[ad_1]

“Người khâu vá vết thương” là câu chuyện ý nghĩa về một người phụ nữ tần tảo, dành cả cuộc đời để vun vén cho gia đình khiến nhiều người phải nghẹn ngào.

Câu chuyện “Người khâu vá vết thương”

Chồng tôi rất thương mấy đứa con anh Hai ở quê. Tôi thì yêu chồng và tiền bạc cũng khá giả nên những khi chồng giúp đỡ bọn nhỏ, tôi cũng vui vẻ đồng ý. Dần dà, từ những món tiền hậu hĩnh cho ngày khai giảng, rồi đến những quà cáp gửi về quê những dịp lễ Tết, anh Hai còn gửi cả đứa con đầu lòng cho vợ chồng tôi với lý do ở thành phố có cơ hội học hành tốt hơn.

Việc cho đứa cháu 16 ở chung phòng với đứa con trai tuổi lên mười khiến tôi lo lắng. Trước đây, cửa phòng luôn mở rộng nên tôi muốn vào với con mình lúc nào cũng được, nay thì phòng thường xuyên đóng cửa, có trời mới biết rõ tuổi 16 ẩm ương hay đọc loại truyện gì, lén xem phim gì, rồi con trai tôi sẽ tò mò ra sao. Chưa kể là sợ cháu tủi thân vì ở nhờ, tôi rất dè dặt mỗi khi cần nhắc nhở chuyện này chuyện nọ. Đâm ra hai đứa con của tôi ghen tị vì cùng một lỗi giày dép bừa bộn mà sao đứa này bị nặng lời còn người thì không.

Việc học hành cũng là nỗi lo lớn, từ quê lên thành phố kiến thức bị vênh khác nhiều nên tôi phải tìm gia sư kèm cặp để cháu có thể theo kịp chương trình. Mà tuổi trẻ dễ bị ảnh hưởng bởi sự chơi hơn là sự học.

Còn có những chuyện khiến tôi khó xử, như khi chồng tôi đi công tác, buổi tối anh điện về hỏi ở nhà đang làm gì đó, tôi trả lời hai đứa con đang học bài còn cháu đi sinh nhật bạn chưa về. Lúc đó đã gần 11 giờ đêm, thế là anh la ầm lên, trách tôi sao không nhắc nhở cháu lo học hành mà cho đi chơi khuya như vậy. Rồi anh gọi điện cho đứa cháu la mắng vài câu, khoảng 15 phút sau cháu chạy về nhà, vừa khóc vừa nói: “Cháu có gì sai thì thím cứ nói thẳng ra chứ không cần phải méc chú”.

Nguoi-khau-va-vet-thuong-Cau-chuyen-nhan-van-day-tinh-nguoi-3

Lộn xộn như thế cả nửa năm, rồi mọi chuyện cũng dần đi vào nề nếp. Khi đã theo được chương trình học, cháu đã chăm chỉ hơn và biết xác lập mục tiêu cho mình để cố gắng. Sau 6 năm, cháu tốt nghiệp đại học Nông nghiệp, sau đó về quê mở trại nấm khá thành công. Chồng tôi thấy vậy vui lắm, tôi cũng vui vì chồng mình vui. Thật lòng, nhiều khi tôi tự hỏi sao mấy đứa cháu có cha mẹ đầy đủ, gia cảnh cũng khá giả mà chồng mình phải bận tâm nhiều đến vậy.

Chuyện kể ra đây là vì cái hàng rào và vì người khâu vá vết thương…

Cha mẹ chồng tôi vốn là nông dân, có mấy sào ruộng. Làng quê được nâng cấp lên thị xã, mảnh ruộng phái đường cái bỗng trở thành đất mặt tiền, cha mẹ thấy vậy đem chia cho các con, chồng tôi được một miệng, diện tích khoảng chừng 100 mét vuông.

Miếng đất đó khiến vợ chồng tôi cãi nhau mấy trận. Chồng tôi muốn xây nhà ở quê để mỗi khi về thì có chỗ riêng tư thoải mái, còn tôi thì thấy chuyện đó không nên vì mỗi năm về quê được mấy lần mà bỏ tiền ra xây cả một ngôi nhà rộng. Lý lẽ một hồi thì mỗi người nhân nhượng một chút, tôi đồng ý còn chồng chịu làm căn nhà cấp 4 nho nhỏ, đơn giản đâu đó khoảng 40m2.

Việc xây dựng bắt đầu, chồng tôi chỉ về quê vào ngày khởi công còn lại thì nhờ anh Hai. Tôi không thích vụ làm nhà lắm nên cũng mặc chồng muốn làm gì thì làm. Cuối tháng, anh Hai gọi điện thông báo đã xong, chi phí hết 350 triệu đồng. Tôi bí mật hỏi chuyện người bạn làm bên xây dựng thì được trả lời rằng mức giá đó quá mắc so với kiểu nhà như vậy và lương thợ ở quê. Tôi tự an ủi rằng số tiền chênh đó xem như tôi trả cho công sức anh Hai coi ngó công trình.

Khi về quê cúng nhà mới thì tôi thấy chưa có hàng rào. Tôi hỏi thì chồng bảo còn đất trống nhiều nên cứ để chung với phần nhà anh Hai cho thông thoáng, dễ trồng trọt chăn nuôi, sau này khi nào mình muốn xây rộng thêm thì hẵng tính. Tôi biết có rất nhiều vụ mâu thuẫn về chuyện nhà đất, phổ biến nhất là đất đai để lâu nhà này lấn qua nhà kia lấn lại rồi thành chuyện rắc rối. Thế nên tôi thà rõ ràng ngay từ đầu cho bớt chuyện. Những tưởng anh Hai sẽ giận khi nghe nói chuyện, nhưng anh Hai vui vẻ ủng hộ ý kiến của tôi. Anh nói để anh tính liền cho, cũng đơn giản thôi, chỉ cần xây bờ tường cao tới đầu gối rồi giăng lưới là xong.

