[ad_1]

Hơn 8.000 đăng ký nhãn hiệu liên quan metaverse từ hơn 1.000 công ty trong nhiều lĩnh vực khi vũ trụ ảo trở thành cơn sốt mới ở Trung Quốc.

Metaverse đang trở thành từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất trên mạng xã hội Trung Quốc với hơn 570 triệu lượt đọc và hơn 300 nghìn lượt thảo luận. Sau khi khái niệm này trở nên phổ biến, các công ty trong nhiều lĩnh vực đã lần lượt nộp đơn đăng ký nhãn hiệu liên quan để chuẩn bị cho làn sóng công nghệ mới.

NetEase, một trong những công ty Internet nổi tiếng, vừa nộp đơn đăng ký 26 từ khóa gắn với metaverse, như “triển lãm metaverse”, “hành tinh metaverse”… và nhiều tên gọi khác đang chờ được duyệt. Dữ liệu từ Tianyan Check đến ngày 19/12 cho thấy có 8.543 lượt đăng ký thương hiệu về “metaverse” từ 1.368 công ty tại Trung Quốc. Trong khi đó, tháng trước chỉ có hơn 130 công ty nộp đơn, bằng 1/10 hiện tại.

“Đến giờ vẫn không có gì đột phá về metaverse ở Trung Quốc nhưng cuộc đua đăng ký thương hiệu đã bắt đầu”, Securities Daily nêu. Khái niệm vũ trụ ảo bùng nổ đã thu hút sự chú ý của các công ty công nghệ lớn và việc đầu tiên họ làm là tìm cách sở hữu bản quyền tên gọi trong mọi lĩnh vực có thể ứng dụng xu hướng này.

Khách tham quan trải nghiệm công nghệ lái môtô ảo tại Hội nghị công nghiệp VR quốc tế hồi tháng 10/2021 tại Giang Tây, Trung Quốc. Ảnh: China Daily

Khách tham quan trải nghiệm công nghệ lái môtô ảo tại Hội nghị công nghiệp VR quốc tế hồi tháng 10 tại Giang Tây, Trung Quốc. Ảnh: China Daily

Một số nhà sản xuất ôtô mới nổi và công ty thiết bị gia dụng như Hisense Group cũng thể hiện tham vọng với hàng loạt thương hiệu liên quan metaverse đang chờ cấp phép. Tuy nhiên, các công ty công nghệ vẫn chiếm phần lớn trong “câu lạc bộ metaverse”. Trong đó, Tencent đăng ký cho gần 100 nhãn nhiệu như QQ Meta Universe, QQ Music Meta Universe, Northern Light Meta Universe, Tencent Music Meta… Huawei cũng nộp đơn xin sở hữu “Meta OS”.

Nhà phân tích Su Xiaorui của Analysys nói với Securities Daily rằng khái niệm vũ trụ ảo đang trở thành cuộc chiến mới tại Trung Quốc. Có thể cơ quan chức năng sẽ có những quy định chặt chẽ hơn để tránh những tranh chấp thương hiệu có thể phát sinh thời gian tới.

Bên cạnh những công ty đã chuẩn bị sẵn lộ trình để bước vào vũ trụ ảo, một số công ty nộp hồ sơ như một cách để xây dựng thương hiệu chứ chưa có kế hoạch rõ ràng sẽ làm gì trong xu hướng đó.

Theo Wang Pengbo, nhà phân tích tài chính cấp cao của Broadcom, việc đăng ký nhãn hiệu metaverse nở rộ là tín hiệu tốt của thị trường. Tuy nhiên, không phải ngành nào cũng cần đến metaverse. Hiện vũ trụ ảo mới xoay quanh một số lĩnh vực liên quan đến game, AR, văn phòng kinh doanh trực tuyến…

Chen Wen, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh tế kỹ thuật số của Đại học Kinh tế tài chính Tây Nam, nói: “Còn nhiều nút thắt về metaverse chưa thực sự được tháo gỡ. Thực tế, việc ứng dụng công nghệ này mới chỉ có ý nghĩa với một số ngành. Nếu metaverse giải quyết được các vấn đề nhức nhối của xã hội trong khuôn khổ luật pháp cho phép, trong tương lai công nghệ này sẽ còn phát triển mạnh hơn nữa”. Ông cho rằng nếu các công ty chạy theo việc xây dựng một thế giới ảo chỉ để thoả mãn một vài nhu cầu của các trào lưu tức thời, công nghệ này chỉ có thể tồn tại được trong một thời gian ngắn.

Mỹ Quyên (theo Sina)

[ad_2]