[ad_1]

Về triển vọng chính sách tiền tệ của Fed sau cuộc họp tháng 5, các quan chức Fed và giới chuyên gia kinh tế có quan điểm thiếu sự đồng nhất và rõ ràng…

Chủ tịch Fed Jerome Powell - Ảnh: Bloomberg.
Chủ tịch Fed Jerome Powell – Ảnh: Bloomberg.

Các nhà hoạch định chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có vẻ như sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong cuộc họp vào tháng tới, bỏ qua sự cảnh báo của giới phân tích về một cuộc suy thoái kinh tế có thể xảy ra và tin rằng có cần hành động thêm để chống lạm phát. Quyết tâm này được thể hiện ngay cả khi số liệu thống kê mới nhất cho thấy lạm phát toàn phần tiếp tục dịu đi.

Về triển vọng chính sách tiền tệ của Fed sau cuộc họp tháng 5, các quan chức Fed và giới chuyên gia kinh tế có quan điểm thiếu sự đồng nhất và rõ ràng.

Tuần trước, Bộ Lao động Mỹ công bố báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 cho mức tăng 0,1% so với tháng 2 và tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái. Cả hai mức tăng này đều thấp hơn so với dự báo và giảm so với mức tăng ghi nhận trong tháng 2.

KHÔNG CÓ CON ĐƯỜNG NÀO ĐỊNH SẴN CHO LÃI SUẤT

Đáng chú ý, mức tăng cả năm của lạm phát toàn phần là yếu nhất kể từ tháng 5/2021 và giảm tròn 1 điểm phần trăm so với mức tăng 6% của tháng 2. Tuy nhiên, lạm phát lõi ghi nhận sự tăng tốc nhẹ, với mức tăng 5,6% trong tháng 3 so với cùng kỳ năm ngoái sau khi tăng 5,5% trong tháng 2.

Cùng ngày, Fed công bố biên bản cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ tháng 3 cho thấy các quan chức Fed giảm kỳ vọng về mức lãi suất cực đại trong chu kỳ thắt chặt này, sau khi một loạt ngân hàng Mỹ sụp đổ gây chấn động thị trường tài chính. Tại cuộc họp đó, Fed vẫn nâng lãi suất 0,25 điểm phần trăm, đánh dấu lần nâng thứ 9 liên tiếp kể từ khi chiến dịch thắt chặt chính sách tiền tệ để chống lạm phát bắt đầu vào tháng 3 năm ngoái. Động thái nâng lãi suất diễn ra ngay cả khi các cố vấn của Fed cho rằng nền kinh tế Mỹ sẽ rơi vào một cuộc suy thoái nhẹ trong năm nay.

Cũng trong biên bản này, giới chức Fed nhất trí “việc thắt chặt thêm chính sách tiền tệ có thể là phù hợp”. Đây cũng là điều mà một số quan chức Fed khẳng định hoặc có hàm ý trong phát biểu của họ những ngày gần đây.

Biên bản cho biết các nhà hoạch định chính sách tiền tệ trong Fed nhận định rằng “những diễn biến gần đây trong hệ thống ngân hàng có thể dẫn tới điều kiện tài chính thắt chặt hơn đối với các hộ gia đình và doanh nghiệp, gây áp lực lên hoạt động kinh tế, tuyển dụng và cả lạm phát”, nhưng cũng cho rằng mức độ ảnh hưởng là điều không chắc chắn. “Trong bối cảnh như vậy, các thành viên dự họp tiếp tục dành sự chú ý lớn cho các rủi ro lạm phát”, theo biên bản cuộc họp.

Với lập trường này của Fed, cộng thêm dữ liệu lạm phát đã suy yếu nhưng còn cao hơn nhiều so với mục tiêu 2% mà Fed đề ra, giới chuyên gia kinh tế cho rằng khả năng cao Fed sẽ tiếp tục nâng lãi suất 0,25 điểm phần trăm trong cuộc họp vào đầu tháng 5.

Tuy nhiên, cách nói nước đôi của Fed trong biên bản cuộc họp tháng 3, cộng thêm phát biểu có phần trái ngược nhau của một số quan chức và những bấp bênh xung quanh ảnh hưởng của tình trạng thắt chặt chính sách tiền tệ đối với nền kinh tế, thì khó có thể cho rằng các quyết sách sắp tới của Fed sẽ đi theo một con đường định sẵn.

Trong dự báo hàng tháng đưa ra sau cuộc họp tháng 3, dự báo bình quân của các quan chức Fed là lãi suất sẽ đạt mức 5,1% trong năm nay, đồng nghĩa với việc Fed sẽ tăng lãi suất thêm một lần nữa trong tháng 5 rồi dừng ở đó.

