[ad_1]

Năm 2022, nhà đầu tư phải cật lực “đãi cát tìm vàng”

Ông Trần Xuân Bách, Chuyên viên Bộ phận phân tích Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) kỳ vọng năm 2022, VN-Index có thể đạt mức cao nhất tại vùng 1,750-1,780 điểm. Dù vậy, không phải dòng cổ phiếu nào cũng có cơ hội tăng giá. Nhà đầu tư sẽ phải cân nhắc kỹ hơn để tìm kiếm cơ hội đầu tư triển vọng.

Năm 2022, nhà đầu tư phải cật lực “đãi cát tìm vàng”

Ông Trần Xuân Bách

* Theo ông, mức định giá của thị trường chứng khoán Việt Nam đang đắt hay rẻ?

Ông Trần Xuân Bách: Mức P/E hiện tại của TTCK Việt Nam đang ở mức 17.46 lần – cao hơn khá nhiều so với mức P/E trung bình 10 năm của VN-Index (khoảng 14.3 lần) và hiện xấp xỉ mức trung bình +1 độ lệch chuẩn trong 10 năm. Đây là mức định giá hấp dẫn của TTCK Việt Nam khi tốc độ tăng trưởng EPS của các doanh nghiệp trong nước vẫn duy trì ở mức cao.

Trong năm 2022, dự phóng tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết sẽ tăng khoảng 20% so với năm 2021. Với giả định này, P/E của Việt Nam sẽ còn khoảng 14-15 lần. Đây là mức tương đối hấp dẫn, nếu nhìn trong bối cảnh mặt bằng lãi suất thấp được duy trì giúp thu hút thêm dòng tiền, nền kinh tế sẽ tăng trưởng mạnh trở lại nhờ các gói kích thích kinh tế của Chính phủ.

Tôi nghĩ VN-Index có thể đạt mức cao nhất tại vùng 1,750-1,780 điểm trong năm 2022.

* Sự kiện/vấn đề trong nước nào ông cho rằng sẽ ảnh hưởng nhiều nhất đến TTCK Việt Nam năm nay?

– Dù kỳ vọng yếu tố tiền rẻ sẽ không còn mạnh mẽ như giai đoạn 2020-2021, khi kinh tế thế giới phục hồi hậu đại dịch, TTCK Việt Nam năm 2022 vẫn có những yếu tố hỗ trợ tích cực. Thứ nhất là kỳ vọng ở gói kích thích kinh tế hậu đại dịch của Chính phủ, qua đó giúp thúc đẩy đà phục hồi kinh doanh của các doanh nghiệp. Thứ hai là triển vọng nâng hạng lên thị trường đang phát triển (EM), qua đó thu hút lượng lớn vốn từ nhóm nhà đầu tư nước ngoài. Thứ ba là nhà đầu tư cá nhân trong nước với chi phí vốn rẻ vẫn quan tâm tới kênh đầu tư chứng khoán, sẽ tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng của các chỉ số và thanh khoản thị trường.

Ở chiều ngược lại, TTCK cũng sẽ đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Ngân hàng Trung ương (NHTW) các nước lớn bắt đầu rút tiền về, nâng lãi suất; dòng tiền có thể rút ra khỏi các thị trường mới nổi, tạo ra tâm lý lo ngại chung với nhà đầu tư. Rủi ro lạm phát đang hiện hữu, một mặt do giá nhiều nguyên liệu đầu vào tăng cao, bên cạnh đó là nhu cầu tăng mạnh trở lại khi các hoạt động kinh tế mở lại trong điều kiện bình thường mới.

Áp lực của tỷ giá, lạm phát có thể tạo ra áp lực đối với mặt bằng lãi suất. Nhà đầu tư cần lưu ý khi nền kinh tế mở trở lại, nếu xuất hiện yếu tố lạm phát, dòng tiền có thể chuyển hướng ra kênh bất động sản.

* Ông đánh giá thế nào về khả năng TTCK Việt Nam có thể được nâng hạng trong năm 2022?

– TTCK Việt Nam đã được FTSE thêm vào danh sách theo dõi để nâng hạng lên thị trường mới nổi loại 2 từ cuối năm 2018. Hiện Việt Nam đã thỏa mãn 7/9 điều kiện nâng hạng của tổ chức này. Năm 2022, khi hệ thống giao dịch mới đi vào hoạt động, TTCK Việt Nam sẽ sớm đáp ứng đủ 2 điều kiện còn lại và được FTSE xem xét nâng hạng lên thị trường mới nổi loại hai trong năm 2022 hoặc chậm là 2023.

