[ad_1]

Một người có đáng kết giao hay không, hãy xem khi mệt mỏi họ hành xử thế nào

Từ một câu chuyện leo núi…

Tháng trước, tôi cùng một người bạn đi leo núi Thái Sơn. Đến lúc này tôi mới cảm nhận sâu sắc được câu ‘tỷ lệ nghịch giữa tuổi tác và ý chí’ là như thế nào.

Leo được phân nửa quãng đường, tôi đã cảm thấy chân của mình không phải là của mình nữa. Bạn bè ban đầu còn quan tâm và giúp đỡ nhau, nhưng đến nửa quãng đường sau thì hầu như chẳng ai buồn quan tâm tới ai nữa.

Một người bạn từng nói với tôi rằng niềm vui của việc leo núi không phải nằm ở giây phút leo lên đến đỉnh và phóng tầm mắt thu lại phong cảnh bao la, mà là hình ảnh những người leo núi mỗi người một vẻ, muôn hình vạn trạng, đủ để viết thành một cuốn sách sinh động. Trước kia tôi không tin lắm, nhưng lần này tôi lại có một cảm nhận sâu sắc hơn.

Suốt cả chặng đường, chúng tôi cùng đi với một tốp sinh viên đang dạt dào sức trẻ. Hình như các em là một đoàn thể đang tổ chức hoạt động dã ngoại. Khi bắt đầu leo lên từ chân núi thì ai nấy đều tràn trề sức sống, cười nói rộn ràng. Trong số đó, một cậu thanh niên nhiệt tình và hoạt bát đã thu hút sự chú ý của tôi. Cậu ấy đeo một cái ba lô to uỵch trên lưng, trên tay còn xách một túi nilon đựng đầy đồ ăn, trông rất nặng.

Nhưng suốt cả chặng đường cậu vẫn hô hào cổ vũ những cô bạn học đang rớt lại phía sau. Cậu giúp các bạn nữ cầm đồ, đôi khi còn hỏi mọi người có cần nghỉ ngơi một chút không, trông giống như một bậc phụ huynh đầy trách nhiệm vậy.

Anh bạn đi cùng tôi cũng phải thốt lên khen ngợi cậu ấy: “Nhìn xem thế hệ 9X bây giờ này, đâu có tự tư tự lợi như lời đồn thổi của người ta, cũng đâu như những người bạn già tự khen như chúng ta, cùng leo núi mà thân ai nấy lo. Ngẫm lại lại thấy xấu hổ với mình”.

Trong khó khăn mới biết rõ lòng người, khi leo núi lại càng sáng tỏ hơn

Thể lực và ý chí của một người khác nhau rất nhiều, nên muốn cùng nhau đi tới đích không phải là một chuyện dễ dàng. Tôi từng nghĩ rằng nếu có một người nhiệt tình như cậu thanh niên ấy đi cùng thì cuộc leo núi cũng sẽ trở nên dễ dàng biết mấy.

Nhưng, tôi đã nhầm!

Đi được nửa quãng đường thì câu chuyện hoàn toàn xoay ngược lại ngoài dự liệu. Khi đi trai tráng, giữa đường bủng beo, người nào người nấy mặt mày ủ dột, nặng nề lê bước về phía trước, chẳng ai buồn mở miệng nói nấy một lời.

Lúc này khuôn mặt của cậu thanh niên nhiệt tình ban nãy trở nên rất khó coi. Ai bắt chuyện cậu cũng lơ đi như không nghe thấy, còn vừa đi vừa oán trách các bạn nữ sao mang nhiều đồ thế không biết!?

Nhiệt tình ban đầu của cậu cuối cùng lại trở thành gánh nặng. Quẳng đồ của các bạn nữ đi thì sợ mất mặt, mà cầm thì lại thấy mệt, chân nặng chình chịch, nên chỉ đành biết nổi đóa lên cho hả giận.

Lúc này một cậu bạn trầm mặc ít nói lại đột nhiên bước tới, mỉm cười đưa cho cậu ấy một lon Co-ca và đỡ lấy chiếc ba lô, vỗ vỗ vào tay cậu ta rồi nói: “Nhanh lên nào! Nhanh lên nào!”. Nhìn thấy cậu ấy mồ hôi nhễ nhại, tôi không khỏi xúc động.

Muốn hiểu về sự tu dưỡng của một người chỉ cần xem khi mệt mỏi họ sẽ hành xử thế nào. Khi dễ chịu thì đa số mọi người đều vui vẻ, dễ tính. Chỉ khi trong người mệt mỏi và khó chịu mà vẫn có thể thấu hiểu cho nỗi khổ của người khác mới là sự lương thiện đã ngấm vào xương tủy, và là một phần tự nhiên trong con người họ.

