[ad_1]

Nếu muốn đầu tư thành công, đừng cố bắt chước những nhà đầu tư vĩ đại?

Làm sao để đạt tỷ suất sinh lời 40%/năm liên tục trong 3 thập kỷ? Xây dựng một đế chế quản lý hàng tỷ USD đáng ghen tị trong ngành quản lý quỹ? Trở nên có sức ảnh hưởng đến nỗi đồng nghiệp của bạn nể phục bạn đến mức họ ngại thảo luận về bạn với giới truyền thông?

Nghe thật tuyệt, đúng chứ?                            

Nhưng hãy quên nó đi. Jim Simons – phù thủy của giới đầu tư định lượng đã gầy dựng đế chế Renaissance – là tài năng trăm năm có một. Thành tích của Renaissance lên tới 40% hàng năm (trước dịch Covid-19). Thế nhưng, quan trọng là: Bạn không phải là Jim Simons.

Nếu muốn đầu tư thành công, đừng cố bắt chước những nhà đầu tư vĩ đại?

Jim Simons

Vậy còn Bill Ackman – vận hành quỹ Pershing Square Capital Management – thì sao? Lo ngại về tác động của đại dịch Covid-19, Bill Ackman đã bảo vệ vị thế cổ phiếu bằng cách mua hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng (CDS) đối với các trái phiếu đầu tư và lợi suất cao. Khi thị trường lao dốc 35%, giao dịch này giúp quỹ của Bill Ackman lãi hơn 2 tỷ USD. Nhưng bạn và tôi cũng chẳng phải Bill Ackman đâu.

Trong một trường hợp khác, huyền thoại đầu tư Howard Marks của Oaktree Capital quyết định huy động 3 tỷ USD cho quỹ đầu tư nợ xấu trong bối cảnh khủng hoảng nhà ở năm 2006-2007. Quỹ này nhận được lượng đăng ký mua áp đảo đến nỗi ông phải lập ra quỹ thứ 2. Cuối cùng Oaktree huy động được 11 tỷ USD để mua nợ xấu khi ai ai cũng hoảng loạn bán ra. Tỷ suất sinh lời từ các giao dịch đó cực khủng. Một lần nữa, chúng ta cũng đâu phải Howard Marks.

Có 2 khía cạnh quan trọng trong các ví dụ trên: Đầu tiên họ là những trường hợp ngoại lệ hiếm thấy trong giới đầu tư. Điều này chẳng liên quan gì với tỷ suất sinh lời cổ phiếu 8-10% trong quá khứ. Điều khiến thành tích của các quỹ này trông đáng kinh ngạc là số người đạt được thành tích như thế chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Thứ hai, đây cũng là những ví dụ điển hình cho thiên kiến kẻ sống sót (survivorship bias). Chúng ta hiếm khi nhận được thông tin về các quỹ đưa ra các canh bạc dạng “thiên nga đen” (xác suất thắng cực thấp) và thất bại. Bạn có nhớ được ai đó đã đặt cược vào tình trạng siêu lạm phát trong thập niên 2010? Vào Bitcoin kể từ năm 2017? Hay bán khống chỉ số VIX? Bất kỳ ai thất bại trong các giao dịch này đều không gửi đi các thông cáo báo chí để nói về thất bại của họ; thay vào đó, họ sa thải nhân viên, trả lại một chút ít vốn liếng còn lại cho nhà đầu tư và rồi âm thầm rời khỏi ngành.

Chúng ta thường nhìn vào các nhà đầu tư thành công nhất thế giới và cảm thấy ghen tị, mong muốn một ngày nào đó, bản thân cũng đạt được thành tích như những nhà đầu tư vĩ đại. Tuy nhiên, đó là những chuyên gia độc nhất với bộ kỹ năng độc nhất, hiểu biết sâu sắc và kinh nghiệm hàng chục năm. Thật khó để bắt chước họ.

