[ad_1]

Muốn thành công ở đời nhất định phải giữ được tĩnh khí

Thành công trong cuộc sống là đích đến của rất nhiều người. Thế nhưng không phải ai cũng hiểu hết những chân lý cơ bản để dẫn đến thành công. Hai câu chuyện ngắn dưới đây sẽ cho bạn một cái nhìn sâu sắc về những yếu tố quan trọng để có thể đi được con đường riêng của mình và đến được nơi bạn cần đến.

Câu chuyện thứ nhất

Vào một buổi sáng mùa hè, dưới tán cây cổ thụ nằm bên sông, một vị thiền sư đang ôn tồn giảng Đạo cho 4 người đệ tử. Với dáng vẻ cao lớn, thần thái an tại, lời giảng của ngài truyền cảm, thâm thúy và thanh cao khiến cho không chỉ các đệ tử mà dường như ngay cả chim chóc cũng lặng yên, cá tôm cũng bơi lại gần nghe ngài giảng Đạo. Sau khi kết thúc bài giảng, ngài căn dặn 4 đệ tử:

“Bây giờ ta cần ra ngoài khoảng một canh giờ, các con hãy tĩnh tâm ngồi đây ôn luyện về bài giảng và nhớ không được nói chuyện cho tới khi ta quay trở lại. Lúc đó, chúng ta sẽ thảo luận thêm về bài học sáng nay. Hãy nhớ lời ta dặn”.

“Vâng, thưa sư phụ” – bốn đệ tử đồng thanh hô lớn.

Sau khi sư phụ đi khỏi, bốn đệ tử nhanh chóng về vị trí, ngồi xếp bằng đả tọa để ôn lại bài giảng. Không có gì xảy ra trong nửa canh giờ đầu, cả bốn người đều tĩnh tâm học Đạo, chỉ có tiếng gió thổi và tiếng sóng nước vỗ bờ. Nhưng chỉ một lúc sau, gió mạnh hơn và mây đen bắt đầu kéo tới. Kết quả là một vị đệ tử động tâm đưa mắt về phía những đám mây rồi nói:

“Chà, hôm nay trời sẽ mưa lớn đây!”

Vị đệ tử này vừa dứt lời thì vị thứ hai nhanh chóng lên tiếng:

“Đệ làm gì vậy? Sư phụ đã dặn chúng ta không được nói chuyện, đệ đã vi phạm lời dặn của sư phụ rồi đó!”

“Nhìn xem, bây giờ chẳng phải huynh cũng đang nói rồi sao?” – vị đệ tử thứ ba lên tiếng.

Rồi họ bắt đầu bực dọc và châm chọc lẫn nhau. Tuy nhiên, trước tình cảnh đó, vị đệ tử thứ tư vẫn an nhiên tĩnh tọa và giữ yên lặng học Đạo.

Một lúc sau, vị thiền sư về tới, ông chưa kịp ngồi xuống thì vị đệ tử thứ hai đã nhanh nhảu chỉ tay về phía vị đệ tử thứ nhất và nói:

“Thưa sư phụ, trong lúc Người đi, đệ ấy đã nói chuyện”.

“Gì vậy? Thật thế sao? Ngay cả khi huynh cũng không giữ yên lặng?” – người đệ tử thứ hai lớn giọng nói.

Vị đệ tử thứ ba thêm vào: “Thưa sư phụ, cả hai huynh ấy đều vi phạm lời dặn của Người”.

Thấy vậy, người đệ tử thứ nhất và thứ hai đồng thanh: “Đệ cũng cất lời mà?”

Sau khi nghe tất cả, vị thiền sư lúc này mới lên tiếng: “Theo những gì ta được nghe thì chắc hẳn cả 3 con đều không làm tốt. Chỉ có tứ đệ của các con là vâng lời và làm đúng theo các yêu cầu của ta. Ta tin chắc nó sẽ đạt được nhiều thành tựu và cảnh giới cao trong tương lai. Còn ba con, nhất định phải lấy bài học lần này để luôn răn mình. Các con vi phạm điều ta yêu cầu chỉ vì một việc hữu vi là để phàn nàn người khác… Như vậy có đáng không? Tu luyện là việc phi thường nghiêm túc, các con nếu không thể đối đãi nghiêm túc với những lời chỉ dẫn của ta thì sẽ không thể đắc thành, tăng tiến trong tương lai được”.