Khả năng kiềm chế bản thân là không đổ những cảm xúc khó chịu của mình lên đầu người khác để trừng phạt họ

Có một số người, chỉ cần hơi mệt một chút là trong mắt người ấy chỉ còn lại mỗi bản thân mình. Với những người này, bạn không những không thể trông mong họ khích lệ bạn, mà còn phải nhanh chóng vỗ về để những tính xấu của họ ngủ yên. Nhưng một số người dù mệt mỏi như thế nào cũng đều thông cảm với những khó khăn của bạn. Dù họ không thể gánh vác cùng bạn, nhưng chí ít sẽ không mang thêm phiền phức cho mọi người xung quanh. Từ sự khác biệt đó có thể thấy rõ nhân cách một con người.

Trong cuộc sống hàng ngày, những người như vậy không hiếm gặp. Khi dạo phố, lúc ăn cơm, hay lái xe, chúng ta thường gặp cảnh mọi người tranh cãi với nhau. Những nơi càng bận rộn thì số người cãi vã lại càng nhiều.

Những nhân sỹ cao cấp bình thường nói năng nhã nhặn, nhưng tới khi mệt mỏi lại bộc lỗ hết thảy bản chất thấp kém của mình.

Hầu như mỗi lần đi máy bay đường dài, tôi đều gặp những hành khách khi không được như ý liền sinh sự với tiếp viên hàng không. Họ biết rằng tiếp viên hàng không có rất nhiều giới hạn không được vượt qua, có rất nhiều chỗ khó đành phải bất lực. Nhưng họ lại trút giận một cách vô cớ lên đầu các cô gái trẻ ấy, còn tuyên bố lý do một cách đường hoàng là: “Tôi mệt rồi!”

Đây không phải là tâm thái ấu trĩ của những “em bé to xác” hay sao? Nói cho cùng, là do sự tu dưỡng không đủ.

Lúc tinh thần sảng khoái thì ai nấy đều sẵn lòng dang tay trợ giúp, chỉ khi sức tàn lực kiệt mới có thể nhìn ra sự tu dưỡng của một người. Người tu dưỡng càng tốt thì càng có khả năng kiềm chế bản thân. Khả năng kiềm chế chính là đừng đem sự khó chịu của mình đổ

Sếp tôi có một quy định vàng là đừng gửi email cho ông vào lúc nửa đêm, đừng gặp khách hàng chỉ vì khó ngủ.

Cho nên mỗi lần khách hàng yêu cầu tăng ca một cách không cần thiết thì ông đều từ chối. Sau đó, ông đuổi chúng tôi về nhà và dặn phải đi ngủ thật sớm. Ông thường nói, ngủ nghỉ không tốt dễ sinh cáu bẳn. Tôi thầm nghĩ có lẽ ông cũng biết rằng trong mỗi con người có 2 phần tốt và xấu. Khi mệt mỏi con người dễ bộc lộ những tính xấu nhiều hơn.

Trong vài năm lăn lộn nơi quan trường, tôi cũng học được không ít bài học đắt giá.

Nhiều đối tác thương mại từng hợp tác nhiều năm lại không chịu nhường một bước chỉ vì một chút lợi ích nhỏ nhoi. Những đồng nghiệp quen biết lâu năm, chỉ vì ý kiến bất đồng mà xổ ra một tràng những lời dung tục. Cũng có không ít người chăm chỉ cần mẫn làm việc biết bao năm lại thất bại chỉ vì một đêm mất ngủ mà sơ sểnh làm hỏng đại sự. Đa số những điều này xảy ra như một bi kịch! Chúng cứ chờ đợi đúng giây phút con người thấy mệt mỏi nhất mà xuất hiện.

Vậy nên, điều quan trọng không chỉ là bạn có thể leo lên đỉnh với tốc độ nhanh thế nào, mà là bạn về đích với tâm thái ra sao.

Muốn hiểu một con người, hãy quan sát tâm thái khi họ mệt mỏi

Có một đồng nghiệp cũ thì thầm với tôi rằng: Muốn biết nên hợp tác với ai thì cứ quan sát tâm thái làm việc của họ vào buổi tối thứ 6 là biết. Thế là tôi cẩn thận quan sát biểu hiện của những người tăng ca vào tối thứ 6, quả nhiên là muôn hình muôn vẻ.

