[ad_1]

Nếu đầu tư theo kiểu đám đông và thiếu kiến thức tài chính thì không khác nào ném tiền qua cửa sổ.

Các chuyên gia dự báo năm nay, môi trường đầu tư sẽ tiếp tục có nhiều yếu tố bất định khi dịch COVID-19 vẫn chưa hoàn toàn chấm dứt, lạm phát có thể tăng cao, tình hình địa chính trị diễn biến khá phức tạp… Vậy năm 2022, kênh đầu tư nào sẽ lên ngôi? Nhà đầu tư cần lưu ý gì để giảm thiểu rủi ro và tối đa hóa lợi nhuận?

Năm 2022: Lời khuyên cho nhà đầu tư cá nhân

Giá vàng liên tục biến động mạnh khiến nhà đầu tư đau đầu. Ảnh: T.LINH

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc tư vấn đầu tư Công ty chứng khoán Maybank Kim Eng:

Năm 2022: Lời khuyên cho nhà đầu tư cá nhân

Đừng đầu tư theo cảm xúc

Số liệu từ Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD) cho thấy số lượng tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư cá nhân mở mới liên tục đạt kỷ lục, tính chung cả năm ngoái bằng hơn bốn năm trước cộng lại. Hiện dòng tiền của các nhà đầu tư cá nhân, nhà đầu tư mới (F0) vẫn đổ mạnh vào chứng khoán.

Tuy vậy, khi chính sách tiền rẻ bị cắt giảm thì thị trường chứng khoán trong ngắn hạn, khoảng vài tháng đầu năm nay vẫn còn dư địa tăng điểm nhưng trung và dài hạn có khá nhiều biến số rủi ro. Vì vậy, nhà đầu tư không nên sử dụng margin (vay tiền của công ty chứng khoán để đầu tư) vào những mã đã tăng bằng lần trong thời gian qua. Đồng thời đừng bao giờ đầu tư theo cảm tính trong thị trường tài chính, bởi đây vốn là thị trường không có chỗ dành cho cảm xúc.

Với thị trường nhà đất thì khó có khả năng giảm mạnh nhưng sẽ có sự phân hóa. Hiểu nôm na là một số khu vực sẽ được hưởng lợi nhờ hạ tầng nhưng một số khu vực đóng băng do giá đã tăng quá nóng trong thời gian qua, trong khi dòng tiền cho vay đầu cơ bất động sản đang bị siết chặt.

Đối với vàng, trong ngắn hạn dự báo sẽ đi ngang nhưng trong trung và dài hạn vẫn tích cực. Còn đồng USD đã, đang và sẽ tăng giá do chính sách tiền tệ của Mỹ sẽ thắt chặt trở lại. Dấu hiệu lạm phát tăng đã rõ, vì vậy vàng và USD sẽ được hưởng lợi. Đây là những kênh sẽ thu hút dòng tiền đầu tư trong năm 2022.

Ông LÊ QUANG MINH, Giám đốc phân tích Công ty chứng khoán Mirae Asset:

Năm 2022: Lời khuyên cho nhà đầu tư cá nhân

Không nên cứ thấy cổ phiếu tốt là nhắm mắt mua

Kênh đầu tư tiền gửi tiết kiệm tại ngân hàng thường chỉ dành cho những người quá an toàn, không dám mạo hiểm trong kinh doanh. Bởi với mức lãi suất tiền gửi thấp loanh quanh 6%-7,5%/năm chỉ nhỉnh hơn lạm phát một chút. Mức lợi nhuận thấp như vậy không hấp dẫn nhà đầu tư.

Với mức lãi suất tiền gửi tiết kiệm thấp như vậy, nhà đầu tư có thể mua trái phiếu doanh nghiệp. Bởi nhiều công ty địa ốc phát hành trái phiếu với lãi suất có thể lên tới 12%-13%/năm, cao gần gấp đôi so với lãi suất tiết kiệm ngân hàng. Tuy nhiên, khi đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp, nhà đầu tư cần lựa chọn trái phiếu của những công ty đã niêm yết trên sàn chứng khoán, bởi như vậy mới đánh giá được tiềm năng của họ ra sao để rót tiền cũng như giảm thiểu rủi ro.

Đối với vàng và USD có tính thanh khoản cao, vì vậy khi nhà đầu tư cần chuyển đổi sang tiền mặt rất dễ dàng nhưng lợi nhuận không cao. Thậm chí, những ai nắm giữ USD từ năm ngoái đến năm nay gần như không có lời hoặc lời không đáng kể.