* Liệu làn sóng nhà đầu tư mới (F0) vẫn sẽ ào ạt kéo dài sang năm 2022?

– Trong năm 2021, số tài khoản mở mới tăng kỷ lục với hơn 1.5 triệu tài khoản, nâng tổng số tài khoản chứng khoán hiện tại lên xấp xỉ 4.3 triệu. Tôi cho rằng, số lượng tài khoản mở mới sẽ tiếp tục có xu hướng gia tăng trong năm 2022 dù tốc độ tăng trưởng tài khoản mở mới có thể sẽ chậm hơn so với năm 2021, nhờ một số yếu tố sau:

Mặt bằng lãi suất thấp tiếp tục được duy trì dù lãi suất huy động có thể tăng nhẹ trở lại (quanh 0.25%-0.5%) vào nửa cuối năm 2022.

Triển vọng TTCK vẫn còn rất hấp dẫn trong dài hạn. Dù vẫn có những pha suy giảm ngắn hạn nhưng nhìn chu kỳ dài từ 3 năm trở lên thì tỷ suất sinh lời của kênh cổ phiếu luôn hấp dẫn hơn các kênh đầu tư hưởng lãi suất cố định hay kênh đầu tư an toàn như trái phiếu, vàng, tiền gửi 12 tháng hay nắm giữ USD.

Với sự phát triển của nền kinh tế, tầng lớp trung lưu của Việt Nam đã gia tăng nhanh chóng trong những năm gần đây. Nhu cầu phân bổ tài sản vào các kênh đầu tư của nhóm đối tượng này sẽ giúp kênh đầu tư chứng khoán dần trở nên phổ biến, qua đó giúp tốc độ tăng trưởng tài khoản chứng khoán duy trì ở mức cao và sớm đạt mục tiêu 5% dân số có tài khoản chứng khoán vào năm 2025 và 10% dân số vào năm 2030 của Chính phủ.

* Ông dự báo thanh khoản thị trường trong năm 2022 sẽ diễn biến như thế nào?

– Nhìn lại 2021, sự bùng nổ của thanh khoản thị trường được cho là kết quả cộng hưởng của nhiều yếu tố.

Đầu tiên, môi trường lãi suất thấp đã khiến dòng tiền từ kênh tiết kiệm dịch chuyển mạnh sang kênh chứng khoán. Thứ hai, sự xuất hiện của công nghệ EKYC đã giúp nhà đầu tư tiếp cận kênh đầu tư chứng khoán một cách dễ dàng và nhanh chóng. Thứ ba, làn sóng tăng vốn của các công ty chứng khoán (CTCK) đã giúp quy mô margin của thị trường tăng mạnh.

Bước sang năm 2022, tôi kỳ vọng thanh khoản thị trường sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao nhờ môi trường lãi suất thấp và các CTCK tiếp tục có xu hướng tăng vốn. Tuy nhiên, mức tăng thanh khoản sẽ không còn đột biến như năm 2021, đồng thời dòng tiền vào thị trường dự báo có thể bị ảnh hưởng bởi một số yếu tố: Lãi suất có thể nhích nhẹ trong giai đoạn nửa cuối năm 2022, dòng tiền có thể dịch chuyển sang kênh bất động sản và làn sóng phát hành tăng vốn của các doanh nghiệp niêm yết.

Theo tính toán của BVSC, giá trị giao dịch bình quân trên 3 sàn trong năm 2022 có thể giảm nhẹ so với năm 2021 nhưng vẫn sẽ ở mức cao, quanh 25 ngàn tỷ/phiên.

* Nguyên nhân nào khiến khối ngoại bán ròng kỷ lục trong 2 năm 2020-2021?

– Tổng giá trị bán ròng của khối ngoại trong năm 2020 và 2021 đạt trên 79 ngàn tỷ đồng. Trong đó, khối ngoại đẩy mạnh bán ròng gần 60.5 ngàn tỷ đồng trong năm 2021. Xu hướng bán ròng của khối ngoại ở TTCK Việt Nam nằm trong xu hướng rút vốn chung của dòng vốn ngoại khỏi khu vực thị trường các nước mới nổi.