Có người thì giận dữ quát tháo trong điện thoại với người nhà, có người lại cãi cọ liên hồi với mấy cậu bán hàng bên ngoài vì đồ ăn không như ý. Thậm chí có người còn oán trách đồng nghiệp lề mề chậm chạp, khiến cậu ấy cuối tuần vẫn phải tăng ca. Trong khi ban ngày họ đều là những tinh anh, không hề so bì thiệt hơn, và làm việc rất cẩn trọng. Khi chứng kiến điều này ngồi ngẫm lại tôi cũng không khỏi ngậm ngùi.

Nhưng cũng có một số người rõ ràng là họ đã thức suốt mấy đêm liền, nhưng vẫn có thể mỉm cười đến bên bạn, hỏi xem bạn có cần giúp gì không. Đó mới là những người dễ phối hợp nhất.

Tôi từng hỏi một đồng nghiệp tốt bụng như vậy trong văn phòng mình rằng: “Nếu tôi mệt tới mức không thể kiềm chế nổi mà nổi đóa lên thì phải làm thế nào?”, anh ấy chỉ nói 4 chữ: “Tự mình đợi xem”.

Vào những lúc gian nan mới đo được khoảng cách tu dưỡng tâm tính giữa người với người

Đương nhiên, những người tu dưỡng tâm tính tốt không phải là Thần, họ cũng sẽ mệt mỏi, cũng cần được an ủi. Nhưng họ hiểu rằng khi mệt mỏi thì phải tự xử lý tốt vết thương của mình, chứ không phải là tùy tiện mang bực tức, mệt mỏi của bản thân trút lên đầu người khác.

Có nhiều người nói rằng, khi sức tàn lực kiệt thì họ sẽ không còn lý trí. Hành vi và cử chỉ của họ sẽ không do đại não chi phối nữa, mà là cảm xúc đang lên ngôi. Lúc ấy tình cảm, tâm trạng, thậm chí là thế giới quan của họ cũng trở nên tiêu cực, ảm đạm.

Còn một điểm khiến tôi có trải nghiệm rất sâu sắc là, nếu phải thức trắng vài đêm để tăng ca, thì cả ngày hôm sau tôi sẽ rất nóng nảy. Bình thường nếu gặp cảnh hàng hoá thiếu hụt, giao cơm muộn, giao thông tắc nghẽn, người đi đường chạy xe loạn bát nháo, tôi cũng chẳng để tâm. Nhưng khi trong người mệt mỏi đột nhiên tôi sẽ thấy khó chịu với chúng. Sau đó tôi sẽ không thể chịu đựng thêm được nữa và bắt đầu vô cớ trút giận lên người khác.

Nhưng thường thì đúng vào những lúc gian nan như vậy mới đo được khoảng cách tu dưỡng tâm tính giữa người với người. Cũng giống như leo núi: Trong nửa quãng đường đầu tiên ai nấy đều hừng hực khí thế. Chỉ tới khi sức tàn lực kiệt thì mọi tính xấu mới bộc lộ một cách không che giấu. Khoảng cách này không phải là bạn có thể leo lên tới đỉnh với tốc độ nhanh thế nào, mà là bạn về đích với tâm thái ra sao. Bởi vì trong tâm thái này chứa đựng sự tu dưỡng đã ngấm sâu vào tận xương tủy của họ.

Những người biết tu dưỡng tâm tính mới là người thực sự đáng kết giao

Ngay cả những lúc mệt mỏi họ vẫn giữ được chữ Thiện, chữ Nhẫn trong tâm, vẫn biết nghĩ tới người khác và vui vẻ nhận phần khó khăn về mình. Kỳ thực trong tâm họ hiểu Đạo nên ánh mắt của họ nhìn được xa hơn, tấm lòng của họ rộng mở hơn, nên mệt nhọc và sự vất vả tự nhiên sẽ thu nhỏ lại. Khi vật lộn với những khó khăn họ vẫn biết lấy khổ làm vui và tìm được niềm vui, ý nghĩa trong đó.

Những người tu dưỡng tốt thì dẫu thân thể kiệt quệ nhưng tinh thần họ vẫn vô cùng dẻo dai. Thậm chí họ không phải gồng mình lên để nhẫn chịu, mà chỉ đơn giản thấy rằng đối xử tốt với người khác là điều đương nhiên như Mặt Trời luôn mọc lên từ phương Đông vậy. Đa phần trong lòng họ luôn tràn ngập lòng biết ơn và trân quý từng giây phút trong cuộc sống, và hài lòng với những gì mình đang có. Họ cảm nhận được sự từ bi che chở của các vị Thần dành cho họ, cho những người xung quanh nên mới tự nguyện làm nhiều việc tốt hơn, để xứng đáng với ân điển đó. Khi ấy mệt mỏi chỉ khiến ánh hào quang tâm tính của họ càng tỏa sáng hơn mà thôi.

Xem thêm

[ad_2]