[ad_1]
Tổng cục Hải quan vừa thành lập nhóm cán bộ chuyên trách để hỗ trợ doanh nghiệp chủ động phòng tránh các lỗi vi phạm, cải thiện mức độ tuân thủ pháp luật hải quan. Hiện chương trình thí điểm được triển khai với 266 doanh nghiệp…
Tổng cục Hải quan vừa tổ chức hội nghị trực tuyến với 35 điểm cầu cục hải quan tỉnh, thành phố để triển khai Quyết định 1399/QĐ-TCHQ ngày 15/7/2022 về Chương trình thí điểm hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan.
Việc triển khai chương trình lần này là chủ trương lớn của ngành Hải quan, tiếp cận với các thông lệ quốc tế, đặc biệt là thực hiện khung tiêu chuẩn của Tổ chức Hải quan thế giới (WCO).
Theo Điều 10 Thông tư 81/2019/TT-BTC ngày 25/11/2019 quy định việc phân loại mức độ tuân thủ pháp luật đối với người khai hải quan theo 5 mức độ tương ứng với khuyến nghị từ 1 đến 5. Theo đó, mức 1: doanh nghiệp ưu tiên; mức 2: tuân thủ cao; mức 3: tuân thủ trung bình; mức 4: tuân thủ thấp; mức 5: không tuân thủ.
Ngoại trừ mức độ 1 – doanh nghiệp ưu tiên, với các mức độ tuân thủ còn lại, số lần bị xử phạt vi phạm hành chính là tiêu chí tác động chủ yếu, tác động khoảng 80% đến kết quả đánh giá mức độ tuân thủ doanh nghiệp.
Với mong muốn khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan, Quyết định 1399 nêu rõ mục tiêu Tổng cục Hải quan hướng đến.
“Sau 2 năm triển khai sẽ có 100% doanh nghiệp tham gia chương trình không bị xử lý về các hành vi vi phạm pháp luật hải quan, được đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật ở mức 2 (tuân thủ cao), mức 3 (tuân thủ trung bình”, Quyết định 1399 chỉ rõ.
Sau 5 năm thực hiện chương trình, thông qua các hoạt động hỗ trợ và việc tự nguyện tuân thủ của doanh nghiệp, phấn đấu tăng tỷ lệ doanh nghiệp tuân thủ mức 2, mức 3 đạt trên 20% tổng số doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu.
Đáng chú ý, trong khuôn khổ của chương trình, doanh nghiệp tham gia sẽ được cơ quan hải quan tạo thuận lợi, hỗ trợ, hướng dẫn miễn phí về các nội dung liên quan đến lĩnh vực áp dụng quản lý rủi ro, tuân thủ pháp luật hải quan và thực hiện thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, quá cảnh.
Cụ thể, doanh nghiệp tham gia được cơ quan hải quan hỗ trợ, hướng dẫn miễn phí theo các cam kết tại biên bản ghi nhớ đối với doanh nghiệp khi có yêu cầu; được cơ quan hải quan ghi nhận tư cách thành viên, quá trình tham gia trên hồ sơ doanh nghiệp và các hệ thống nghiệp vụ của cơ quan hải quan để đảm bảo việc thực hiện các hoạt động hỗ trợ kịp thời, hiệu quả, đúng đối tượng.
Đồng thời, doanh nghiệp cũng được cơ quan hải quan phân công, bố trí công chức, chuyên gia nghiệp vụ hải quan các cấp trực tiếp hỗ trợ, tư vấn liên lạc giải quyết các vướng mắc trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan; cảnh báo các yếu tố làm giảm mức độ tuân thủ của doanh nghiệp; cung cấp thông tin cảnh báo, xu hướng rủi ro về an ninh chuỗi cung ứng, xâm phạm sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, các rủi ro nội bộ trong hoạt động xuất nhập khẩu…
Tổng cục Hải quan cũng vừa thành lập Nhóm chuyên trách thực hiện chương trình thí điểm, gồm 123 thành viên là cán bộ, công chức thuộc Tổng cục Hải quan như: Cục Quản lý rủi ro, Vụ Pháp chế, Ban Cải cách hiện đại hóa Hải quan, Cục Giám sát quản lý về hải quan, Cục Thuế Xuất nhập khẩu, Cục Kiểm định Hải quan và 35 cục hải quan tỉnh, thành phố.
Phát biểu tại hội nghị, lãnh đạo Tổng cục Hải quan, đánh giá thời gian qua, ngành hải quan quyết liệt triển khai có hiệu quả áp dụng quản lý rủi ro nói chung, cũng như quán triệt, tổ chức triển khai Quyết định 1399.
Hiện chương trình thí điểm sẽ được triển khai đối với 266 doanh nghiệp thuộc tất cả các loại hình xuất nhập khẩu, doanh nghiệp, tập trung vào nhóm doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu thuộc lĩnh vực gia công, sản xuất xuất khẩu tại các Cục Hải quan gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương…
Nếu việc triển khai thí điểm triển khai hiệu quả, cũng như doanh nghiệp hưởng lợi từ các dịch vụ của cơ quan hải quan tăng lên thì 266 doanh nghiệp sẽ là những “tuyên truyền viên” để phổ biến cho các doanh nghiệp khác trong từng lĩnh vực ngành hàng, tiến tới doanh nghiệp tuân thủ, tự tuân thủ pháp luật.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan yêu cầu các đơn vị tiếp tục rà soát để đảm bảo việc thực hiện thí điểm sẽ phủ sóng ở tất cả các doanh nghiệp, doanh nghiệp nhỏ và vừa, kể cả các mức độ tuân thủ, từ đó có biện pháp hỗ trợ đối với từng đối tượng doanh nghiệp.
Chương trình thí điểm hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan được thực hiện theo 2 giai đoạn.
Giai đoạn thí điểm, thực hiện trong thời gian 2 năm kể từ khi chương trình ban hành. Kết thúc giai đoạn thí điểm sẽ tổng kết thí điểm để đo lường, đánh giá và sửa đổi, bổ sung chương trình để phù hợp với yêu cầu thực tế.
Giai đoạn triển khai chính thức triển khai sau khi kết thúc giai đoạn thí điểm, tổ chức sơ kết 1 năm/1 lần. Sau 5 năm chương trình tổ chức tổng kết đo lường, đánh giá kết quả việc thực hiện các mục tiêu chương trình và phương hướng triển khai trong giai đoạn tiếp theo.
Nguồn: https://vneconomy.vn/nganh-hai-quan-don-suc-ho-tro-doanh-nghiep-tu-nguyen-tuan-thu-phap-luat-hai-quan.htm
[ad_2]