Các để tử đều cúi đầu im lặng trước lời thiền sư dạy bảo… Họ đã học được một bài học sâu sắc.

Câu chuyện thứ hai

Một vị giáo sư rảo bước trên sân trường đại học thì bắt gặp một nhóm sinh viên đang thực hiện bài thể dục biểu diễn. Giữa một đám đông người tập luyện, người tán dóc, kẻ cười đùa đó, ông đặc biệt chú ý tới một nam sinh viên đang cố gắng để hoàn thành một động tác khó. Trông vẻ mặt của cậu khá buồn và đầy thất vọng. Có lẽ, cậu sinh viên này đã rất cố gắng nhưng vẫn chưa thực hiện thành công động tác. Ông mỉm cười và tiến đến vỗ vai cậu sinh viên:

“Con trai, con đang buồn gì vậy?”

“Con cũng không biết nữa thưa giáo sư. Con đã rất cố gắng nhưng vẫn không thể thực hiện thành công động tác này…”

“Ta đã quan sát con một lúc, không phức tạp như con nghĩ đâu. Con đã rất cố gắng rồi, nhưng muốn thực hiện được nó, trước hết con phải biết cách lắng nghe cơ thể mình. Hãy đi cùng ta, ta sẽ cho con thấy rõ hơn”.

Vị giáo sư dẫn cậu sinh viên đến một con suối trong khu rừng phía sau trường. Ông yêu cầu cậu sinh viên ngồi xuống bên bờ suối và tĩnh lặng ngắm nhìn dòng nước chảy róc rách.

Một lúc sau, ông chỉ tay về phía dòng nước và cất lời:

“Con hãy nhìn những hòn đá lớn đang chắn ngang dòng nước kia, con có nghĩ rằng điều đó sẽ làm dòng nước cảm thấy phiền muội không?”

Ông tiếp lời: “Không, đúng không nào! Nó sẽ chẳng phiền gì cả! Nó đơn giản chỉ cần lách qua và tiếp tục tiến về phía trước. Con hãy học theo dòng nước và con sẽ biết làm thế nào để lắng nghe cơ thể mình”.

Cậu nam sinh như chợt ngộ ra điều gì đó từ lời khuyên của vị giáo sư. Anh trở lại sân trường và thực hành động tác với một tâm thái an định, tự tin và bỏ ngoài tai tất cả những tiếng ồn và sự huyên náo xung quanh.

Và kết quả thật bất ngờ, cậu đã thực hiện được động tác đó một cách hoàn hảo mà không có khó khăn nào đáng kể.

Bài học:

Hai câu chuyện trên để lại cho chúng ta những bài học sâu sắc về sự thành công.

Bạn cần phải kiên định, nghe theo lời chỉ dẫn từ những người có kinh nghiệm và đoán biết nó qua các dấu hiệu trên đường đi, để tự tích lũy kiến thức cho bản thân mình. Bạn không nên chỉ vì một cám dỗ nhất thời hay những việc diễn ra xung quanh mà để ảnh hưởng tới những mục tiêu quan trọng. Biết tập trung và tuân thủ nguyên tắc, bạn chắc chắn sẽ đạt được những gì bạn mong đợi.

Ông trời ban cho mỗi người một cảm nhận riêng mà chỉ có duy nhất bản thân họ mới biết họ là người như thế nào. Do vậy, để có thể chạm tay vào đỉnh vinh quang, trước hết bạn cần hiểu rõ bản thân mình, biết đặt ra một mục tiêu rõ ràng để bước tới.

Cuối cùng, muốn làm được việc lớn nhất định bạn phải có được tĩnh khí. Hãy luôn giữ một tâm thái an hòa, cố gắng tĩnh tại từ trong nội tâm khi suy xét thực hiện một vấn đề. Người có tĩnh khí, có sự bình thản, hoà ái trong tâm sẽ luôn thanh tỉnh, có thể nhìn xa, trông rộng mà không bị những sự việc nhỏ nhen, những thứ lợi ích tầm thường che khuất mắt. Xã hội đang quay cuồng trong những vòng xoáy danh, lợi, tình và dục vọng. Chỉ khi giữ được sự tĩnh tại cho mình, bạn mới không bị dòng chảy lớn ấy cuốn đi, mới đích thực là sống một cuộc đời tự tại, ý nghĩa.

Xem thêm

[ad_2]