Nhưng trong một bài phát biểu vào hôm thứ Ba tuần trước, Chủ tịch Fed Chi nhánh New York, ông John Williams cho rằng giới chức Fed vẫn còn nhiều việc phải làm để kiểm soát sự tăng giá, gợi ý Fed nên duy trì sự cứng rắn mặc cho những bất ổn gần đây trong hệ thống ngân hàng Mỹ.

GIỚI CHỨC FED: NGƯỜI CỨNG RẮN, NGƯỜI MỀM MỎNG

Ông Williams bày tỏ sự tin tưởng rằng giai đoạn tồi tệ nhất của khủng hoảng ngân hàng đã qua đi và chưa có dấu hiệu nào cho thấy một cuộc khủng hoảng tín dụng đang hình thành trên diện rộng, dù ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng còn là điều là rất khó đoán biết.

“Có vẻ như họ sẽ tăng lãi suất trong tháng 5 và sau đó dựa vào lợi ích mà sự giảm tốc trong nền kinh tế mang lại cho cuộc chiến chống lạm phát”, nhà kinh tế Derek Tang của LH Meyer/Monetary Policy Analytics nói với hãng tin Bloomberg.

Tuy nhiên, các cuộc khủng hoảng tín dụng trong lịch sử thường gây ra nhiều biến động và khó lường. Ông Tan cũng cảnh báo việc dựa vào sự thắt chặt tín dụng một cách có trật tự để kiềm chế lạm phát là một cách làm đầy rủi ro.

Trên thực tế, thị trường lãi suất tương lai đang đặt cương nghiêng về khả năng Fed sẽ thay đổi lập trường chính sách tiền tệ và bắt đầu cắt giảm lãi suất trong nửa sau của năm nay.

Trong một bài phát biểu tuần trước, bà Mary Daly, Chủ tịch Fed Chi nhánh San Francisco, nói rằng lạm phát có thể tự giảm tới mức đủ thấp mà không cần phải tăng lãi suất thêm. Bà Daly không phải là một thành viên bỏ phiếu ra quyết định chính sách tiền tệ của Fed trong năm nay, nhưng được xem là một đồng minh thân cận của Chủ tịch Fed Jerome Powell.

Trước bà Daly, Chủ tịch Fed Chi nhánh Chicago, ông Austan Goolsbee, cũng đưa nhận định tương tự, kêu gọi kiên nhẫn và thận trọng trong chính sách tiền tệ. Ông Goolsbee là một quan chức có quyền bỏ phiếu về chính sách của Fed trong năm 2023.

“Xét tới những bấp bênh đến từ những cơn gió nghịch trong hệ thống tài chính, tôi cho rằng chúng ta nên thận trọng. Chúng ta cần thu thập thêm dữ liệu và cẩn trọng để tránh tăng lãi suất quá mạnh, cho tới khi biết chắc những cơn gió ngược này sẽ làm giúp được chúng ta bao nhiêu phần việc kéo lạm phát xuống”, ông Goolsbee phát biểu tại một sự kiện do Câu lạc bộ Kinh tế Chicago tổ chức.

Trong biên bản cuộc họp của Fed, các nhà hoạch định chính sách nhấn mạnh sự cần thiết phải “linh hoạt và có nhiều lựa chọn” xét tới mức độ bấp bênh cao về ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng. “Trong bối cảnh có nhiều bấp bênh và Fed nhấn mạnh về “sự linh hoạt”, biên bản cuộc họp tháng 3 của Fed hầu như không đưa ra một định hướng nào cho thời gian tới”, chuyên gia kinh tế trưởng Stephen Stanley của Santander US Capital Markets nhận định với Bloomberg.

NHỮNG TÍN HIỆU TRÁI NGƯỢC TỪ NỀN KINH TẾ

Trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng ngân hàng, các số liệu kinh tế đưa ra từ sau cuộc họp tháng 12 của Fed đã khiến nhiều nhà hoạch định chính sách tin rằng, lãi suất cực đại của chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ này có thể phải cao hơn so với dự báo ban đầu – theo nội dung của biên bản cuộc họp tháng 3. Tại cuộc họp, một số quan chức khác nói rằng họ đã tính đến việc phải áp dụng bước nhảy lãi suất lớn hơn sau khi có những báo cáo cho thấy tiến trình lạm phát diễn ra với tốc độ đáng thất vọng…

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 16-2023 phát hành ngày 17-04-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây: 

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Mịt mờ triển vọng chính sách tiền tệ của Fed - Ảnh 1

Nguồn: https://vneconomy.vn/mit-mo-trien-vong-chinh-sach-tien-te-cua-fed.htm

[ad_2]