[ad_1]

Các dự án cần thu hồi đất trong năm tới gồm: dự án xây dựng nhà ga hành khách T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất với 16ha; dự án xây dựng đường nối đường Trần Quốc Hoàn – đường Cộng Hòa và khu tái định cư với 13,49ha…

Ảnh minh hoạ. Ảnh minh hoạ.

Tại kỳ họp thứ 4 Hội đồng nhân dân TP.HCM khoá X diễn ra vào ngày 07/12/2021, UBND TP.HCM đã trình Hội đồng nhân dân thành phố các nghị quyết quan trọng.

Cụ thể, tại tờ trình về danh mục dự án cần thu hồi đất trên địa bàn, ông Lê Hoà Bình, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết có 15 dự án cần thu hồi đất trong kế hoạch sử dụng đất năm 2022.

Trong đó, có dự án xây dựng nhà ga hành khách T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, diện tích cần thu hồi là hơn 16ha; dự án xây dựng đường nối đường Trần Quốc Hoàn – đường Cộng Hòa và khu tái định cư, diện tích cần thu hồi là 13,49ha; xây dựng nút giao thông An Phú… Ngoài ra, còn có 12 dự án cần thu hồi đất, trong đó có đất trồng lúa.

Đối với tờ trình Quy chế Quản lý kiến trúc đô thị TP.HCM, ông Lê Hoà Bình cho rằng theo quy định tại Luật Kiến trúc, đến ngày 31/12/2021 các quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị của thành phố sẽ không còn hiệu lực và được thay thế bằng Quy chế quản lý kiến trúc chung TP.HCM do UBND thành phố tổ chức lập và Quy chế quản lý kiến trúc điểm dân cư nông thôn do UBND cấp huyện lập.

Trong thời gian qua, thành phố đã có nhiều thay đổi, biến động trong quá trình phát triển, trong đó có sự chuyển dịch, biến động lớn về dân số, sự hình thành các dự án trọng điểm, các chủ trương chính sách mới, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060. 

Về hệ số điều chỉnh giá đất năm 2022 trên địa bàn, ông Lê Hoà Bình cho biết UBND thành phố thống nhất hệ số điều chỉnh giá đất (hệ số K) năm 2022 giữ nguyên như năm 2021.

Trong nội dung lý giải nguyên nhân không tăng hệ số K, UBND thành phố cho rằng dù đã nỗ lực tăng hệ số K để tiệm cận thị trường, nhưng trong năm 2021, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, đã ảnh hưởng rất nặng nề đến quá trình phát triển kinh tế – xã hội của thành phố, và các doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất trên địa bàn. Nếu điều chỉnh hệ số K quá cao sẽ tạo ra đột biến, gây khó khăn cho người sử dụng đất, ảnh hưởng an sinh xã hội.

Nếu được thông qua, đây là năm thứ 4 thành phố không thay đổi hệ số điều chỉnh giá đất. Hệ số điều chỉnh giá đất năm 2021 ở TP.HCM cao nhất là 2,5 lần so với bảng giá đất UBND thành phố ban hành ở khu vực I. Hệ số thấp nhất là 1,5 lần ở khu vực V. Đất của hộ gia đình, cá nhân có hệ số 1,5 lần cho tất cả khu vực.

Hệ số điều chỉnh giá đất ở TP.HCM được đánh giá thấp hơn nhiều so với thị trường. Đơn cử, theo bảng giá đất giai đoạn 2020 – 2025 được UBND TP.HCM ban hành, giá đất đường Đồng Khởi, Hàm Nghi, Lê Lợi (Quận 1) là 162 triệu đồng/m2. Mức này nhân 2,5 lần (hệ số khu vực một), giá đất ở 3 tuyến đường hơn 400 triệu đồng/m2, trong khi giá thị trường hiện khoảng 800 triệu đồng/m2.

[ad_2]