[ad_1]

(TN&MT) – Tôi được biết, quyền lợi của địa phương và người dân nơi có khoảng sản được khai thác là ưu tiên sử dụng lao động địa phương vào khai thác khoáng sản. Hơn nữa, đơn vị khai thác phải nộp phí bảo vệ môi trường để phòng ngừa, hạn chế tác động xấu đối với môi trường địa phương.

Hiện nay, tại vùng núi nơi tôi sinh sống đang có mỏ đá được đưa vào khai thác. Tôi và người dân địa phương lo lắng hoạt động này sẽ ảnh hưởng tới môi trường và đời sống người dân. Xin Quý báo cho biết cụ thể về những quyền lợi người dân được hưởng và việc quản lý sử dụng phí bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản vào việc khắc phục môi trường tại địa phương ra sao?

(Hoàng Văn Bốn, Yên Bái).

Câu hỏi của bạn Báo Tài nguyên và Môi trường tư vấn như sau:

Đúng như bạn đã biết, địa phương và người địa phương nơi có khoáng sản được khai thác có những quyền lợi riêng. Các quyền này quy định tại Điều 5 Luật Khoáng sản 2010 như sau: Địa phương nơi có khoáng sản được khai thác được Nhà nước điều tiết khoản thu từ hoạt động khai thác khoáng sản để hỗ trợ phát triển kinh tế – xã hội theo quy định của pháp luật về ngân sách Nhà nước.

Tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản có trách nhiệm: Hỗ trợ chi phí đầu tư nâng cấp, duy tu, xây dựng hạ tầng kỹ thuật sử dụng trong khai thác khoáng sản và xây dựng công trình phúc lợi cho địa phương nơi có khoáng sản được khai thác theo quy định của pháp luật; Kết hợp khai thác với xây dựng hạ tầng kỹ thuật, bảo vệ, phục hồi môi trường theo dự án đầu tư khai thác khoáng sản; nếu gây thiệt hại đến hạ tầng kỹ thuật, công trình, tài sản khác thì tùy theo mức độ thiệt hại phải có trách nhiệm sửa chữa, duy tu, xây dựng mới hoặc bồi thường theo quy định của pháp luật; Ưu tiên sử dụng lao động địa phương vào khai thác khoáng sản và các dịch vụ có liên quan; Cùng với chính quyền địa phương bảo đảm việc chuyển đổi nghề nghiệp cho người dân có đất bị thu hồi để khai thác khoáng sản.

Người dân địa phương có khoáng sản khai thác được hưởng những quyền lợi gì?

 

Ngoài ra, theo quy định tại Thông tư số 66/2016/TT-BTC, phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản, không kể dầu thô và khí thiên nhiên, khí than là khoản thu ngân sách địa phương hưởng 100% để hỗ trợ cho công tác bảo vệ và đầu tư cho môi trường tại địa phương nơi có hoạt động khai thác khoáng sản theo Luật Bảo vệ môi trường và Luật Ngân sách Nhà nước theo các nội dung cụ thể sau: Phòng ngừa và hạn chế các tác động xấu đối với môi trường tại địa phương nơi có hoạt động khai thác khoáng sản; Khắc phục suy thoái, ô nhiễm môi trường do hoạt động khai thác khoáng sản gây ra; Giữ gìn vệ sinh, bảo vệ và tái tạo cảnh quan môi trường tại địa phương nơi có hoạt động khai thác khoáng sản.

Phí bảo vệ môi trường đối với dầu thô và khí thiên nhiên, khí than là khoản thu ngân sách Trung ương hưởng 100% để hỗ trợ cho công tác bảo vệ và đầu tư cho môi trường theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường và Luật Ngân sách Nhà nước.

Nơi có hoạt động khai thác khoáng sản quy định tại Điều này là nơi thực tế diễn ra hoạt động khai thác khoáng sản và các khu vực bị ảnh hưởng do hoạt động khai thác khoáng sản theo địa bàn quản lý của cấp xã và cấp huyện.

Đặc biệt, chậm nhất là trước ngày 31/3 hàng năm, cơ quan thu phí bảo vệ môi trường có trách nhiệm thông tin công khai: số lượng khoáng sản khai thác, số lượng đất đá bốc xúc thải ra, số phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản mà doanh nghiệp đã nộp của năm trước trên các phương tiện thông tin đại chúng như: báo địa phương, đài phát thanh địa phương, đài truyền hình địa phương, trang thông tin điện tử của cơ quan thu phí và các hình thức phù hợp khác để người dân được biết.

Theo đó, bạn và người dân địa phương sẽ được hưởng những quyền lợi riêng khi sinh sống tại khu vực có khoáng sản được khai thác theo đúng quy định của pháp luật. Hơn nữa, trong quá trình khai thác, công tác bảo vệ môi trường sẽ được chính quyền và đơn vị khai thác đảm bảo theo đúng yêu cầu và quy định hiện hành.

Báo Tài nguyên và Môi trường

[ad_2]

Source link