[ad_1]

Thông tư 16/2021/TT- NHNN quy định về việc mua trái phiếu doanh nghiệp được ví như “lằn ranh đỏ” phiên bản Việt, tạo van nắn dòng vốn tín dụng không chảy vào những lĩnh vực nóng gây bất ổn vĩ mô.

Nóng trái phiếu “ba không”

Trước sự phát triển nhanh chóng của thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong vài năm trở lại đây, việc hoàn thiện khung pháp lý, minh bạch thông tin, cũng như đảm bảo sự phát triển lành mạnh bền vững của thị trường trái phiếu doanh nghiệp là yếu cầu cấp thiết. Ngày 10/11/2021, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Thông tư 16/2021/TT- NHNN thay thế Thông tư số 22/2016/TT-NHNN và Thông tư số 15/2018/TT-NHNN quy định việc tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua trái phiếu doanh nghiệp (TPDN).

Trên thị trường hiện nay đang lan truyền một loại trái phiếu mang tên “ba không” tiềm ẩn nhiều rủi ro. Ảnh minh hoạ

Theo ông Nguyễn Minh Tuấn, CEO AFA Capital, bước sang năm 2021, lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp theo quý có tốc độ tăng trưởng rất mạnh, cụ thể như trong 9 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm ngoái, thị trường tiếp tục tăng trưởng 29% và đạt con số 431.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp chỉ tập trung vào một số nhóm có khối lượng rất lớn đó là ngân hàng đang chiếm 30,8%, các doanh nghiệp bất động sản 45,6% (201,9 nghìn tỷ đồng), 15% còn lại có phát triển hạ tầng 3,9%, năng lượng và khoáng sản 5% và các định chế tài chính khác.

“Tuy nhiên hiện nay, trên thị trường đang lan truyền một loại trái phiếu mang tên “ba không” đó là: Doanh nghiệp phát hành trái phiếu không có xếp hạng tín nhiệm; Không có tài sản đảm bảo (chiếm 26% khối lượng phát hành); và Không có bảo lãnh thanh toán, nghĩa là khi trái phiếu đó gặp rủi ro thì không có bên đứng ra bảo lãnh thanh toán. Những trái phiếu này tiềm ẩn rất nhiều rủi ro”, ông Tuấn thông tin.

Chính vì vậy, Thông tư 16 đang tập trung vào một số các vấn đề mang tính hệ thống hơn. Đầu tiên là, để tham gia, ngân hàng phải đặt tiêu chuẩn là không có nợ xấu và tỷ lệ nợ xấu dưới 3% theo kỳ phân loại gần nhất của NHNN.

Thứ hai là, mục đích mua và bán được quy định rất chặt chẽ như: Tổ chức tín dụng (TCTD) không được mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong đó có mục đích để cơ cấu lại các khoản nợ của chính doanh nghiệp phát hành; để góp vốn mua cổ phần tại doanh nghiệp khác; hay có mục đích để tăng quy mô vốn hoạt động.

Thứ ba, TCTD không được bán trái phiếu doanh nghiệp cho công ty con của chính TCTD đó, trừ trường hợp tổ chức tín dụng là bên nhận chuyển giao bắt buộc bán trái phiếu doanh nghiệp cho ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc.

Thêm một điểm mang tính kỹ thuật đáng chú ý là, trong vòng 12 tháng sau khi bán trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết, TCTD không được mua trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết mà TCTD đã bán và/hoặc trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết được phát hành cùng đợt phát hành với trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết mà TCTD đã bán.

Tại sao lại có những quy định mang tính kỹ thuật như vậy? Vị CEO AFA Capital cũng lý giải, bởi trái phiếu doanh nghiệp cũng được tính vào hạn mức tăng trưởng tín dụng, cũng như khi ngân hàng phát hành trái phiếu thì sẽ có tỷ lệ an toàn vốn thay đổi, cho nên các ngân hàng khi mua đi bán lại với nhau, sẽ giúp nhau thay đổi các tỷ lệ đó. Vì vậy Thông tư mới này sẽ tác động trực tiếp đến các hoạt động đó. Đặc biệt vào thời điểm cuối năm, thông thường các ngân hàng sẽ chạm vào các hạn mức tăng trưởng tín dụng, hoặc có vấn đề thay đổi về lợi nhuận thì sẽ có những giao dịch Repo (giao dịch mua lại).

“Lằn ranh đỏ” phiên bản Việt

Về tác động của Thông tư 16, ông Phan Lê Thành Long, chuyên gia tài chính đánh giá, có một số điểm trọng yếu như sau:

Một là, không được mua trái phiếu phát hành để trả nợ cũ, thực tế rất nhiều doanh nghiệp phát hành trái phiếu dài hạn 5-10 năm, nhưng trái chủ được quyền bán lại cho doanh nghiệp phát hành sau 1 năm, thực chất là trái phiếu ngắn hạn. Vì thế một lượng lớn trái phiếu phát hành mới là để mua lại (đảo nợ) trái phiếu cũ.

