[ad_1]

Sản lượng vận tải hành khách công cộng của xe buýt Thủ đô dù tăng gần 70% so với năm trước nhưng tốc độ hồi phục còn chậm, chưa đạt được như kỳ vọng dù hàng năm được mở rộng mạng lưới, đầu tư và trợ giá hàng nghìn tỷ đồng…

Để vận tải hành khách công cộng đáp ứng 30-35% nhu cầu đi lại của người dân tới năm 2025 là mục tiêu vô cùng thách thức.
Để vận tải hành khách công cộng đáp ứng 30-35% nhu cầu đi lại của người dân tới năm 2025 là mục tiêu vô cùng thách thức.

Thông tin tại buổi đối thoại với các doanh nghiệp về giải pháp cải thiện chất lượng dịch vụ và nâng cao sản lượng vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt do Sở Giao thông vận tải TP. Hà Nội vừa tổ chức, lãnh đạo Trung tâm quản lý giao thông công cộng TP. Hà Nội, cho biết sản lượng vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt năm 2022 bước đầu có dấu hiệu phục hồi sau hơn 2 năm chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19.

Theo đó, sản lượng vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt năm 2022 đạt 340 triệu lượt hành khách, tăng 67,7% so với con số thực hiện năm 2021. Trong đó, buýt trợ giá đạt 334 triệu lượt hành khách, tăng 72% so với thực hiện cùng kỳ 2021.

MẠNG LƯỚI RỘNG KHẮP, HẠ TẦNG XE BUÝT TỪNG BƯỚC ĐỔI THAY

Cũng theo thống kê từ Trung tâm quản lý giao thông công cộng TP. Hà Nội, tính đến hết năm 2022, mạng lưới vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn thành phố gồm 154 tuyến. Trong đó, có 132 tuyến buýt trợ giá, 8 tuyến buýt không trợ giá, 12 tuyến buýt kế cận và 2 tuyến city tour.

Hiện mạng lưới xe buýt tiếp cận đến 30/30 quận, huyện, thị xã đạt 100%; 512/579 số xã, phường thị trấn, đạt 88,4%, 65/75 bệnh viện đạt 87%, 192/286 các trường đại học, cao đẳng, trung học phổ thông đạt 67%, 27/27 các khu công nghiệp lớn đạt 100%, 33/37 các khu đô thị đạt 89,2%, 23/24 làng nghề đạt 95,8%, 23/25 khu di tích lịch sử văn hoá khu du lịch đạt 92%.

Đáng chú ý, đến nay mạng lưới xe buýt cũng kết nối với 7 tỉnh thành lân cận gồm: Hưng Yên, Hà Nam, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Hòa Bình, Vĩnh Phúc.

Cùng với đó, năng lực cung ứng và chất lượng dịch vụ của xe buýt tiếp tục được cải thiện, mạng lưới tiếp tục được tăng cường, mở rộng với việc đưa vào hoạt động thêm 11 tuyến buýt mở mới, mở rộng vùng phục vụ thêm 2 xã gồm Duyên Thái (Thường Tín) và Phú Sơn (Ba Vì).

 

Năm 2022, Hà Nội cũng đầu tư và thay mới 217 xe buýt đối với 25 tuyến, đưa thêm 97 xe buýt điện và 37 xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch CNG vào hoạt động nâng tổng số xe buýt sử dụng năng lượng sạch lên 276 xe, chiếm 13,6%.

Hạ tầng xe buýt tiếp tục được quan tâm và đầu tư phát triển, trong năm đã phát triển mới 163 điểm dừng, 14 bảng thông tin thông tin, hợp lý hóa 26 điểm dừng, thực hiện trên 1.500 lượt duy tu duy trì, bổ sung bảng thông tin, biển báo.

Hệ thống hạ tầng xe buýt trên địa bàn thành phố đến nay bao gồm 4.405 điểm dừng, 351 nhà chờ, 5 điểm trung chuyển, 127 điểm đầu cuối và 12,9 km đường dành riêng cho xe buýt, gồm 12,6km làn đường dành riêng cho xe BRT và 0,3km làn đường dành riêng cho xe buýt trên đường Yên Phụ. Từ đó, góp phần cải thiện chất lượng phục vụ của mạng lưới, đảm bảo an toàn cho phương tiện và hành khách.

VÌ SAO TỶ LỆ VẬN TẢI HÀNH KHÁCH CÔNG CỘNG CHƯA ĐẠT MỤC TIÊU?

Bên cạnh những thành tích đã đạt được, Trung tâm quản lý giao thông công cộng TP. Hà Nội, cho biết sản lượng vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt chưa đạt được như kỳ vọng, dẫn đến chỉ tiêu tỷ lệ vận tải hành khách công cộng năm 2022 chỉ đạt 18,5%, không đạt so với kế hoạch đề ra là từ 21,5 – 23%.

Cũng trong năm 2022, đa số các doanh nghiệp vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt gặp khó khăn, có những doanh nghiệp không trụ vững được khi năm vừa qua, doanh nghiệp tư nhân đầu tiên thực hiện xã hội hóa dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt theo chủ trương của Hà Nội từ năm 2005 xin bỏ loạt tuyến buýt do mất khả năng trả nợ ngân hàng, hoạt động kinh doanh bết bát.

Cùng với đó, hoạt động của xe buýt vẫn thường xuyên chịu ảnh hưởng do tình trạng ùn tắc giao thông, đặc biệt trong khung giờ cao điểm.

Đến hết năm 2022 vẫn còn tới 31 điểm ùn tắc chưa được xử lý. Ghi nhận trong năm 2022 đã có tới 5.046 lượt xe bỏ do tắc đường, chiếm 0,08%. Thời gian chuyến đi của hành khách chưa được đảm bảo do xe buýt vẫn phải vận hành chung với dòng giao thông hỗn hợp, chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khách quan trên đường.