Một tuần sau, anh Hai gọi điện thông báo tường rào đã làm xong và chi phí là 130 triệu đồng. Chồng tôi đỏ mặt khi nhìn thấy tôi há miệng không nói nên lời. Tổng chiều dài bức tường rào chỉ có 50m mà anh Hai báo giá đó thì còn hơn cảm giác bị người dưng chặt chém. Mà người dưng thì chúng tôi đã tính toán giao kèo trước chứ đâu để mình rơi vào tình thế gạo đã nấu thành cơm thế này. Tôi tức nghẹn mà đành nín lặng vì sợ chồng buồn, tôi biết là anh tổn thương ghê gớm và xấu hổ với tôi.

Quảng cáo

Nguoi-khau-va-vet-thuong-Cau-chuyen-nhan-van-day-tinh-nguoi-1

Giỗ ông nội, chúng tôi về quê, giữa bàn tiệc anh Hai còn cười nói bé Út năm nay lớp 11 rồi, mai mốt lại thi Đại học nên sẽ gửi nhờ vợ chồng tôi lo giùm như đã lo cho thằng anh, còn khen tôi mát tay chăm cháu. Tôi thẳng thừng từ chối: “Em giờ bận bịu nhiều việc quá, không thể giúp anh chị trông cháu được, mong anh chị thông cảm giúp em”.

Chồng tôi buồn rầu nói: “Em còn để bụng giận lâu vậy sao?”

Tôi nghe thế tức giận đáp trả: “Họ không xứng đáng để mình giúp đỡ, hãy để họ bỏ tiền thuê chỗ trọ cho con, rồi chi cho việc học hành và cả nỗi lo lắng vì con cái xa nhà. Hãy để họ biết cân đo đong đếm xem sự tiêu tốn gấp bao nhiêu lần cái hàng rào,…”

Tức giận thì tuôn ra vậy, nói xong tôi lại thấy thương vì rõ ràng đó đâu phải lỗi của chồng tôi. Nhưng thương đến mấy thì tôi cũng nhất định không để mình trở thành nơi cho người ta lợi dụng trơ tráo. Tôi dửng dưng khi hay tin bé Út đã đậu đại học và đang tìm chỗ trọ ở thành phố. Tôi dửng dưng khi bét Út đến nhà chào hỏi. Tôi lại càng dửng dưng lắc đầu khi chồng khẽ khàng hỏi: “Em có rảnh thì dắt cháu đi mua sắm vài thứ?”

Chủ nhật đi siêu thị, tôi thấy chồng ở gian hàng quần áo nữ, anh và bé Út cầm lên đặt xuống món này món kia, bé Út ướm thử cái áo lên người còn anh thì cứ nhướng mắt lên nhìn, lóng ngóng đến tội nghiệp. Nhưng tôi nhất định không động lòng, chồng tôi chăm cho cháu chắt họ hàng của anh thì tùy ý, tôi không ích kỷ ngăn cản là tốt lắm rồi.

Nguoi-khau-va-vet-thuong-Cau-chuyen-nhan-van-day-tinh-nguoi-2

Ngày cuối năm, chị Hai đến nhà tôi, chị nói đang đi công chuyện nên tiện thể ghé thăm. Một lát sau, chị lấy trong túi xách ra một gói giấy vuông vắn đặt trước mặt tôi.

“20 triệu đồng…”, chị nói bằng cái giọng lí nhí như sợ bốn bức tường nghe được điều bí mật. “Anh Hai không được tốt tính như chú, biết làm sao được tình nghĩa vợ chồng… Số tiền này chị dành dụm từ tiền chạy chợ khi thì mớ trứng gà, khi thì rổ tép, khi thì vài con cá,…mỗi ngày tằn tiện một chút gom dần thành món. Bức tường rào đó chị xin trả góp, mong thím đừng giận nữa và cũng đừng nói với ai!’.

Nhìn chị bối rối tay này nắm lấy tay kia, tôi nhớ những bữa ăn ở quê, khi chị đưa món gì đó chồng tôi luôn đưa cả hai tay ra đón nhận. Những lúc ấy, tôi nghĩ anh muốn nêu gương lễ độ cho bọn nhỏ, giờ thì tôi nhận ra chồng tôi muốn bày tỏ sự trân trọng chị – người đàn bà hết lòng vui đắp cho người anh trai xấu tính của anh một mái ấm.

Hơn thế nữa, lúc này đây trong khi tôi sẵn sàng từ bỏ thì chị thành người khâu vá vết thương, cố gắng níu giữ chút tình nghĩa anh em họ hàng.

Bữa cơm chiều, tôi nói với chồng là cuối năm nhiều cửa hàng khuyến mãi nếu cuối tuần này bé Út rảnh về nhà mình chơi tiện thể cùng nhau đi mua sắm cho vui. Nghe vậy, chồng tôi không giấu được nỗi nhẹ nhõm. Tôi hiểu ra một điều nữa, con người sinh ra đâu ai có thể lựa chọn ruột thịt theo ý mình và có lẽ đó cũng là lý do anh muốn bù đắp cho các cháu của mình.

Xem thêm: Cảnh giới trí tuệ: Núi cao không lời, nước sâu không sóng

[ad_2]