[ad_1]

Ai cũng muốn làm một người dũng khí hiên ngang, đứng giữa cuộc đời, đầu tròn đội trời, chân vuông đạp đất. Nhưng thế nào là có dũng khí, thế nào là có khí chất thì chẳng mấy ai hiểu được.

Người thường hiểu dũng khí tức là tay đấm, chân đá, đọ sức một phen, phân tài cao thấp. Nhưng đó chỉ là cái vũ dũng của kẻ thất phu. Có câu: “Thất phu chịu nhục, tuốt kiếm tương đấu“. Dũng khí của người ta thực sự xuất phát từ một nội tâm can trường, mạnh mẽ, từ sức mạnh của tình yêu, lòng vị tha, nhẫn chịu, khoan dung. Đó mới thực là cái dũng của bậc thánh nhân vậy.

Dũng khí đời người ta, xét cho cùng, chính là gói gọn trong hai chữ, ngẩng đầu và cúi đầu. Người quân tử chính là biết lúc nào nên ngẩng, khi nào nên cúi, hiểu rõ đạo xử thế ở đời.

Cúi đầu nghĩ, ngẩng đầu nhìn

Trăm năm đời người có biết bao nhiêu chuyện ập tới rồi lại trôi xa như những cơn sóng cồn biển cả. Chuyện hôm qua, chuyện ngày mai, biết bao chuyện trên đời đã choán lấy tâm trí bạn. Như thế, ắt là phải có lúc người ta cúi xuống lòng mình mà nhìn sâu vào tâm tưởng, suy ngẫm lại đoạn đời đã qua, đoạn đời chưa tới. Đó chính là cúi đầu nghĩ.

Sau khi nghĩ thấu rồi thì đừng cúi mãi, hãy ngẩng lên nhìn mọi người, mọi sự xung quanh. Thế giới muôn màu, đường đời muôn nẻo, có bao nhiêu thứ bạn có thể học hỏi, trải nghiệm. Cúi đầu để nhìn lại mình, ngẩng đầu để nhìn xa trông rộng, chính là thu vào tầm mắt cả gần lẫn xa, cả bề rộng lẫn bề sâu.

Cúi đầu kéo xe, ngẩng đầu nhìn đường

Hãy tưởng tượng cuộc đời mình là một cỗ xe, còn bạn chính là người phu xe kéo nó. Đường đời thì dài mà chiếc xe thì nặng, muốn kéo thật tốt bạn phải cúi đầu mà tập trung dồn sức, dồn lực, mà chăm chỉ tiến lên. Nhưng như thế hãy còn chưa đủ, đôi khi hãy biết ngẩng đầu nhìn lên để thấy đường đi, để tránh ổ gà, để lái cho khéo.

Đường đời là tự bạn chọn, cỗ xe cũng là tự bạn kéo, hãy tỉnh táo, biết cúi, biết ngẩng đúng lúc mà băng băng về đích cuối sinh mệnh của mình để tận hưởng những điều mỹ diệu nhất.

Cúi đầu làm việc, ngẩng đầu làm người

Trưởng thành rồi thì ai cũng cần phải lao động, làm việc, vừa để kiếm kế sinh nhai, cũng vừa là thực hiện bổn phận xã hội. Hãy học cách cúi thấp đầu, an tịnh cái tâm, lùi một bước trong công việc. Người khác lấn tới một chút cũng đừng xốc tới tranh giành, hãy nhường nửa bước, hãy nhịn một câu, rồi sẽ có được những gì đáng có.

Hãy làm người đường đường chính chính đứng giữa nhân gian. “Cây ngay không sợ chết đứng“, làm người thì phải có khí phách, có sai thì sửa, có lỗi thì sửa lỗi, đừng cúi đầu, hạ thấp phẩm giá hay bợ đỡ, xu nịnh. Hãy ngẩng đầu mà sống, làm một người thấu hiểu trước sau, trong ngoài, ấm lạnh, vinh nhục, làm một người có phí phách, đạo đức, cao thượng, lỗi lạc, quang minh và có ích.

