(TN&MT) – Hiện nay trên địa bàn nơi tôi sinh sống có một Công ty khai thác quặng gây rất nhiều ảnh hưởng tới những người dân sống quanh đây như: bụi, bẩn,…. Công ty còn trực tiếp rửa quặng tại đây xả ra suối làm ảnh hưởng tới nguồn nước. Xin hỏi, việc rửa quặng xả trực tiếp ra suối gây ô nhiễm môi trường sẽ bị xử phạt như thế nào? (Nguyễn Văn Thơm, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai).

Câu hỏi của bạn Báo Tài nguyên và Môi trường tư vấn như sau:

Hành vi rửa quặng xả trực tiếp ra suối gây ô nhiễm môi trường là hành vi trái pháp luật và bị xử phạt nặng theo quy định tại Nghị định 36/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản.

Nếu công ty này chưa có giấy phép xả thải thì sẽ bị phạt theo quy định tại Điều 20 Nghị định số 36. Cụ thể, hành vi xả nước thải vào nguồn nước không có giấy phép theo quy định của pháp luật bị phạt như sau:

– Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi xả nước thải vào nguồn nước với lưu lượng nước thải từ trên 5 m3/ngày đêm đến dưới 50 m3/ngày đêm, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản này;

Ảnh minh họa

– Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi xả nước thải vào nguồn nước với lưu lượng nước thải từ 50 m3/ngày đêm đến dưới 100 m3/ngày đêm.

– Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với một trong các hành vi xả nước thải vào nguồn nước với lưu lượng nước thải từ 100 m3/ngày đêm đến dưới 500 m3/ngày đêm, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản này;

– Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 90.000.000 đồng đối với hành vi xả nước thải có chứa hóa chất độc hại, chất phóng xạ vào nguồn nước với lưu lượng nước thải không vượt quá 5 m3/ngày đêm.

– Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 120.000.000 đồng đối với một trong các hành vi xả nước thải vào nguồn nước với lưu lượng nước thải từ 500 m3/ngày đêm đến dưới 1.000 m3/ngày đêm.

– Phạt tiền từ 140.000.000 đồng đến 160.000.000 đồng đối với một trong các hành vi xả nước thải vào nguồn nước với lưu lượng nước thải từ 1.000 m3/ngày đêm đến dưới 2.000 m3/ngày đêm.

– Phạt tiền từ 180.000.000 đồng đến 220.000.000 đồng đối với một trong các hành vi xả nước thải vào nguồn nước với lưu lượng nước thải từ 2.000 m3/ngày đêm đến dưới 3.000 m3/ngày đêm.

– Phạt tiền từ 220.000.000 đồng đến 250.000.000 đồng đối với một trong các hành vi xả nước thải vào nguồn nước với lưu lượng nước thải từ 3.000 m3/ngày đêm trở lên.

Ngoài mức phạt trên, cá nhân, tổ chức vi phạm bị buộc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm, suy thoái nguồn nước.

Nếu công ty đã có giấy phép nhưng xả thải không đúng quy định trong giấy phép sẽ bị xử lý theo quy định tại Điều 21 Nghị định số 36 như sau:

 Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau: Không thực hiện chế độ báo cáo về hoạt động xả nước thải vào nguồn nước cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật; Không báo cáo kịp thời về cơ quan cấp phép và cơ quan chức năng ở địa phương trong trường hợp có sự cố ô nhiễm nguồn nước do hành vi xả nước thải gây ra; Báo cáo không trung thực, không đầy đủ về hoạt động xả nước thải vào nguồn nước cho cơ quan có thẩm quyền theo quy định.

Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 120.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau: Xả nước thải vào nguồn nước không đúng vị trí, tọa độ quy định trong giấy phép; Xả nước thải vào nguồn nước không đúng chế độ, phương thức quy định trong giấy phép.

Phạt tiền từ 120.000.000 đồng đến 130.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau: Thu gom nước thải không đúng thiết kế theo quy định của giấy phép; Vận hành hệ thống xử lý nước thải không đúng quy trình vận hành theo quy định của giấy phép; Không chuẩn bị nhân lực, trang bị các phương tiện, thiết bị cần thiết để ứng phó, khắc phục sự cố gây ô nhiễm nguồn nước; Tự ý cho tổ chức, cá nhân khác xả nước thải vào hệ thống thu gom, xử lý nước thải do mình đầu tư, quản lý, vận hành không đúng quy định của giấy phép…

Báo Tài nguyên & Môi trường

Luật đất đai