[ad_1]

Lưu Bị khi còn sống để lại 3 câu nói, câu thứ 2 đến nay được coi như là chuẩn tắc
Ảnh: Kienthuc

Vào cuối thời nhà Hán và thời Tam Quốc, quần hùng tranh giành Trung nguyên, Lưu Bị tuy là tôn thất nhà Hán, hậu duệ của Hán Trung Sơn Tĩnh Vương Lưu Thắng, nhưng gia đạo sa sút, cuối cùng lại trở thành quân vương khai sáng đại nghiệp Thục Hán. Ông là người khiêm tốn nhã nhặn, chiêu hiền đãi sĩ, khoan dung độ lượng, chí hướng cao xa, biết dùng người, được thế nhân ca tụng về lòng nhân từ và đức độ.

Lưu Bị không chỉ để lại cơ nghiệp to lớn, mà còn lưu lại cho hậu nhân những trí tuệ nhân sinh quý báu. Lưu Bị đã để lại 3 câu danh ngôn vẫn còn được truyền tụng đến ngày nay, cũng có thể nói là những câu kinh điển.

Câu thứ nhất: “Khuất thân thủ phân dĩ đãi thiên thì, bất khả dữ mệnh tranh dã”. Nghĩa là: Hạ mình giữ phận mà đợi thiên thời, không thể tranh giành cùng số phận.

Từ câu nói của Lưu Bị, chúng ta có thể biết rằng, Lưu Bị trong giai đoạn khó khăn vẫn ôm chí lớn, cả đời Lưu Bị có nhiều lần gây dựng sự nghiệp và nhiều lần gặp phải thất bại. Ông cũng nhiều lần đi cùng với những người bất đồng với mình, ví dụ như Công Tôn Toản, Tào Tháo, Lưu Biểu, Lã Bố. Họ đều từng là lãnh đạo của Lưu Bị. Nhưng cho dù gặp bao nhiêu thất bại hay phiền muộn, Lưu Bị chưa từng buông bỏ khát vọng của mình.

Cuối cùng, Lưu Bị đã lấy được căn cứ địa Thục Xuyên với sự trợ giúp của Gia Cát Lượng, Ngũ hổ tướng cùng với các võ tướng và công thần khác, và cũng tiến thêm một bước nữa đặt định bá nghiệp của Thục Hán. “Tam Quốc diễn nghĩa” chép: Lã Bố được Trần Cung hiến kế mời Huyền Đức trở về Tiểu Bái, làm vây cánh của mình, chuẩn bị cho việc đại hỉ. Khi vào thấy Lã Bố bái tạ, Quan Vũ, Vân Trường trong tâm bất bình, Huyền Đức nói: “Hạ mình giữ phận mà đợi thiên thời, không thể tranh giành cùng số phận”. Từ câu nói này chúng ta có thể thấy, Lưu Bị biết ẩn nhẫn, biết chờ thời cơ, xử sự mềm mỏng, như vậy mới đạt được thành công trong cuộc sống.

Lưu Bị muốn nói với chúng ta rằng, muốn thành công, tất phải dũng cảm và kiên trì, biết ẩn nhẫn, cho dù gặp phải khó khăn lớn thế nào cũng không được từ bỏ.

Câu thứ hai: Không mong sinh cùng ngày cùng tháng cùng năm, nhưng nguyện chết cùng ngày cùng tháng cùng năm!

Câu cách ngôn nổi tiếng này của Lưu Bị đã được người đời sau sử dụng cho đến ngày nay. Trong các bộ phim truyền hình chúng ta thường xuyên nghe thấy câu này. Có thể nói cả đời Lưu Bị, hai người anh em kết nghĩa Quan Vũ và Trương Phi đã giúp đỡ ông rất nhiều, cũng chính vì câu nói của Lưu Bị khiến Quan Vũ và Trương Phi vô cùng cảm động, nên hai người trước sau luôn trung thành với Lưu Bị.

Ví như khi Quan Vũ ở chỗ Tào Tháo, mặc dù Tào Tháo hứa hẹn quan to lộc hậu, lại đem con ngựa xích thố của Lã Bố tặng cho ông. Trong khi lúc đó Lưu Bị đang rơi vào tình cảnh rất thê thảm, vậy nhưng Quan Vũ vẫn thân tại Tào doanh tâm tại Hán. Hay như lúc quân Tào Tháo truy sát khiến Lưu Bị phải vội vàng bỏ chạy, Trương Phi xả thân bảo vệ cho Lưu Bị chạy, chỉ một thân một mình chống lại cường địch.

Câu này đã trở thành chuẩn tắc kết nghĩa huynh đệ cho hậu thế, thể hiện ý chí và tình cảm sâu nặng sống chết có nhau.

Lưu Bị nói với chúng ta, tình cảm huynh đệ rất quan trọng, chỉ có người trọng tình trọng nghĩa thì mới được người khác tôn trọng và đối xử thật lòng.

Câu thứ ba: Chớ thấy điều ác nhỏ mà làm, chớ thấy điều thiện nhỏ mà không làm.

Đây là lời Lưu Bị đã nói với Lưu Thiện trước khi lâm chung, mục đích Lưu Bị lưu lại câu nói này chính là muốn nói với Lưu Thiện, làm một vị quân vương, thì làm việc tốt nên bắt đầu từ việc nhỏ, tích tiểu thành đại, sau có thể thành đại sự; việc xấu phải đề phòng từ việc nhỏ, nếu không thì gom ít thành nhiều, sẽ làm hỏng việc đại sự.

Vì vậy, không nên vì việc tốt nhỏ mà không làm, càng không thể vì việc xấu nhỏ mà làm. Và câu nói này cũng trở thành câu cách ngôn nổi tiếng trong giáo dục gia đình, các bậc cha mẹ cũng thường dùng câu nói này của Lưu Bị để dạy dỗ con cái.

Ba câu cách ngôn nổi tiếng của Lưu Bị đã để lại cho thế hệ sau rất nhiều suy ngẫm, cũng giúp người đời sau học được trí tuệ nhân sinh to lớn.

Tiểu Phàm biên dịch
Theo: Đường Đông Bách – Aboluowang

Xem thêm

[ad_2]