Cúi đầu lặng khóc, ngẩng đầu mỉm cười

Trên đời, chuyện không như ý thường chiếm đến 8, 9 phần. Giữa dòng đời đen bạc, nhiều sóng gió, người ta cũng chẳng thiếu lúc yếu mềm, gục ngã, cảm thấy tổn thương hay cần sự an ủi. Vậy thì hãy cứ cúi đầu mà khóc cho thỏa nỗi lòng, cứ thở than vài tiếng cho nhẹ nỗi sầu muộn trong tâm.

Bởi rằng ngẩng đầu có ánh dương, cúi đầu có bóng râm, trong đau đớn vẫn cần nở nụ cười. Từ ngàn xưa tới nay, bao nhiêu vĩ nhân khi cúi đầu trong cuộc sống, cũng trải qua khổ cực muộn phiền và do dự ngập ngừng. Nhưng rồi họ đều có thể ngẩng đầu mỉm cười đối diện cuộc sống, nghênh đón tương lai huy hoàng. Đây chính là người hiểu được đạo lý cúi đầu trong ngẩng đầu vậy.

Lên cao cần cúi đầu, dưới thấp cần ngẩng đầu

“Cao xứ bất thắng hàn“, càng ở nơi cao thì càng lạnh, càng cô đơn nhưng cũng vì thế mà bạn càng nên phải học cách cúi đầu, hạ mình xuống thấp. Ở chỗ cao mà biết cúi đầu xử thế, không tự mãn kiêu căng, khiêm cung khoan dung thì mới là bậc thánh giả, người quân tử vậy.

Còn nếu đang ở chỗ thấp, nơi bùn lầy thì hãy biết ngẩng đầu kiêu hãnh mà bước đi, không tự ti, sầu muộn, oán khổ than nghèo, lạc quan mà đối diện với sóng gió. Phàm những người biết cúi đầu, ngẩng đầu như thế mới chính là thấu hiểu lẽ nhiệm màu của đạo lý nhân sinh.

Ngẩng đầu cần ý chí, cúi đầu cần dũng khí

Có câu “Kim vô túc xích, nhân vô thập toàn“, nghĩa là vàng không thuần khiết, người cũng chẳng ai là hoàn hảo. Ai rồi cũng phải mắc lỗi trong đời, hành sự đôi khi thiếu sót, lời nói đôi khi lỡ làng. Nhưng phạm sai lầm không phải là điều đáng sợ, không dám nhận sai, sửa lỗi mới là điều nguy lớn nhất.

Cúi đầu nhận sai đương nhiên là khó, là việc cần đến dũng khí lớn. Ai cũng không muốn để lộ điểm yếu nhược của mình, ai cũng không muốn bị phán xét. Cúi đầu nhận lỗi và dám ngẩng đầu sửa sai mới là hành động của người đoan chính. Ngã ở đâu, đứng dậy ở đó, đứng dậy rồi thì bước tới băng băng, vững vàng tôi luyện qua những sóng gió để đạt được thành tựu trong đời. Làm được như vậy, bạn chính là một người có dũng khí lớn nhất.

Biết cúi đầu đúng lúc mới có thể ngẩng cao đầu đúng nơi

Khi đang đắc ý, mấy ai nhớ ra mình cần phải học cách cúi đầu? Cái cúi đầu của người đắc ý, thành công mới thật ý nghĩa làm sao! Lúc đang chôn vùi trong nghịch cảnh, lại thử hỏi mấy ai hiểu mình phải biết cách ngẩng cao đầu? Cái ngẩng đầu của người thất bại mới đầy dũng khí làm sao!

Cho nên ở đời, biết cúi đầu, ngẩng đầu đúng thời điểm chính là một nghệ thuật sống vậy!

Xem thêm

[ad_2]