[ad_1]

Vừa qua, địa phương này đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận triển khai đầu tư 3 khu công nghiệp (KCN) mới.

Một tỉnh được nhà đầu tư Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan... quan tâm nhưng bỏ lỡ nhiều dự án tỷ USD vì thiếu đất công nghiệp diện tích lớn

6 tháng đầu năm 2023, tình hình sản xuất kinh doanh của cả nước nói chung đang gặp không ít khó khăn do ảnh hưởng kinh tế thế giới, lạm phát tăng cao, các nước thắt chặt chi tiêu, doanh nghiệp thiếu đơn hàng sản xuất, thị trường xuất khẩu sụt giảm mạnh, tiêu thụ sản phẩm khó khăn, công nhân thiếu việc làm, thu nhập giảm. Điều này ảnh hưởng lớn đến tình hình phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

Tuy nhiên, Đồng Nai vẫn duy trì được mức tăng trưởng dương ở nhiều chỉ số. So với bình quân chung cả nước thì GRDP của Đồng Nai có mức tăng trưởng cao hơn 0,29%.

Theo UBND tỉnh, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy thoái, Đồng Nai giữ được mức tăng trưởng trên là nỗ lực rất lớn. Và tỉnh vẫn nằm trong top đầu các tỉnh, thành trên cả nước về phát triển kinh tế.

Nếu những thủ tục liên quan đến các dự án quan trọng của tỉnh được các bộ, ngành, Chính phủ giải quyết nhanh, Đồng Nai có thể trở thành một điểm sáng trong phát triển kinh tế, góp phần rất lớn vào thu hút đầu tư trong nước, nước ngoài, phát triển công nghiệp, thu ngân sách nhà nước.

Vừa qua, Đồng Nai đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận triển khai đầu tư 3 KCN mới là Long Đức 3, Bàu Cạn – Tân Hiệp (Huyện Long Thành) và Xuân Quế – Sông Nhạn (Huyện Cẩm Mỹ) để kịp đón đầu làn sóng đầu tư khi cảng hàng không quốc tế Long Thành đi vào vận hành, khai thác.

Hiện nay, các KCN của tỉnh đã cho thuê gần hết đất, phần diện tích còn lại chưa bồi thường, giải phóng mặt bằng xong. Điều này đã khiến suốt 3 năm qua, Đồng Nai đã bỏ lỡ nhiều dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn từ vài trăm triệu đến cả tỷ USD, có công nghệ hiện đại, giá trị gia tăng cao. 

Cụ thể, thời gian qua, có nhiều đoàn doanh nghiệp của Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu, Đài Loan, Ấn Độ… đến Đồng Nai với dự tính sẽ đăng ký các dự án mới và tăng thêm vốn mở rộng đầu tư vào tỉnh trên lĩnh vực công nghiệp, nhưng đa số đều gặp trở ngại thiếu đất công nghiệp diện tích lớn để thuê.

Một khu công nghiệp ở Đồng Nai

Các KCN trên đa số lấy vào đất cao su, ít thu hồi đất của các hộ gia đình, cá nhân. Vì thế, Chính phủ sớm chấp thuận triển khai các KCN: Long Đức 3, Bàu Cạn – Tân Hiệp và Xuân Quế – Sông Nhạn thì tỉnh có thể đẩy nhanh việc thành lập KCN, bồi thường giải phóng mặt bằng, chọn doanh nghiệp đầu tư hạ tầng kỹ thuật.

Các KCN này có tổng diện tích gần 6.500 ha và khi xây dựng xong hạ tầng kỹ thuật sẽ có trên 4.000 ha đất công nghiệp cho các doanh nghiệp thuê xây dựng nhà máy sản xuất.

[ad_2]

Nguồn: https://markettimes.vn/mot-tinh-duoc-nha-dau-tu-han-quoc-nhat-ban-dai-loan-quan-tam-nhung-bo-lo-nhieu-du-an-ty-usd-vi-thieu-dat-cong-nghiep-dien-tich-lon-33155.html