Nguyên nhân được cho là sự mạnh lên của đồng USD trong 2 năm 2020 và 2021, khiến cho dòng vốn toàn cầu có xu hướng quay trở lại thị trường các nước phát triển. Điều này được minh chứng bằng mối tương quan ngược giữ chỉ số USD Index (DXY) và chỉ số dòng tiền vào EMs trong hai năm vừa qua.

* Dòng tiền khối ngoại sẽ dịch chuyển ra sao trong năm 2022, thưa ông?

– Đồng USD sẽ tiếp tục mạnh lên đáng kể so với các đồng tiền khác khi Fed có kế hoạch tăng lãi suất 3 lần trong năm 2022. Điều này sẽ tiếp tục tạo áp lực rút ròng của dòng vốn đầu tư toàn cầu khỏi khối các nước EMs, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, điểm sáng có thể đến từ dòng vốn ETFs. Trong bối cảnh bán ròng chung của khối ngoại trong năm 2021, dòng vốn ngoại từ các quỹ ETFs vẫn mua ròng trên thị trường với giá trị ròng đạt xấp xỉ 4.7 ngàn tỷ đồng, tăng 18% so với năm 2020. Cá nhân tôi kỳ vọng dòng tiền ngoại từ các quỹ ETFs sẽ tiếp tục mua ròng ở thị trường Việt Nam trong năm 2022.

Về dài hạn, Việt Nam sẽ là một điểm sáng thu hút dòng vốn ngoại với nền tảng kinh tế vĩ mô ổn đinh, định giá TTCK còn tương đối hấp dẫn so với mặt bằng chung các nước trong khu vực, tốc độ tăng trưởng ROE của các doanh nghiệp ở mức cao và triển vọng nâng hạng lên thị trường các nước mới nổi (EM) của các tổ chức đánh giá xếp hạng thị trường là FTSE và MSCI. Theo tính toán, nếu được thăng hạng lên thị trường mới nổi, Việt Nam sẽ đón dòng vốn ngoại vào TTCK thông qua việc đầu tư vào các quỹ ETF ước tính khoảng 1.58 tỷ USD.

* Ông dự báo đâu sẽ là những nhóm ngành có thể thu hút dòng tiền mạnh mẽ trong năm 2022?

– Xây dựng và thi công hạ tầng, dược, điện và thủy sản sẽ là các ngành được đánh giá có triển vọng tích cực trong năm 2022. Bên cạnh đó, các ngành ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, công nghệ thông tin vẫn sẽ tạo ra các cơ hội đầu tư hấp dẫn khi mặt bằng giá cổ phiếu có sự điều chỉnh mạnh trong ngắn hạn.

* Cuối cùng, ông có lời khuyên nào cho nhà đầu tư muốn đón đầu dòng tiền trên thị trường?

– Nếu như trong năm 2021 chúng ta chứng kiến đà tăng trưởng mạnh, đột biến ở đồng loạt nhiều nhóm ngành, nhóm cổ phiếu khác nhau thì bước sang năm 2022, tôi cho rằng xu hướng này sẽ không còn tiếp tục. Cơ hội sẽ không dành cho tất cả mà thay vào đó nhà đầu tư sẽ phải chắt lọc kỹ càng hơn, phải đãi cát tìm vàng thì mới có thể tìm kiếm được các cơ hội đầu tư triển vọng.

Trong năm 2022, các nhóm ngành và các nhóm cổ phiếu sẽ có sự phân hóa rõ nét hơn theo các yếu tố chuyện vĩ mô và từng câu chuyện riêng của các doanh nghiệp niêm yết. Tôi cho rằng, nhà đầu tư có thể lựa chọn các doanh nghiệp thuộc các ngành được hưởng lợi trực tiếp bởi 2 chủ đề đầu tư chính trong năm 2022 là đầu tư công và gói kích thích kinh tế của Chính phủ.

Ngoài ra, các ngành liên quan đến xuất khẩu và bán lẻ cũng có tiềm năng tăng trưởng tốt khi nền kinh tế phục hồi. Tuy nhiên, chỉ các doanh nghiệp có nền tảng cơ bản tốt, tiềm lực tài chính hùng mạnh, có năng lực triển khai các dự án lớn mới có thể đón nhận và được hưởng lợi thực sự từ các chủ đề đầu tư trên. Các nhà đầu tư nên khoanh vùng lựa chọn và phân tích kỹ càng các doanh nghiệp thì mới đón đầu được dòng tiền dịch chuyển vào cổ phiếu của các nhóm ngành đó.

* Xin cám ơn ông!

Xuân Nghĩa

[ad_2]