[ad_1]

Từ dạo bước chân vào làm homestay dù quy mô nhỏ xíu, mọi người vẫn mặc định tôi đang kinh doanh và thường hỏi về lợi nhuận. Đã là lợi nhuận thì nhất định câu trả lời phải bằng những con số, mọi câu trả lời khác được đánh giá thuộc dạng né tránh hoặc “lạc đề”. Tôi vẫn thường bị lạc đề ở câu hỏi này. Vì với tôi, lợi nhuận từ ngôi nhà của mình đôi khi không chỉ đong đếm bằng tiền.

Khu vườn và những ngọn gió

Vào một buổi chiều cuối năm, Leah – vị khách duy nhất ở home cũng đang gói ghém hành lý để rời đi. Có thể, cô sẽ phải về nước hẳn vì hết hạn visa. Leah cũng buồn như tôi vậy. Lâu nay, chúng tôi đã không còn giữ mối quan hệ chủ – khách. Tôi có cảm giác mình đã nắm trong tay những chuyện vui buồn của cô từ thuở đi học mẫu giáo đến lúc bỏ túi năm bảy mối tình. Leah cũng từng chứng kiến những lần “lầy lội” và cả bao lần bật khóc của chúng tôi. Ở cùng nhà hơn 8 tháng đâu phải ngắn, huống chi đó là những tháng ngày kẹp giữa dịch dã với bao trải nghiệm khó quên.

Tôi tự nhủ, mình làm homestay mà, khách đến rồi lại đi. Như ngày đầu, tôi đã liên tưởng đến những cơn gió ở thành phố Ban Mê này và đặt tên cho home của mình là Windy Garden – Vườn Gió. Gió cũng giống những vị khách, đi lang thang qua bao vùng đất. Còn khu vườn và ngôi nhà này ở lại, để đón gió trong một vài lần dừng chân nghỉ ngơi. Dường như luật hấp dẫn đã “hút” vào nơi này những “ngọn gió” với đầy tử tế và yêu thương.

Oppa Young Ho mới nhắn cho chúng tôi biết sẽ về “thăm nhà” khi Việt Nam mở cửa đón khách quốc tế. Tôi vui khi ông gọi home của chúng tôi là nhà. Oppa không có ngôi nhà nào cố định, ông là một nhà văn, đi, ngẫm và viết. Vào một ngày cuối năm 2019, ông xuất hiện cùng con xe không thể “cà tàng” hơn trước cổng homestay.

Ông kể, ông mua chiếc xe với giá 2 triệu đồng của một thanh niên ngoại quốc ở Đà Nẵng. Chiếc xe số cũ mèm, chạy một lúc máy móc đã kêu lọc cọc như muốn rớt ra ngoài. Đó là lý do ông mất 7 ngày để vượt qua đoạn đường hơn 500km từ Đà Nẵng tới Buôn Mê, vừa đi vừa cắm trại. Dù mệt nhọc, nhưng ông tận hưởng chuyến đi ấy cũng như cởi mở, đón nhận lòng tốt, sự chia sẻ của những người Việt gặp trên đường. Ông thêm yêu Việt Nam từ những con người chất phác, hồn nhiên đó.

Hình ảnh Windy Garden – Vườn Gió

Oppa ở home 10 ngày. Đúng đợt đó, chúng tôi gặp một biến cố đau buồn. Và vì sự chia sẻ của ông, tôi thấy mình được an ủi và ấm áp của tình thân. Khi rời Việt Nam và quay về nước, Oppa gửi lại chiếc xe máy “cà tàng” ở home để thỉnh thoảng, ông “lấy cớ” bay qua Việt Nam. Cũng có lần, ông quay về khi mặt mũi buồn bã và mái tóc bỗng hóa muối tiêu sau khi cha mất, ông muốn tìm cảm giác an ủi ở một gia đình thứ hai.

