[ad_1]

Muôn sự khuyên người đừng che giấu, trên đầu ba thước có Thần linh

Người xưa dạy rằng: “Người đang làm, Thần đang nhìn”.

Kỷ Hiểu Lam (26/7/1724 -14/2/1805), thuở nhỏ thông minh hơn người, đọc sách nhanh như gió, được mệnh danh là ‘Thần đồng’. Đến khi trưởng thành, ông học Hán nho, thơ, văn biền ngẫu, giải nghĩa từ trong sách cổ. Vì đọc nhiều sách Thánh hiền, nên ông có được kiến thức uyên bác thâm sâu. Khi còn bé ngoài việc được mệnh danh là ‘Thần đồng’ ra, Kỷ Hiểu Lam còn được biết đến là một đứa trẻ có ‘công năng đặc dị’. Ông có thể nhìn thấy mọi thứ trong bóng tối rõ như ban ngày. Không cần đèn ông vẫn có thể nhìn thấy đồ vật, công năng này được gọi là ‘Thiên nhãn’ (Mắt thần).

Kỷ Hiểu Lam từng là tổng công trình sư biên tập Tứ khố toàn thư, một công trình biên soạn sách nổi tiếng dưới thời vua Càn Long. Không những thế, ông còn nổi tiếng là phong lưu tài tử. Ngoài ra, ông còn là tác giả của cuốn Duyệt Vi thảo đường bút ký (Bút ký được viết ở ngôi nhà cỏ Duyệt vi) gồm 25 tập, đây là một trong những tác phẩm nổi tiếng đương thời. Trong Duyệt vi thảo đường bút ký, Kỷ Hiểu Lam có ghi chép lại một câu chuyện rằng:

Có vị thư sinh nọ, một đêm đi ngang qua miếu Nhạc Đế, thoạt đầu nhìn từ phía xa chỉ thấy hai cánh cổng sơn son mờ nhạt. Lát sau bỗng có một người từ trong miếu đi ra dù hai cánh cổng vẫn khép kín. Anh ta đoán biết rằng mình đã may mắn gặp được Thần linh, bèn vội vàng chạy đến bên, khom lưng, chắp tay bái tạ, luôn miệng chào ‘Thượng thánh’. Vị Thần đưa tay đỡ anh thư sinh đứng thẳng lên, và nói: Ta không phải bậc Thần linh cao quý gì. Ta chính là ‘chiếc gương soi’ – một Ti kính lại nhỏ (kính chiếu dưới Âm Ti) lo việc ghi chép sổ sách, tình cờ đi qua miếu này thôi.

Vị thư sinh, liền hỏi: Ngài được gọi là Ti kính gì? Chẳng lẽ, Ngài là ‘Nghiệp Kính’ (kính chiếu nghiệp) mà người đời vẫn thường nhắc đến đó sao? Ti kính lại, đáp: Ta cũng tương tự như ‘Nghiệp kính’ nhưng là một kính khác, gọi là ‘Tâm kính’. Bổn sự của ‘Nghiệp kính’ là ghi chép lại những sự việc của con người, khi còn sống đã làm những việc thiện – ác gì, mà trên bề mặt có thể nhìn thấy được, còn những điều trong sâu thẳm tâm tính của họ thì rất khó nhận biết.

Con người mang rất nhiều tâm tư, tình cảm, luôn luôn thay đổi lên xuống như thủy triều. Có khi vừa mất đi đã lập tức khởi lại, trong sâu thẳm ẩn chứa rất nhiều mưu ma chước quỷ không ai có thể phỏng đoán được. Có người nhìn vẻ ngoài thì nhân từ, mà trong lòng lại hiểm độc. Cho nên, nếu chỉ xét vẻ ngoài thì Kỳ Lân cai quản có thể thấy người ấy là hiền lành, Phượng Hoàng nhìn cũng có chút ấn tượng… Kỳ thực trong tâm lại che giấu những âm mưu lớn.