Thông tư 16 được ví như như “lằn ranh đỏ” phiên bản Việt ở mức độ nhẹ đang tạo van nắn dòng vốn tín dụng không chảy vào những lĩnh vực nóng, có thể gây bất ổn vĩ mô. Ảnh: Nam Khánh

Hai là, không được mua trái phiếu phát hành với mục đích đầu tư vào doanh nghiệp khác – vay để thâu tóm. Nghiệp vụ này nhà phát triển bất động sản Evergrande của Trung Quốc đã dùng rất nhiều, để thâu tóm dự án thông qua mua lại doanh nghiệp sở hữu dự án. Do đó, quy định này ngăn ngừa các giao dịch tương tự ở Việt Nam.

Ba là, không được mua lại trái phiếu vừa bán, chỉ được mua lại sau 12 tháng, nghĩa là ngăn nghiệp vụ Repo trái phiếu, làm đẹp các con số.

“Thông tư 16 cho thấy tầm nhìn cao của NHNN. 45% giá trị trái phiếu 9 tháng đầu năm 2021 là do doanh nghiệp bất động sản (BĐS) phát hành. Trong khi trái phiếu doanh nghiệp BĐS cũng là loại trái phiếu có cam kết mua lại lớn nhất, ngành BĐS cũng là ngành vay để thâu tóm lớn nhất. Có vẻ như “lằn ranh đỏ” phiên bản Việt ở mức độ nhẹ đang tạo van nắn dòng vốn tín dụng không chảy vào những lĩnh vực nóng, có thể gây bất ổn vĩ mô.

Có thể thấy, ổn định vĩ mô là điều kiện tiên quyết để doanh nghiệp phát triển kinh doanh. Bài học tăng trưởng nóng năm 2006-2008 với tăng trưởng tín dụng “khủng” dẫn tới đình lạm trong giai đoạn 2008-2013, khiến Chính phủ ngày càng kiên định hơn với mục tiêu ổn định vĩ mô”, vị chuyên gia phân tích.

Còn theo đánh giá của công ty chứng khoán VCBS, dưới định hướng của Chính phủ về phát triển thị trường vốn nói chung, thị trường trái phiếu nói riêng, ngân hàng là một trong những thành viên tham gia trên thị trường trái phiếu. Việc ban hành Thông tư 16/2021/TTNHNN quy định các hoạt động được phép đối với danh mục đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của các ngân hàng, là phù hợp và cấp thiết đối với thị trường. Nhìn chung, Thông tư 16 định hướng an toàn hệ thống, tăng cường kiểm soát chặt chẽ trong giao dịch trái phiếu doanh nghiệp, quản trị hoạt động và hoạt động cấp tín dụng tổng chung.

“Chúng tôi nhận thấy thông điệp đảm bảo tỷ lệ nợ xấu ở mức an toàn và chất lượng tín dụng được đặt lên hàng đầu. Tiếp đó, các sản phẩm trái phiếu doanh nghiệp cũng có những quy định chặt chẽ trong tiêu chí lựa chọn và nguyên tắc giao dịch. Nhà điều hành cũng lưu ý đến quy định nội bộ nhằm giám sát và đánh giá định kỳ, cũng như trao nhiều quyền chủ động hơn cho ngân hàng.

Ngoài ra, quy định tại Thông tư 16 rút gọn hơn và gắn liền với thực tiễn hoạt động mà vẫn hướng tới đảm bảo thị trường phát triển bền vững. Điều này cho thấy sự lắng nghe của nhà điều hành, động thái điều chỉnh phù hợp với diễn biến và kỳ vọng thị trường”, chuyên gia từ VCBS nhận định.

VCBS cũng kỳ vọng, trong ngắn hạn, hoạt động giao dịch trái phiếu doanh nghiệp đến từ TCTD nhiều khả năng sẽ được đẩy mạnh trong giai đoạn chuyển tiếp, trước khi Thông tư đi vào hiệu lực. Khi các quy định chặt chẽ trong Thông tư đi vào hiệu lực từ ngày 15/01/2022, VCBS ước tính Thông tư có ảnh hưởng tới khoảng 20% lượng trái phiếu phát hành mới trên thị trường, Thông tư sẽ định hướng TCTD giao dịch trái phiếu doanh nghiệp chất lượng, đảm bảo dòng tiền dưới hình thức mua trái phiếu hay cho vay, đồng thời quản trị rủi ro tín dụng phát sinh sau này. Đây sẽ là những yếu tố cần thiết cho hoạt động mua và nắm giữ dài hạn đối với danh mục trái phiếu doanh nghiệp của TCTD.

[ad_2]