[ad_1]
Xu hướng toàn cầu
Đại dịch đang sắp xếp lại cách mọi người dân trên thế giới sống, làm việc và vui chơi. Các nhà đầu tư bất động sản đang tìm cách đón đầu cơ hội do sự thay đổi này mang lại. Sau năm 2020 bị kìm hãm bởi đại dịch, họ đã hào hứng rót vốn để mua lại các nhà kho phục vụ thương mại điện tử, các tòa nhà chung cư để cho thuê, hay các khách sạn và khu nghỉ dưỡng điêu đứng vì Covid-19 để chờ sự hồi sinh của ngành du lịch.
Bên cạnh đó, sự khôi phục của nền kinh tế, các chiến dịch tiêm chủng diện rộng, chi phí cho vay rẻ và lãi suất thấp trong năm 2021 cũng khiến nhà đầu tư hướng dòng vốn sang các tài sản có hiệu suất sinh lời cao hơn như bất động sản.
Tại Mỹ, tổng doanh số bán bất động sản thương mại đạt mức kỷ lục 809 tỷ USD vào năm 2021, gấp đôi so với năm 2020 và vượt qua kỷ lục 600 tỷ USD của năm 2019.
Tại Việt Nam, quy mô thị trường M&A đạt 8,8 tỷ USD trong 10 tháng đầu năm 2021, tăng 18% so với năm 2020. Trong đó, bất động sản và tài chính đạt 500 thương vụ với sự tham gia của nhiều tập đoàn bất động sản lớn như Vingroup, NovaLand.
Các nhà đầu tư dự báo số vốn đổ vào M&A bất động sản trong năm 2022 không hề chậm lại nhiều so với tốc độ tăng kỷ lục của năm ngoái. Nhu cầu về bất động sản hậu cần, bất động sản công nghiệp và trung tâm dữ liệu tiếp tục mạnh mẽ do sự thiếu hụt chuỗi cung ứng và phát triển của thương mại điện tử. Trong khi đó, các văn phòng, không gian bán lẻ, khách sạn và bất động sản nghỉ dưỡng đang gặp khó do đại dịch cũng được quan tâm bởi kỳ vọng của nhà đầu tư vào sự trở lại của du lịch trong thời gian tới.
Tuy nhiên, nguy cơ lớn nhất cho hoạt động M&A trong năm 2022 là lãi suất tăng. Chi phí đi vay cao hơn sẽ không khuyến khích, ngay cả các công ty đầu tư dồi dào tiền mặt, rót vốn một cách dễ dàng như họ đã làm vào năm 2021.
Cuộc rượt đuổi giữa nhà đầu tư trong và ngoài nước
Các nhà đầu tư trong nước đang năng động hơn trong hoạt động M&A để giải bài toán quỹ đất. Ngoài việc chủ động tìm kiếm các thương vụ M&A, họ cũng tích cực săn các quỹ đất lớn và nhỏ để đầu tư. Trong khi đó, các nhà đầu tư nước ngoài đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore tiếp tục chiếm giữ các vị trí hàng đầu trong hoạt động M&A bất động sản như họ đạt được trong vòng 15 năm trở lại đây.
Ông David Jackson, Tổng giám đốc Colliers Việt Nam dự báo, trong năm nay các doanh nghiệp trong nước nhiều khả năng vẫn tiếp tục đóng vai trò chủ lực trong M&A bất động sản nhờ am hiểu thị trường nội địa hơn so với khối ngoại. Cuộc đua về vùng ven vẫn chưa hạ nhiệt, nhất là tại các thị trường vệ tinh của các đô thị lớn và các tỉnh thành mới nổi.
M&A bất động sản tại Việt Nam cũng đang tiếp tục có những chuyển biến mạnh mẽ về mặt quy mô, loại hình, thị trường và phân khúc. Trong khoảng một thập kỷ qua, M&A chỉ tập trung vào các dự án có quy mô vừa và nhỏ trong lĩnh vực nhà ở tại các thị trường lớn như Hà Nội và Hồ Chí Minh. Còn hiện nay, M&A chuyển sang các dự án có quy mô lớn thuộc nhiều loại hình như bất động sản công nghiệp, khách sạn, bán lẻ, hậu cần và kho vận… tại nhiều tỉnh và vùng ven.
Về mặt hình thức, các thương vụ M thường được thực hiện bằng cách mua lại hoặc sáp nhập công ty sở hữu dự án. Với các bất động sản đã đi vào hoạt động, quá trình M&A khó khăn hơn do thủ tục giấy tờ và thuế khóa. Ngoài ra, các tác động của Covid-19 cũng khiến thủ tục pháp lý bị chậm lại, thậm chí ảnh hưởng đến sự thành bại của cả thương vụ và cơ hội kinh doanh của nhà đầu tư.
Về tổng thể, các chuyên gia vẫn đánh giá M&A bất động sản tại Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong năm 2022 và mang lại nhiều cơ hội cho cả bên mua và bên bán. Điều này sẽ giúp thị trường bất động sản trở nên sôi động và hấp dẫn hơn bất chấp những diễn biến phức tạp và khó lường của Covid-19.
[ad_2]