[ad_1]

Theo Luật sư Quách Thành Lực, trường hợp người dân bị thu hồi đất mà tài sản trên đất không được bồi thường thỏa đáng có thể khiếu nại hoặc khởi kiện theo quy định.

Người dân cần làm gì khi bị thu hồi đất mà tài sản trên đất không được bồi thường thỏa đáng?
Người dân có thể khiếu nại hoặc khởi kiện khi cho rằng tài sản trên đất không được bồi thường hoặc bồi thường không thỏa đáng khi giải phóng mặt bằng. Ảnh minh họa, nguồn-Int

Người dân có thể khiếu nại hoặc khởi kiện

Thực tế cho thấy, hiện nay, có không ít trường hợp người dân khi có thông tin về việc đất mình đang sử dụng bị Nhà nước thu hồi thì họ sẽ trồng thêm cây, xây thêm nhà và tạo lập thêm giá trị tài sản để đưởng hưởng đền bù.

Theo Luật sư Quách Thành Lực, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội, đối với hành vi trên, có trường hợp nhờ hành động tạo lập thêm tài sản không chính đáng này mà người dân được Nhà nước bồi thường thêm tiền. Tuy vậy cũng có trường hợp việc làm này bị cơ quan chức năng xác định là trục lợi trái phép quyền lợi bồi thường nên không được bồi thường.

Cá biệt, theo Luật sư Lực cũng có trường hợp người dân sử dụng đất có tài sản hình thành hợp pháp do nhu cầu thực sự về xây dựng, nhu cầu canh tác theo mùa vụ nên đã tạo lập thêm tài sản trên đất gần với thời điểm thu hồi đất mà bị đánh giá là hành động trục lợi nên không được bồi thường tài sản đó.

Đối với trường hợp tài sản của người dân được tạo lập hợp pháp (trước khi có thông báo thu hồi, phù hợp mục đích) nhưng vẫn không được bồi thường theo quy định, theo Luật sư Lực người dân hoàn toàn có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện cơ quan ban hành quyết định hành chính.

Theo đó, UBND cấp huyện, UBND cấp tỉnh là cơ quan ban hành Quyết định phê duyện phương án bồi thường. Đây là Quyết định hành chính, khi quyết định này gây thiệt hại cho quyền lợi người dân thì họ có quyền khiếu nại lần đầu đến chính cơ quan ban hành trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày biết được quyết định đó.

Trường hợp cơ quan giải quyết khiếu nại lần đầu không giải quyết hoặc giải quyết không đúng với mong muốn của người khiếu nại thì họ có quyền khiếu nại lên cấp trên trong thời hạn 30 ngày kể từ này hết thời hạn giải quyết khiếu nại lần 1 hoặc từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại.

Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc hết thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khiếu nại lần hai đến Bộ trưởng quản lý ngành, lĩnh vực.

Nếu việc khiếu nại không đạt được kết quả mong đời thì người dân có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại toà án trong thời hạn 1 năm kể từ ngày biết được quyết định hành chính hoặc 1 năm từ thời điểm có quyết định giải quyết khiếu nại.

quach-thanh-luc.jpg
Luật sư Quách Thành Lực, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội.

Quy định về tài sản được bồi thường

Theo Luật sư Quách Thành Lực, người dân khi có tài sản trên đất thuộc diện bị kiểm đếm đền bù phục vụ việc thu hồi đất cần căn cứ vào các quy định liên quan của pháp luật hiện hành để xác định được vị thế pháp lý của mình.

Do đó, cần phải làm rõ căn cứ pháp lý để xác định tài sản người dân tạo lập tài sản trên đất bị Nhà nước thu hồi trường hợp nào sẽ không được bồi thường.

Cụ thể, theo khoản 2, điều 92 Luật đất đai năm 2013 quy định các trường hợp Nhà nước thu hồi đất không được bồi thường tài sản gắn liền với đất: “ Tài sản gắn liền với đất được tạo lập trái quy định của pháp luật hoặc tạo lập từ sau khi có thông báo thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền ” .

Theo quy định trên Nhà nước không bồi thường tài sản trên đất bị thu hồi khi có vi phạm một trong các tiêu chí sau:

Thứ nhất: Tiêu chí tính hợp pháp của tài sản.

Công trình, tài sản trên đất phải đúng với mục đích sử dụng đất. Ví dụ Người dân xây nhà trên đất nông nghiệp là sử dụng đất sai mục đích.

Công trình được tạo lập hợp pháp. Đối với công trình phải có giấy phép xây dựng thì công trình đó được coi là tạo dựng hợp pháp.

Trong mọi trường hợp từ cơ quan chức năng từ chối bồi thường thì phải nêu lý do và cung cấp bằng chứng để chứng minh công trình, tài sản không đảm bảo tính hợp pháp. Trách nhiệm chứng minh công trình hợp pháp không thuộc về người dân trong trường hợp này.

Thứ hai: Thời điểm tạo lập tài sản.

Có thông báo thu hồi đất là thời điểm xác định việc tạo lập tài sản trên đất bị thu hồi có được bồi thường hay không. Nếu người dân tạo lập tài sản trước thời điểm này thì được Nhà nước bồi thường, nếu tạo lập tài sản sau thời điểm này thì không được Nhà nước bồi thường.

Hiện nay, cơ quan có thẩm quyền phải có thông báo thu hồi đất cho người sử dụng chậm nhất là180 ngày với đất phi nông nghiệp và chậm nhất là 90 ngày với đất nông nghiệp theo quy định tại điều 67 Luật đất đai năm 2013..

Như vậy người dân căn cứ trên hai tiêu chí trên để đối chiếu với trường hợp tạo lập tài sản trên đất của mình, từ đó có thể tự mình dễ dàng xác định được bản thân có thuộc trường hợp được bồi thường tài sản trên đất hay không khi Nhà nước thu hồi đất.

Đáng chú ý, theo Luật sư Quách Thành Lực, trường hợp đã có thông báo thu hồi đất nhưng lại không gửi thông báo đó đến người dân, hiện nay không có quy đinh cụ thể xử lý trách nhiệm của những cán bộ, viên chức vi phạm quy định này. Tuy nhiên nếu người dân không nhận được Thông báo thu hồi đất thì người dân không phát sinh các nghĩa vụ như kiểm đếm, thông kê tài sản, bàn giao đất cho cơ quan thu hồi.

[ad_2]

Nguồn: https://markettimes.vn/nguoi-dan-can-lam-gi-khi-bi-thu-hoi-dat-ma-tai-san-tren-dat-khong-duoc-boi-thuong-thoa-dang-22819.html