Những mưu ma chước quỷ ấy ẩn nấp trong tâm người ta không biểu lộ ra bên ngoài, bình thường Nghiệp kính chiếu không ra. Còn ta có thể nhìn thấy trong tâm con người có những điều tà, trong tâm chứa đầy những oán hận, bất công, quái dị, đen đúa như nước nhuộm chàm, uốn cong như móc câu, tâm địa dơ bẩn như cặn bã, rác rưởi, vẩn đục như nước bùn nhơ… Tâm địa con người rất hiểm ác, nó được che giấu bằng vạn thứ ngang dọc đan xen nhau nhiều như mạch lạc khuất khúc chảy qua, chảy lại phải trái bất phân, chướng tai nhức mắt như bụi gai, có thứ chua ngoa sắc bén như đao kiếm, độc như rắn rết, ác như hổ lang, lại có thứ bóng bảy lợi dục hoan tâm, tỏa ra mùi hôi thối tức giận, thậm chí loáng thoáng ẩn chứa ý tứ dâm tà, vẽ vời đủ thứ như trò hề…

Nhà ngươi hãy thử xem xem, người ta nhìn bề ngoài mỗi người một giáng vẻ, đường hoàng đạo mạo. Song có bao nhiêu người mà bên trong tâm địa mượt mà tinh oánh như minh châu, thanh minh trong suốt như nước tinh khiết? Thế gian hàng trăm vạn người, cũng khó mà kiếm cho ra một hai người có cái tâm trong sáng như vậy!

Thường ngày ta để tâm kính ở bên cạnh, cẩn thận quan sát kĩ lưỡng rồi chép ra. Theo thông lệ cứ sau ba tháng lại theo hướng đông tới núi Thần Quân hội báo một lần, coi đây là căn cứ định ra tội – phúc. Đại để với người có địa vị, danh tiếng thì yêu cầu càng nghiêm khắc hơn. Đối với phường xảo trá, khôn ngoan lọc lõi, thì trừng phạt rất nghiêm trọng. Ti kính lại im lặng trong giây lát, chắp tay ra sau ngước mặt nhìn trời, nói tiếp:

– Vào thời Xuân Thu, năm 240 (TCN) lịch sử có ghi chép rằng, ở nước Lỗ có không ít người hành ác đều khiến trời nổi cơn lôi đình, sai Thiên lôi làm sét đánh. Đó chính là một hình thức trừng phạt đối với những người có tâm địa độc ác. Còn có chuyện, Bá Di người nước Cô Trúc cuối thời nhà Thương. Sau khi Chu Võ Vương diệt nhà Thương, ông và em trai là Thúc Tề, không chịu ăn lương thực của nhà Chu, cuối cùng phải chết đói trên núi. Người đời sau ca ngợi họ là những người trung thành với cố quốc lập miếu để thờ phụng. Nhưng không biết rằng, đây chính là một hình thức trừng phạt rất đặc biệt đối với ông ta, vì đằng sau còn có những việc ác đã từng làm.

Ngươi phải nhớ kỹ: Đối với người mà nói, bất luận là trong tâm suy nghĩ gì, có âm mưu gì đều không thể che giấu được, về sau nhất định sẽ phải chịu sự trừng phạt. ‘Thiện ác hữu báo’ đó là luật nhân quả”. Vị thư sinh nghe xong, tạc dạ ghi lòng, cung kính bái tạ! Về sau, anh ta đem câu chuyện thuật lại cho Kỷ Hiểu Lam, ghi chép thành sách lưu truyền hậu thế.

***

“Muôn sự khuyên người đừng che giấu,
Trên đầu ba thước có Thần linh”.

Đừng tưởng rằng mình làm chuyện xấu sau lưng người khác, nếu không nói ra thì không ai biết, cũng không hề hấn gì. Có câu: ‘Muốn người khác không biết, thì trừ khi không làm’. Kì thực ngay trên đỉnh đầu ba thước, thời thời khắc khắc đều có Thần linh chăm chú quan sát nhất cử, nhất động, dù chỉ là một tư, một niệm. Sống trên đời, làm người nên biết rằng ‘Thiện ác đều có báo ứng’ chỉ là đến sớm hay muộn mà thôi. Sự việc này cũng không nhất định là phải cho người được nhìn thấy. Nhược bằng kẻ không tín Thần, thì Thần cũng không quản. Phật luôn mở lòng từ bi hồng đại. Cho nên ‘lưới mở một mặt’ để người thành tâm hối cải quay đầu hướng thiện, đó mới thực sự là Pháp quy.

Chia sẻ và biên tập theo DaiKyNguyen.TV

[ad_2]