Không biết khái niệm homestay của mọi người như thế nào? Với tôi, homestay phải có yếu tố “home” và yếu tố “stay” trong đó. Home không chỉ là mái nhà, một nơi nghỉ ngơi, những bữa ăn ấm nóng mà phải có không khí gia đình. Đã là gia đình thì cần gì phải quá tính toán thiệt hơn. “You come as a guest, you leave as a friend” (bạn đến như một vị khách và đi như một người bạn) – anh Matthias viết tặng chúng tôi sau khi rời home. Cũng như các vị khách khác, nhiều hôm chúng tôi ngồi với nhau đến khuya để trò chuyện như những người bạn.

Thỉnh thoảng, có thời gian, tôi ngồi đọc lại review và nhớ rõ gương mặt từng vị khách. Chúng tôi vẫn giữ liên lạc và dõi theo nhau. Tôi thấy vui với ý nghĩ, một địa danh, đất nước nào đó không còn là cái tên xa lạ nằm trên bản đồ. Nó hóa ra gần gủi khi mình có một vài người bạn, để quan tâm và kể cho nhau nghe những câu chuyện thường ngày nơi họ sống.

Xoay xở

Khoảng thời gian làm home là khoảng thời gian tôi nhận được nhiều năng lượng tích cực, sống những ngày nhiều màu sắc và đầy tươi vui. Tôi nhận ra, làm homestay lời nhiều chứ. Không chỉ tiền mà còn yêu thương, kiến thức không thể tìm đâu trên sách vở. Biết vậy, nhưng với đợt dịch dai dẳng, tôi cũng chẳng biết mình còn vững vàng trong vai “vườn” được đến lúc nào, khi lâu nay thiếu vắng những cơn “gió”.

Tôi theo dõi báo đài, thấy tình hình các homestay, cơ sở lưu trú trong thời gian này chẳng khá khẩm gì hơn mình. Nhiều nơi phải đóng cửa, trả mặt bằng. Homestay nhỏ càng dễ bị tác động bởi đại dịch. Thỉnh thoảng chúng tôi vẫn hay nói đùa: “Có câu thuyền to thì sóng lớn. Thuyền của mình nhỏ, hay là mình chìm luôn cho nhanh!” Đùa nhưng thực ra cũng chẳng vui. Dịch kéo dài đã hơn 2 năm, home chúng tôi cũng im ỉm từng ấy thời gian. Có dạo, để vớt vát, tôi để khách ở theo tháng. Giá thuê chỉ bằng giá phòng trọ, đủ trả chi phí điện nước. Leah – vị khách người Phillippines cũng là một trong số đó.

May mắn hơn một số home, thời điểm bắt đầu, chúng tôi “liệu cơm gắp mắm”, dựng nhà với quy mô và kinh phí nhỏ. Do không phải thuê mặt bằng, không vay ngân hàng nên không có áp lực phải trả lãi hay tiền nhà hàng tháng. Tuy nhiên, ngôi nhà làm bằng gỗ, lâu ngày chẳng có người ở, trải qua mưa nắng cũng xuống cấp trầm trọng. Doanh thu gần như bằng không, chi phí bảo trì cũng trở thành khó, chưa nói tới thu nhập để nuôi sống mình. Chính vì vậy, khoảng thời gian dịch dã, chúng tôi phải xoay trở, nhận việc làm từ xa để trang trải. Bất kể công việc nào chúng tôi có thể làm cho home đều tự thực hiện để giảm tối đa chi phí.

Dù vậy, việc đóng cửa hàng năm trời ròng rã với khiến chúng tôi phải nghĩ đến phương án chuyển đổi mô hình kinh doanh thực tế hơn và sáng sủa với tình hình hiện tại. Ngành du lịch chắc phải mất thêm một thời gian nữa mới có thể phục hồi. Đến lúc mở cửa, ngôi nhà chúng tôi cũng không chắc đủ tiềm lực đón khách trở lại.

