[ad_1]

Mỹ và Trung Quốc đang siết chặt kiểm soát các doanh nghiệp công nghệ lớn, đặt nền móng cho một cuộc cạnh tranh tiềm tàng trong thời gian tới.

Các doanh nghiệp công nghệ hàng đầu Trung Quốc từng vận hành khá tự do và nhận được nhiều ưu đãi của chính quyền, những lãnh đạo như Jack Ma và Jean Liu trở thành biểu tượng của tiến bộ công nghệ Trung Quốc trên toàn cầu. Điều này đã chấm dứt.

Jack Ma tại hội nghị thượng đỉnh Tech for Good ở Paris vào ngày 15/5/2019. Ảnh: AP

Jack Ma tại hội nghị thượng đỉnh Tech for Good ở Paris ngày 15/5/2019. Ảnh: AP.

Các tập đoàn công nghệ Mỹ ít chịu sự kiểm soát hơn, nhưng cũng đang bắt đầu rơi vào tầm ngắm của chính phủ. Những người ủng hộ chống độc quyền hàng đầu như Lina Khan, Tim Wu và Jonathan Kanter đều có vị trí quan trọng trong chính quyền Tổng thống Joe Biden. Quốc hội Mỹ đang xem xét những đạo luật mới nhằm kiểm soát ngành công nghệ, từ bảo vệ quyền riêng tư đến giới hạn độ tuổi người dùng.

Cả Bắc Kinh và Washington đều cho rằng những tập đoàn Big Tech đã nắm quá nhiều quyền lực mà không có biện pháp kiểm soát. Các chính phủ muốn áp đặt kiểm soát để bảo vệ công chúng, còn giới công nghệ đang đối mặt với mối đe dọa chính trị lớn chưa từng có.

Tăng sức ảnh hưởng bằng công nghệ

Mục đích của Mỹ và Trung Quốc giống nhau, nhưng chiến lược áp dụng của hai nước lại khác biệt rõ rệt. Bắc Kinh đang hành động rất quyết liệt, trong khi Washington chỉ mới bắt đầu.

Trung Quốc từ lâu đã đặt mục tiêu kiểm soát thế hệ công nghệ tiếp theo, cũng như thúc đẩy áp dụng tiêu chuẩn cho hàng loạt lĩnh vực thiết yếu, như 5G, AI, năng lượng tái tạo và sản xuất công nghệ cao, phục vụ chiến lược “Tiêu chuẩn Trung Quốc 2035”.

Một phần trong chiến lược này là lặng lẽ tăng sức ảnh hưởng tại các cơ quan xây dựng quy chuẩn quốc tế, cũng như đẩy mạnh kiểm soát những doanh nghiệp hàng đầu trong ngành công nghệ. Huawei, Xiaomi và TikTok có thể không do thám người dùng phương Tây như nhiều chính trị gia lo ngại, nhưng sự phổ biến của họ sẽ càng khiến tiêu chuẩn Trung Quốc trở thành tiêu chuẩn mặc định toàn cầu.

Giám đốc tài chính Huawei Mạnh Vãn Chu vẫy thay với các nhân viên tập đoàn và những người tới đón bà tại sân bay ở Thâm Quyến, Trung Quốc ngày 25/9. Ảnh: Reuters.

Mạnh Vãn Chu được chào đón tại sân bay ở Thâm Quyến, Trung Quốc ngày 25/9. Ảnh: Reuters.

Trái ngược với Jack Ma và Alibaba là sự ưu đãi dành cho Huawei và gia đình người sáng lập Nhậm Chính Phi. Huawei thành công trong việc biến sản phẩm của hãng thành thiết bị 5G mặc định ở nhiều nơi trên thế giới, làm tăng tính tin cậy của công nghệ Trung Quốc.

Huawei cũng chấp nhập các mối đe dọa từ bên ngoài khi quyết định duy trì quan hệ thân cận với chính phủ Trung Quốc. Hãng trở thành mục tiêu công kích của Mỹ, với đỉnh điểm là vụ Canada bắt giám đốc tài chính Huawei Mạnh Vãn Chu, con gái người sáng lập Nhậm Chính Phi, với cáo buộc vi phạm lệnh cấm vận của Mỹ nhằm vào Iran.

Sự trung thành của Huawei với Bắc Kinh cũng được đền đáp. Trung Quốc bắt hai người Canada với cáo buộc gián điệp và chỉ thả họ sau khi tòa án Canada trả tự do cho Mạnh Vãn Chu. Đây cũng trở thành bài học cho nhiều tập đoàn công nghệ Trung Quốc, đó là chính phủ nước này luôn bảo đảm quyền lợi cho doanh nghiệp trong nước.

Các động thái siết kiểm soát của Bắc Kinh có thể khiến nhiều nhà đầu tư lo ngại và cản trở nỗ lực phát triển của nhiều doanh nghiệp, nhưng đã thành công trong việc thúc đẩy các tập đoàn công nghệ phục vụ mục đích triển khai sức mạnh Trung Quốc ra toàn cầu.

Ngược lại, giới chức Mỹ chưa có tầm nhìn chiến lược thực sự về một thị trường cạnh tranh và không độc quyền. Các tập đoàn tại Thung lũng Silicon thường khẳng định quy mô của họ là yếu tố cần thiết để duy trì tính cạnh tranh của Mỹ, nhưng cả chính phủ và giới doanh nghiệp đều không coi đó là những thực thể giúp triển khai sức mạnh quốc gia.

Zuckerberg trong một phiên điều trần tại quốc hội Mỹ năm 2018. Ảnh: AP.

Zuckerberg trong một phiên điều trần tại quốc hội Mỹ năm 2018. Ảnh: AP.

Người ủng hộ chống độc quyền cho rằng tách rời hoặc kiểm soát những tập đoàn như Google và Apple sẽ tăng tính cạnh tranh, mang lại nhiều lợi ích cho nền công nghệ và chính trị Mỹ. Tách AWS khỏi Amazon hay Instagram khỏi Facebook có thể giúp ích cho người dùng, nhưng không thực sự giúp Mỹ duy trì sự thống trị trong ngành công nghệ.

Mô hình hoạt động độc lập của doanh nghiệp Mỹ đã mang tới những đột phá công nghệ lớn nhất trong lịch sử thế giới. Các tập đoàn hưởng lợi từ nghiên cứu do chính phủ hậu thuẫn, nhưng vẫn có thể thành công mà không cần phụ thuộc vào chính quyền.

Cuộc chạy đua công nghệ Mỹ – Trung hứa hẹn sẽ là phép thử với hiệu quả của hai mô hình. Một bên là ngành công nghiệp phi tập trung, không có điều phối thống nhất và vận hành độc lập với chính phủ, phía kia là ngành công nghiệp được dẫn dắt bởi một siêu cường hàng đầu thế giới.

Điệp Anh (Theo Tech Crunch)

[ad_2]