 

Theo thống kê, trong năm 2022, có trên 72.000 lượt (1,2%) phải điều chỉnh lộ trình, trên 576.000 lượt (9,4%) xuất bến muộn so với biểu đồ; mức độ an toàn trong vận hành đôi lúc chưa được đảm bảo, đặc biệt trong các trường hợp xe muộn giờ. Bên cạnh đó, chất lượng dịch vụ xe buýt chưa được đảm bảo, chưa đủ hấp hẫn với số đông hành khách.

Hiện vẫn còn một số ít các phương tiện hiện đã cũ, chất lượng thấp; hạ tầng phục vụ cho xe buýt vẫn còn thiếu và chưa đảm bảo theo quy hoạch.

Đáng quan ngại, mức độ thân thiện, thái độ ứng xử của một bộ phận lái xe, nhân viên phục vụ còn chưa đúng mực gây ra những thiện cảm không tốt khi năm 2022 có 393 cuộc gọi tới đường dây nóng của trung tâm, tương ứng 9,7% phản ánh về thái độ phục vụ của lái xe và nhân viên phục vụ.

Còn theo đánh giá từ phía “ông trùm” xe buýt Transerco (Tổng Công ty Vận tải Hà Nội), hạ tầng xe buýt là yếu tố hết sức quan trọng gây ảnh hưởng đến sản lượng xe buýt.

Tuy nhiên, hiện điều kiện hạ tầng giao thông phục vụ cho việc tiếp cận của hành khách đối với xe buýt hiện nay còn chưa được đảm bảo. Một số đoạn tuyến không có vỉa hè để lắp đặt điểm dừng, một số đoạn tuyến chiều rộng vỉa hè không đảm bảo để lắp nhà chờ, tính ổn định của hạ tầng không được đảm bảo.

Thậm chí, một số nơi hạ tầng xe buýt còn thường xuyên bị xâm phạm làm địa điểm bán hàng rong, điểm đỗ xe… ảnh hưởng không nhỏ đến công tác vận hành của xe buýt và an toàn của hành khách khi đi xe. Ùn tắc giao thông cũng đang là nguyên nhân lớn khiến người dân quay lưng với xe buýt.

Chia sẻ khó khăn sau đại dịch, Transerco cho biết thêm hiện doanh nghiệp gặp khó khăn về lao động cũng như chất lượng lao động, Chất lượng phương tiện xuống cấp nhưng đang được tập trung cải thiện.

SẢN LƯỢNG HÀNH KHÁCH LÀ SỐNG CÒN

Để nâng cao chất lượng dịch vụ xe buýt, lãnh đạo Transerco kiến nghị cần có lực lượng liên ngành để đảm bảo điểm dừng đỗ để khách tiếp cận an toàn, thuận tiện hơn.

Transerco cũng đề nghị Sở Giao thông vận tải thành lập một ban kiểm soát gồm cả thanh tra giao thông, chính quyền địa phương… như Ban chỉ đạo 197 chuyên đi kiểm soát các hành vi vi phạm hạ tầng của xe buýt. Ban chỉ đạo 197 là một tổ chức liên ngành đã giúp UBND TP. Hà Nội xây dựng và triển khai kế hoạch về công tác đảm bảo trật tự, trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị, kiên quyết xóa bỏ các điểm hè phố, lòng đường bị chiếm dụng trái phép để làm nơi kinh doanh buôn bán…

 

“Để nâng cao sản lượng hành khách công cộng bằng xe buýt, cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp khác nhau như: tổ chức làn đường dành riêng cho xe buýt, đầu tư hệ thống điểm trung chuyển, đầu tư hệ thống vé điện tử, hệ thống giao thông thông minh…”, ông Thái Hồ Phương, Phó giám đốc Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng Hà Nội kiến nghị.

Còn về vấn đề luồng tuyến xe buýt, Phó giám đốc Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng Hà Nội Thái Hồ Phương cho rằng cần sớm triển khai việc thuê đơn vị tư vấn đánh giá tổng thể hiệu quả mạng lưới các tuyến xe buýt làm cơ sở đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ và sản lượng vận tải hành khách công cộng trên địa bàn thành phố hiện đã được UBND TP. Hà Nội chấp thuận về chủ trương.

Ghi nhận ý kiến của các đơn vị và nhấn mạnh sản lượng là vấn đề sống còn của vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội Nguyễn Phi Thường, cho rằng nhiệm vụ tới đây phải xây dựng được bộ tiêu chí hiệu quả tuyến dựa trên sản lượng, doanh thu, trợ giá.

Trên cơ sở đó, thành phố sẽ xem xét dừng hoạt động các tuyến buýt không hiệu quả, không thể để tình trạng có tuyến trợ giá 95-96% bởi đây là lãng phí, sử dụng không hiệu quả ngân sách.

Sở Giao thông vận tải Hà Nội sẽ giao Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP. Hà Nội khẩn trương rà soát, đánh giá lại hiệu quả từng tuyến, tái cấu trúc để nâng cao hiệu quả, tăng tính kết nối với đường sắt đô thị.

Ngoài ra, lãnh đạo Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho rằng cần tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng ứng dụng xe buýt dùng chung với đầy đủ dữ liệu của toàn bộ mạng lưới buýt. Thông qua ứng dụng, người dân có thể đánh giá chất lượng từng phương tiện, chuyến đi để phân loại, cải thiện chất lượng dịch vụ.

Nguồn: https://vneconomy.vn/lo-hanh-khach-quay-lung-ha-noi-tim-cach-nang-cao-chat-luong-xoa-bo-tuyen-buyt-khong-hieu-qua.htm

[ad_2]