Thứ duy nhất khiến tôi phân vân, chưa muốn trả giấy phép kinh doanh có lẽ là tình cảm, tâm sức dành cho nơi này. Chúng tôi đã vượt qua bao lần “lên bờ xuống ruộng” thuở còn thuê mặt bằng, rồi dốc hết tâm sức tìm đất dựng nhà, chinh phục những vị khách khó tính… Đã vượt qua ít nhiều khó khăn, quyết định nói lời tạm biệt lại trở thành cửa ải khó khăn nhất. Nên chúng tôi vẫn đang chờ đợi, và ngập ngừng.

Những bài học xương máu

Dù bị tác động bởi nhiều yếu tố bên ngoài, vượt khỏi tầm kiểm soát, nhưng việc kinh doanh không hiệu quả khiến tôi nhận ra mình non nớt. Nếu có kinh nghiệm hơn, tôi có thể đã tránh được những chật vật không đáng có.

Thời gian đầu, khi các homestay ở thành phố Buôn Ma Thuột còn có thể đếm trên đầu ngón tay, chúng tôi quyết định tìm kiếm mặt bằng và mở home. Nơi chúng tôi thuê có vị trí gần sân bay, có sân vườn khá đẹp và yên tĩnh. Quy mô nhỏ nhưng việc kinh doanh thời điểm đó khá hiệu quả.

Tác giả (ở giữa) cùng những vị khách chụp hình kỷ niệm

Sau một năm, chúng tôi có ý định mở rộng phòng ốc. Vừa bàn bạc với chủ nhà thì ít hôm, anh chủ bỗng ngỏ ý muốn… bán nhà cho chúng tôi hoặc lấy lại nhà. Chúng tôi vô cùng sốc và hụt hẫng. Tôi không thể mua lại ngôi nhà đó nên phải tìm một chỗ mới. Công việc tìm đất, xây dựng, dọn dẹp và trang trí gần như khiến chúng tôi kiệt sức như bắt đầu lại hoàn toàn.

Người ta nói “ba lần chuyển nhà bằng một lần cháy nhà”. Lần chuyển home này, không những phải đóng cửa home một thời gian cho việc ổn định chỗ mới, chúng tôi buộc phải đóng cả tài khoản trên các trang bán phòng để thành lập một tài khoản khác. Đồng thời, hình ảnh phòng ốc, nhà cửa trên Fanpage cũng phải thay đổi. Gần như, home của chúng tôi trở thành một nơi “sinh sau đẻ muộn”. Trong khi đó, tài khoản cũ trên trang Booking.com đã được đánh giá 9,7/10 điểm. Đó là nền tảng, cơ sở để thu hút khách đặt phòng.

Bắt đầu kinh doanh lại tại một địa chỉ mới, với một tài khoản mới, chưa có đánh giá nào trở thành một vấn đề lớn với người làm homestay. Tôi chợt nhận ra mình đã quá khinh xuất khi ký hợp đồng thuê nhà mà không đưa ra điều khoản đền bù chính đáng nếu bị lấy lại nhà trước thời hạn. Số tiền đền bù của chủ nhà quá nhỏ, không thể nào so được những thiệt hại nặng nề mà chúng tôi phải chịu.

Đến khi dựng home trên đất của mình, tôi vẫn mắc phải những sai lầm do thiếu hiểu biết về xây dựng. Với mong ước làm nên một ngôi nhà gỗ bên suối, tôi chọn phương án thi công nhà khung sắt ốp pallet gỗ thông. Theo tính toán ban đầu, chi phí cho phương án này khá tốt và có giá trị thẩm mỹ cao. Tuy nhiên, chỉ sau hơn một năm nhà hoàn thiện, ngôi nhà đã xuống cấp trầm trọng. Phần gỗ ốp kém chất lượng bị mối mọt, mục gãy. Việc cải tạo, bảo trì hàng năm vô cùng tốn kém. Thay vì ham đẹp, ham rẻ, lẽ ra chúng tôi nên làm nhà một cách chắc chắn với các vật liệu bền vững hơn.

