với ước nguyện như vậy, ông quyết định kiên nhẫn san bằng được hai ngọn núi này.

Ngày hôm sau, Ngu Công lựa chọn ba người cháu trai có thể đảm nhiệm trọng trách để cùng theo ông đi đục đá, đào đất. Sau đó, họ lại kiên nhẫn đem số đất đá vừa đào bới được chuyển đến khu vực gần biển Bột Hải.

Người hàng xóm Hà Khúc Trí Sưu thấy vậy thì cười nhạo Ngu Công. Ông ta giễu cợt rằng: “Đám người thì ít ỏi, ngọn núi lại cao như vậy, làm sao có thể san bằng hai ngọn núi ấy cơ chứ? Đúng là việc không tưởng.”

Nhưng Ngu Công vẫn kiên định, nói: “Cho dù tôi chết rồi, tôi còn có con trai mà. Con trai lại sinh cháu trai, cháu trai lại sinh con trai, con trai lại sinh con trai nữa, và con trai lại tiếp tục sinh cháu trai… Con con cháu cháu là không bao giờ hết cả mà hai ngọn núi này đâu thể mọc cao hơn, cũng không thể to ra hơn. Cứ như vậy, tôi có gì phải lo lắng là không san bằng được ngọn núi đó chứ ?”

Hà Khúc Trí Sưu sau khi nghe Ngu Công nói lời quyết tâm và ý chí kiên nhẫn như vậy, thấy có đạo lý nên trong lòng đã tâm phục khẩu phục mà nín lặng không nói nên lời nào nữa.

Dù ở độ tuổi gần đất xa trời, nhưng ông lão Ngu Công không vì tuổi già sức yếu mà khoanh tay đứng nhìn. Ông tâm niệm “tích tiểu thành đại”, cho dù mỗi ngày chỉ có thể dời đi một chút đất đá, nhưng cứ kiên nhẫn theo ngày theo tháng, ông cũng sẽ di dời được hai ngọn núi to ấy.

Tinh thần và ý chí kiên định của Ngu Công đã làm cảm động Thiên đế. Ngài bèn lệnh cho con trai của Đại lực thần Khoa Nga Thị di dời hai ngọn núi này giúp ông. Từ đó về sau, phía nam của Ký Châu và bờ nam của Hán Thủy không còn có núi cao ngăn cản nữa, người nhà Ngu Công và những người dân khác đã có con đường thuận lợi để đi lại.

“Núi thái Sơn chẳng quản gom từng hạt đất, nhờ vậy mà cao lớn. Sông biển không kén dòng suối nhỏ to, nhờ vậy mà càng trở nên sâu rộng”. Bất cứ một việc nhỏ nào cũng là từng hạt đất, cũng là từng dòng suối nhỏ nhỏ. Bắt đầu làm từ việc nhỏ, mỗi ngày một việc tốt, một câu nói thiện lương, một nụ cười rạng rỡ,… cứ như thế mà tích tiểu thành đại, tích tiểu thiện thành đại đức.

Lão tử giảng rằng: “Phu duy lận, thị vị tảo phục, thị vị trọng tích đức”, nghĩa là, người đàn ông keo kiệt, là để sớm có sự chuẩn bị cho tương lai, là vì xem trọng việc tích lũy công đức. Nếu trong bất cứ trường hợp nào, khó khăn nào chúng ta cũng không bỏ qua những việc nhỏ, kiên nhẫn đến cùng thì nhất định sẽ có ngày chúng ta đạt được thành công.

Xem thêm

[ad_2]