Điều tương tự cũng xảy ra khi chúng ta nhìn các vận động viên tuyệt vời như vận động viên tennis Roger Federer hoặc vận động viên golf Tiger Woods và nghĩ: “Tôi có thể làm được điều đó chứ nhỉ”. Tài năng của họ khiến điều đó trông có vẻ dễ dàng. Trông thế thôi nhưng chúng ta không thể làm được. Video quảng cáo “Hãy như Mike (Jordan)” (“Be Like Mike) năm 1992 cũng nhắm thẳng vào niềm tin ngây thơ đó. Tuy nhiên, xác suất để bạn và tôi có lãi 40%/năm cũng tương đương với xác suất chúng ta sẽ giành được 6 chức vô địch Hiệp hội Bóng rổ Quốc gia vậy.

Tuy nhiên, không phải ai cũng cố gượng ép vào một thứ gì đó không giống mình. Cầu thủ bóng rổ vĩ đại Stephen Curry không cố để giống Michael Jordan. Thay vào đó, Stephen mài giũa kỹ năng của chính anh, tạo ra một đặc trưng rất riêng của mình. Khát vọng trở nên giống ai đó cũng tốt nhưng một ngày nào đó, họ sẽ nhận ra xác suất thành công sẽ cao hơn nếu họ là chính mình.

Chỉ vì tò mò, tôi gõ thử cụm “invest like Warren Buffett” (đầu tư như Warren Buffett) trên thanh tìm kiếm google và tìm thấy 78,600 kết quả. Tuy nhiên, ông Buffett đã dành 60 năm nghiên cứu những yếu tố tạo nên các khoản đầu tư bị định giá thấp. Ông có những nhà đầu tư kiên nhẫn sẵn sàng cho ông khoảng trống và thời gian để chứng tỏ bản thân. Ở Charlie Munger, ông tìm thấy một đối tác có thể góp phần vào quá trình ra quyết định của ông. Và không, bạn cũng không phải Warren Buffett đâu.

Tuy nhiên, điều quan trọng ở đây là: Bạn không cần phải bắt chước ai cả. Ít nhất bạn không cần phải là một trong những nhà đầu tư huyền thoại để đạt được tỷ suất sinh lời đủ để đảm bảo cuộc sống nghỉ hưu thoải mái. Tính cách của bạn khác với Munger hoặc Simons, Buffett, Marks hay bất kỳ ai khác.

Chúng ta nhìn vào những giao dịch huyền thoại tạo ra tài sản tỷ đô đầy phấn khích và tốn thời gian tự hỏi: Tại sao không phải là mình nhỉ? Thay vào đó, hãy tự tìm kiếm một phong cách đầu tư phù hợp với cá tính bản thân, lượng thời gian sẵn có và mối quan tâm của bản thân thay vì cố gắng bắt chước một ai đó mà bạn chẳng có điểm chung.

Nhiều nhà đầu tư nổi tiếng của giới đầu tư đều chia sẻ những gì họ biết trên Youtube hay các podcast. Bạn có thể dành ra hàng giờ liền để nghe những bài giảng từ Ray Dalio, Felix Zulauf, Bill Miller, Jeremy Grantham, Jeff Gundlach, Bill Gross… Đối với những nhà đầu tư tò mò, bạn có thể nghe cách họ tìm ra quy trình phù hợp với bản thân, kỹ năng của họ và năng lực độc nhất của họ.

Trong cuốn sách “The Money Game”, tác giả Adam Smith viết rằng: “Nếu bạn không hiểu chính bản thân mình, thị trường chứng khoán là một nơi rất đắt đỏ để tìm ra điều đó”. Thay vì cố gắng bắt chước một nhà đầu tư vĩ đại nào đó, hãy hiểu chính bản thân mình: Hãy tìm một phong cách nào có thể tận dụng điểm mạnh, đồng thời có thể giải quyết những yếu điểm của bản thân. Hãy là chính bạn!

* Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả Barry Ritholtz trên Bloomberg Opinion.

Vũ Hạo (Theo Bloomberg)

[ad_2]