Mong ước của một homestay nhỏ xíu

Trong thời gian home hoạt động, nhiều lần, tôi gặp vài vị khách người Việt tỏ ra không hài lòng khi vừa đặt chân đến homestay của mình. Lý do là home của tôi nhỏ và trông giống một ngôi nhà hơn là một nơi check in, giải trí.

Khái niệm homestay của nhiều người Việt trái ngược với khách nước ngoài. Khách Việt đa phần nghĩ rằng homestay phải được đầu tư hoành tráng, nhiều phòng ốc cũng như có nhiều tiểu cảnh để chụp hình, có những dịch vụ tận răng. Thông thường, với những vị khách có quan niệm đó, chúng tôi gợi ý cho họ chọn một nơi khác phù hợp hơn. Riêng về phía mình, tôi vẫn giữ vững yếu tố “gia đình” trong định nghĩa homestay, sẵn sàng nấu những món ăn địa phương để mời khách cũng như đưa họ đi xung quanh, vào nhà dân để trải nghiệm văn hóa bản địa.

Dù làm nhỏ hay quy mô, nhưng đã đăng ký kinh doanh dịch vụ lưu trú – ngành nghề kinh doanh có điều kiện, chúng tôi buộc phải hoàn thiện rất nhiều giấy tờ thủ tục cho lĩnh vực này. Mỗi giấy chứng nhận đều cần nộp xấp hồ sơ cồng kềnh, chạy đi chạy lại có khi cả chục lần mới hoàn thiện một chứng chỉ. Thủ tục kinh doanh phức tạp chẳng khác nào một khách sạn quy mô lớn. Tôi tự nhủ, nếu như một người lớn tuổi hay một người ít tiếp xúc với thủ tục hành chính thì đăng ký làm homestay sẽ khó khăn biết nhường nào.

Cũng như nhiều homestay nhỏ khác, tôi mong ước được tạo điều kiện về thủ tục giấy tờ để cùng làm du lịch. Người dân địa phương đã có sẵn nhà, có sự hiểu biết về vùng đất từng sống “thâm canh cố đế” chắc chắc đủ sức tạo ra một nơi lý tưởng cho người muốn trải nghiệm văn hóa – gần gũi và không cần dàn dựng. Cùng với đó, quản lý cho hình thức kinh doanh lưu trú nên được phân loại theo quy mô cơ sở, không nên đánh đồng. Ví dụ các home dạng local house nên được tạo điều kiện để giản lược thủ tục hành chính, chịu sự quản lý trực tiếp và chặt chẽ của chính quyền địa phương là đủ.

Thực tế, với những vị khách nước ngoài mà tôi từng đón tiếp, hầu hết họ đều mong muốn được sống trong homestay của một người địa phương đích thực để trải nghiệm văn hóa, phong tục và ẩm thực đặc trưng. “Phượt” ở Việt Nam mà không một lần cầm đũa ăn chung mâm cơm với người Việt, không học vài câu tiếng Việt hay trải nghiệm cuộc sống bình dị cùng nông dân thì có phần thiếu sót. Với họ, chính những người dân chất phác, tốt bụng là những người lan tỏa được hình ảnh người Việt Nam chân thực nhất.

Năm nay có lẽ là một năm với nhiều nốt trầm buồn, của đau thương và thất bát. Thêm một chút chật vật, thêm một chút gian nan với bất cứ ai đều là chuyện thường. Nhưng cuộc sống kiểu gì chẳng phải quay về quỹ đạo của nó, mọi người sẽ lại hào hứng với hành trình mới, trải nghiệm mới. Tôi vẫn mong, ngôi nhà, khu vườn của mình đủ kiên nhẫn, để chờ đợi và trở thành một phần trong chuyến đi của những ngọn gió lang thang.

[ad_2]