Với kênh bất động sản, nhà đầu tư cần mức vốn nhiều, ít ra cũng khoảng 1 tỉ đồng mới mua được đất ở các khu vực ngoại thành hoặc các tỉnh lân cận. Ngay cả khi có vốn để đầu tư nhưng khi cần chuyển nhượng thì tính thanh khoản lại không hề dễ dàng. Trong khi đó, nếu không đủ tiền mua một miếng đất hay một căn hộ, nhà đầu tư vẫn có thể đủ sức đầu tư vào kênh cổ phiếu nói chung và cổ phiếu bất động sản nói riêng.

Nhưng cần chú ý không phải cứ thấy cổ phiếu tốt là nhắm mắt mua, mà nhà đầu tư cần phân tích xem dòng tiền chung của thị trường ra sao. Ngay cả cổ phiếu tốt nhưng nhà đầu tư xuống tiền trong giai đoạn thị trường giảm điểm, dòng tiền đang tháo chạy thì dù cổ phiếu có tiềm năng đến mấy cũng phải chịu áp lực điều chỉnh giảm trong ngắn hạn.

PGS-TS NGÔ TRÍ LONG, chuyên gia kinh tế:

Năm 2022: Lời khuyên cho nhà đầu tư cá nhân

Thiếu kiến thức rất dễ bị “lùa gà”

Tùy vào từng đối tượng, tùy vào mức vốn hiện có mà nhà đầu tư có thể quyết định mình nên đầu tư vào kênh nào. Thực tế kênh đầu tư vàng khá nhiều rủi ro, bởi lẽ giá vàng trong nước và thế giới không liên thông dẫn đến giá vàng trong nước cao hơn thế giới hàng chục triệu đồng. Do đó, dòng vốn đổ vào vàng như là một kênh tích lũy thì không sao nhưng để đầu tư vào vàng theo kiểu lướt sóng thì e rằng nhà đầu tư đang nắm chắc đằng lưỡi.

Bước sang năm 2022, các nhận định về thị trường vàng thế giới đang khá trái ngược. Trong khi một số người nhận định rằng áp lực lạm phát sẽ vẫn hỗ trợ cho giá vàng thì cũng có quan điểm dự báo bi quan cho rằng giá vàng có thể rơi xuống mức 1.500 USD/ounce.

Chính vì vậy, với những người thiếu kiến thức tài chính, mù tịt về tình hình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp thì tốt nhất cứ bỏ tiền vào tiết kiệm. Cho dù lãi suất tiền gửi thấp vẫn tốt hơn là để tiền ngủ đông hoặc đổ tiền vào chứng khoán mà mua phải cổ phiếu đầu cơ dẫn đến chuyện âm tài khoản bất cứ khi nào.

Thực tế có những doanh nghiệp làm ăn thua lỗ nhưng giá cổ phiếu tăng tính bằng lần, thậm chí có những cổ phiếu tăng vài chục lần. Cho nên đầu tư chứng khoán thì nên nhìn lâu dài, không đi theo đám đông, tuyệt đối tránh xa những cổ phiếu đã có mức định giá quá cao mà phải săn được cổ phiếu của doanh nghiệp có nền tảng tài chính vững chắc.•

Giá vàng SJC tăng chóng mặt

Mở cửa phiên giao dịch ngày 7-2, giá vàng miếng tại Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) tăng 700.000 đồng/lượng so với giá chốt phiên trước tết Nguyên đán, lên mức 62,5-63,2 triệu đồng/lượng (mua-bán). Thậm chí tại một số cửa hàng, giá bán vàng SJC niêm yết ở mức 63,23 triệu đồng/lượng.

Trên thị trường thế giới, giá vàng dao động quanh ngưỡng 1.811 USD/ounce. Quy đổi theo tỉ giá tại các ngân hàng thương mại, giá vàng thế giới tương đương 49,9 triệu đồng/lượng, thấp hơn vàng SJC khoảng 13,2 triệu đồng/lượng.

Lừa đảo tiền ảo tăng đột biến

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc tư vấn đầu tư Công ty chứng khoán Maybank Kim Eng, nhận định với kênh đầu tư tiền ảo, tiền kỹ thuật số sẽ có sự phân hóa cực mạnh trong giai đoạn trung và dài hạn. Trên thực tế, dịch COVID-19 đã khiến cho nhu cầu kiếm tiền qua kênh này tăng vọt, tuy nhiên điều này cũng thúc đẩy những chiêu lừa đảo tăng đột biến.

Theo nghiên cứu của CipherTrace, năm 2020, số tiền thiệt hại từ các dự án lừa đảo tiền kỹ thuật số là 129 triệu USD nhưng chỉ trong bảy tháng đầu năm 2021, con số này đã lên tới 361 triệu USD. Còn theo báo cáo của Chainalysis về tội phạm tiền điện tử năm 2021, số tiền bị đánh cắp năm 2021 tương đương hơn 7,7 tỉ USD, tăng 81% so với năm trước đó.

[ad_2]