[ad_1]

Ngài Abe Shinzo, tôi muốn bắt tay ông thêm lần nữa!
Ảnh: Facebook

Nước Nhật và cả thế giới rúng động, bàng hoàng trước tin cựu Thủ tướng Nhật Shinzo Abe qua đời. Tuy là người có quyền lực cao nhất nhưng mỗi khi tiếp xúc với người dân, ông Abe vẫn mặc những bộ quần áo bảo hộ, ngồi quỳ xuống hỏi han, động viên họ. Có lẽ quyền lực và tiền bạc tồn tại trong ông chỉ như một công cụ để làm cho mỗi người dân trở nên giàu có và hạnh phúc.

Sáng nay (11/7), tôi ghé qua khu nhà riêng của cựu Thủ tướng Abe Shinzo. Ngôi nhà nằm ở trong một con ngõ thuộc khu Tomigaya, quận Shibuya, thủ đô Tokyo. Trong mấy ngày qua, Thủ tướng Kishida Fumio và những người thân cận đã tới viếng tại gia đình.

Ngài Abe Shinzo, tôi muốn bắt tay ông thêm lần nữa!
Ảnh: VOV
Ngài Abe Shinzo, tôi muốn bắt tay ông thêm lần nữa!
Chùa Zojoji – Ảnh trên internet

Lễ viếng chính thức sẽ được tổ chức tại chùa Zojoji trong Tokyo với nghi thức Phật giáo. Ở Nhật Bản tuy nói tôn giáo chủ yếu là Thần đạo, nhưng thực chất Phật giáo đã hòa vào Thần đạo, không có sự phân biệt rõ ràng nào, mà nó quyện vào nhau thành một thứ tôn giáo đặc biệt. Chính nó đã tạo nên một sức mạnh tinh thần bền bỉ, nhưng cũng rất điềm tĩnh, an nhiên và đầy sức mạnh. Và ngôi chùa này cũng đón ông cũng nhẹ nhàng, an nhiên và mạnh mẽ như tính cách con người ông.

Tôi nhận tin ông bị hành hung khi đang ngồi cùng với ông Asano Katsuhito, nguyên Thứ trưởng Ngoại giao, nguyên Phó chánh văn phòng Nội các và bà Harumi Yoshida, Cục phó Cục Quốc tế (Thứ trưởng) của Hạ viện Nhật Bản. Tôi và ông Asano cùng đồng thanh “gì cơ” khi bà Yoshida thông tin. Chúng tôi yên lặng một lúc, ông Asano trầm xuống, tay run run, vài sợi tóc bạc trắng lăn xuống vầng trán nhíu lại. Ông Abe là thế hệ kế cận ông trong văn phòng Nội các Nhật Bản, cùng là Thượng nghị sĩ một thời. Và cũng chỉ vài tiếng sau, mặc dù biết hung tin, nhưng tôi vẫn phải xác nhận một lần nữa qua ông Asano, và ông nói đó là sự thật.

Trải qua thời gian công tác khá lâu tại Nhật Bản, có vinh dự là người có cơ hội tiếp xúc chớp nhoáng và chứng kiến nhiều sự kiện liên quan đến cựu Thủ tướng Abe Shinzo trong các cuộc hội đàm, gặp gỡ, tiếp các nhà lãnh đạo Việt Nam khi thăm Nhật Bản, tôi có ấn tượng rất đặc biệt về ông.

Ngài Abe Shinzo, tôi muốn bắt tay ông thêm lần nữa!
Ảnh: Facebook

Ông khá cao to. Bước đi lúc nào cũng nhanh nhẹn, dứt khoát. Tôi cảm nhận được rằng ông là người rất gần gũi. Khi bắt tay ông, tôi thấy rất mềm và ấm. Trong các buổi tiếp ngoại giao, ông thường cười rất tươi. Xung quanh ông lúc nào cũng toát ra năng lượng tích cực.

Ông là vị Thủ tướng tại nhiệm dài nhất trong lịch sử Hiến pháp Nhật Bản với con số rất đẹp là 8 năm 8 tháng. Nhưng trong quãng thời gian ấy, ông cũng không phải không vấp phải chỉ trích của nhân dân, của các đảng đối lập về những vấn đề mà ông thực hiện. Vượt qua tất cả, ông vẫn chăm chỉ thực hiện, chỉ đạo đất nước vượt qua thời kỳ khó khăn của thảm họa kép, giảm tỷ lệ lạm phát ngoạn mục, khôi phục nền kinh tế vốn suy thoái trong thời gian dài.

Tôi không có vinh dự được trò chuyện với ông mà chỉ theo dõi ông bằng tri thức và cảm nhận của bản thân. Từ góc độ đó, tôi cảm thấy tôi đã học được ông 2 điều, đó là sự chủ động và quyết đoán. Ông rất quyết đoán trong các vấn đề của đất nước, dám chịu trách nhiệm, cố gắng nỗ lực vì sự an toàn và cuộc sống giàu có của nhân dân. Trong ngoại giao, ông luôn chủ động đi trước, tạo dựng được mối quan hệ cá nhân rất tốt đẹp với nhiều nhà lãnh đạo thế giới.

Ngài Abe Shinzo, tôi muốn bắt tay ông thêm lần nữa!
Ảnh: Facebook

Tuy sinh ra trong dòng tộc danh giá, bản thân cũng là người có quyền lực cao nhất nhưng mỗi khi tiếp xúc với các cụ già, những người dân đang gặp khó khăn do động đất, lũ lụt ở những khu vực xa xôi, ông vẫn mặc những bộ quần áo bảo hộ, ngồi quỳ xuống, hỏi han, động viên họ. Có lẽ quyền lực và tiền bạc tồn tại trong ông chỉ như một công cụ để làm cho mỗi người dân trở nên giàu có và hạnh phúc.

Ngài Abe Shinzo, tôi muốn bắt tay ông thêm lần nữa!
Ảnh: Facebook

Có nhiều thông tin trên báo nước ngoài nói rằng “tư dinh”, “dinh thự” của ông Abe Shinzo. Nhưng nếu tận mắt chứng kiến đó là là ngôi nhà có 3 tầng, rộng rãi hơn bình thường, đủ để tiếp khách quan trọng, nằm trong ngõ phố chỉ đủ hai xe ô tô tránh.

Sáng nay, vợ ông vẫn nấu cơm cho ông với món canh tương thêm chút rong biển, món dưa củ cải muối mà ông thích, nhưng bà không còn thấy ông nói rằng “itadakimasu – em ăn cơm nhé”, hay khi chiều về là câu nói “tadaima – anh về rồi”.

Mọi người không còn thấy dáng ông nhanh nhẹn trên mỗi góc phố. Mấy chiếc xe cảnh sát đầu ngõ nhà ông có lẽ sẽ không còn ở đó mỗi ngày. Mọi thứ trở về với tự nhiên. Nhưng với tôi luôn mong bắt tay ông một lần nữa. Xin chào ông nhé, ông Abe Shinzo./.

Bùi Hùng/VOV-Tokyo

Xem thêm

[ad_2]