[ad_1]

Nguyên nhân dẫn đến chi phí giải phóng mặt bằng dự án cầu Rạch Miễu 2 bị “đội giá” lên gần 1.200 tỷ đồng là do sự gia tăng đột biến của giá đất ở cả hai địa phương dự án là Tiền Giang và Bến Tre…

Phối cảnh thiết kế cầu Rạch Miễu 2. Ảnh: Ban quản lý Dự án Mỹ Thuận.
Phối cảnh thiết kế cầu Rạch Miễu 2. Ảnh: Ban quản lý Dự án Mỹ Thuận.

Ban quản lý Dự án Mỹ Thuận (Ban Mỹ Thuận), đơn vị chủ đầu tư, cho biết vướng mắc lớn nhất tại dự án cầu Rạch Miễu 2 là chậm bàn giao mặt bằng, không đủ điều kiện khởi công các gói thầu và mặt bằng bàn giao không liên tục.

Dự án cầu Rạch Miễu 2 có tổng cộng 6 gói thầu; trong đó các gói XL04, XL05 và XL06 đã khởi công từ tháng 8/2022, gói XL01 đã hoàn tất thủ tục và chuẩn bị công trường, sẽ khởi công ngay trong tháng 02/2023 khi nhận được mặt bằng.

Hồi đầu tháng 02/2023, Cục quản lý Đầu tư xây dựng trực thuộc Bộ Giao thông vận tải đã thông báo, hai gói còn lại là XL02 và XL03 hiện đang trong quá trình lựa chọn nhà thầu và dự kiến sẽ khởi công trong quý 1/2023 này khi nhận được mặt bằng.

Tuy nhiên, Ban Mỹ Thuận mới đây cho biết, công tác cung cấp số liệu tổng chi phí giải phóng mặt bằng chậm. Cụ thể, đến ngày 08/02/2023 các địa phương mới cung cấp tổng chi phí giải phóng mặt bằng, ảnh hưởng đến công tác trình thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án.

Gói thầu XL01 không đủ điều kiện để thi công, kể từ tháng 3/2022 đến nay địa phương chưa bàn giao thêm mặt bằng. Các gói thầu XL04, XL05, XL06 đã được thông báo khởi công, công tác xử lý đất yếu phải gia tải chờ lún bình quân 14 tháng; tuy nhiên, cho đến nay nhiều phạm vi vẫn chưa có mặt bằng thi công hoặc mặt bằng không đủ điều kiện để thi công xử lý nền.

Dự án đầu tư xây dựng cầu Rạch Miễu 2 nối hai tỉnh Tiền Giang và Bến Tre đi các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt vào tháng 9/2021. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 5.175 tỷ đồng từ vốn ngân sách nhà nước, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng là 1.279 tỷ đồng.

Tháng 12/2022, Ban Mỹ Thuận đã kiến nghị Bộ Giao thông vận tải tiến hành điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án từ 5.175 tỷ đồng lên 6.358,82 tỷ đồng, tăng 1.183,69 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư ban đầu.

Vì vậy, Bộ Giao thông vận tải đã có văn bản yêu cầu Ban Mỹ Thuận làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân trong việc dẫn đến tổng mức đầu tư dự án cầu Rạch Miễu 2 tăng 1.183 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư ban đầu.

Báo cáo chi tiết về việc tăng chi phí làm đội vốn dự án, đại diện hai địa phương Tiền Giang và Bến Tre cho rằng phần tăng nhiều nhất là công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Cụ thể, tính đến thời điểm này, chi phí giải phóng mặt bằng phía Tiền Giang tăng thêm 827 tỷ đồng và phía Bến Tre tăng thêm 355 tỷ đồng. Điều này được lý giải là do áp dụng giá đất, hệ số điều chỉnh giá đất tại thời điểm lập phương án bồi thường tăng từ 6 đến 20 lần.

Tập trung thiết bị trên các phạm vi đã được bàn giao mặt bằng để triển khai thi công.
Tập trung thiết bị trên các phạm vi đã được bàn giao mặt bằng để triển khai thi công.

Sở Tài nguyên và Môi trường Tiền Giang cũng cho biết thêm, hiện trạng vị trí các thửa đất thu hồi, diện tích và loại đất, nhất là đất thổ cư, hiện có thay đổi. Nhiều thửa đất có vị trí trước đây không tiếp giáp với đường giao thông nhưng nay có tiếp giáp đường giao thông do quá trình phát triển, thực hiện xây dựng nông thôn mới.

Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Bến Tre cũng cho biết giá đất tại địa phương hiện có đơn giá và hệ số tăng từ 6 – 20 lần. Cụ thể, thời điểm bắt đầu áp giá đền bù của dự án, tỉnh đã đầu tư các dự án hạ tầng lớn như Quảng trường trung tâm tỉnh, các tuyến đường huyết mạch,… khiến giá đất cũng tăng vọt lên.

Ngoài ra, chi phí xây dựng, thiết bị cũng tăng gần 542 tỷ đồng do biến động giá vật liệu xây dựng ảnh hưởng đến giá dự toán và giá trị gói thầu của các gói thầu xây lắp, giá các vật liệu đá, sắt thép tăng khoảng 15 – 20%, giá xi măng tăng từ 10 – 12% so với thời điểm lập dự án đầu tư.

Được biết, Ban Mỹ Thuận đã bàn giao cọc giải phóng mặt bằng cho hai tỉnh Tiền Giang và Bến Tre từ ngày 31/12/2021 để các địa phương triển khai công tác giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, đến nay phía Bến Tre bàn giao được 7,38/9,65 km (đạt 80%) tron khi phía Tiền Giang mới bàn giao được 2,18 km/7,95 km (đạt 27,42%).

Mới đây, ngày 15/02/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác đã đến kiểm tra công tác thi công dự án cầu Rạch Miễu 2. Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Giao thông vận tải và các cơ quan liên quan tiến hành thanh tra, kiểm tra, rà soát, chấn chỉnh công tác thực hiện các gói thầu tư vấn và đấu thầu, đấu giá bảo đảm đúng quy định, cạnh tranh lành mạnh, công khai, minh bạch, phòng chống tiêu cực, thông thầu, bán thầu, “quân xanh”, “quân đỏ”…

 

Cầu Rạch Miễu 2 được xây dựng tại vị trí cách cầu Rạch Miễu hiện hữu khoảng 3,8 km về phía thượng lưu. Dự án có điểm đầu tại ngã tư Đồng Tâm, ở nút giao quốc lộ 1 với đường tỉnh 870, thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang; điểm cuối kết nối với quốc lộ 60 tại đường dẫn cầu Hàm Luông, thuộc TP.Bến Tre, tỉnh Bến Tre.

Chiều dài toàn tuyến khoảng 17,6 km (chiều dài các cầu dẫn khoảng 2 km, rộng 20,5 m; cầu vượt luồng chính sông Tiền được thiết kế cầu dây văng nhịp chính dài 270 m, mặt cầu rộng 17,5 m). Quy mô 6 làn xe (4 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ); vận tốc thiết kế 80 km/h.

#box1677151740466{background-color:#b9dabc}

Nguồn: https://vneconomy.vn/ly-do-chi-phi-giai-phong-mat-bang-du-an-cau-rach-mieu-2-tang-cao.htm

[ad_2]