[ad_1]

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Đào Trung Chính, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho rằng, Luật Đấu giá của Việt Nam hiện còn nhiều lỗ hổng về các quy định về nguồn vốn, điều kiện của các doanh nghiệp (DN) khi tham gia đấu giá. Do vậy, rất dễ xảy ra tình trạng DN lợi dụng bắt tay, trục lợi và sẵn sàng bỏ cọc bất cứ lúc nào.

Trước thực tế 2 DN tham gia đấu giá đất tại Thủ Thiêm cũng chưa nộp tiền sử dụng đất và đứng trước nguy cơ bỏ cọc, ông Chính nói: Sau khi vụ đấu giá đất ở Thủ Thiêm thực hiện xong, dư luận cũng xôn xao nhiều về việc giá đất ở Thủ Thiêm bất thường, Bộ TNMT đã sớm có báo cáo Thủ tướng về vụ việc.

Về khách quan, khi DN đấu giá đất giá càng cao, Nhà nước sẽ thu được ngân sách càng nhiều. Tuy nhiên, với giá đất cao đến 2,4 tỷ đồng/m2, ngay cả cơ quan chức năng cũng không thể nghĩ đến. Trong vụ đấu giá này, chúng tôi nhận định yếu tố thổi giá và có “bàn tay” của nước ngoài. Cơ quan chức năng đang làm rõ thêm. Nhiều khả năng 2 DN còn lại cũng sẽ bỏ cọc.

Làm rõ hành vi “thổi giá” đấu thầu đất Thủ Thiêm

Ông Đào Trung Chính, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đất đai

Việc DN trả giá khủng gấp cả chục lần khởi điểm, và chưa có tiền lệ, chúng tôi cho rằng có thể khiến cho giá đất ở xung quanh khu vực này được nâng giá lên rất nhiều, đồng thời kéo giá đất ở những khu vực khác.

Về việc DN bỏ cọc với giá cao, ông Chính cho biết, DN chỉ mất một tiền cọc nhỏ so với những gì đạt được. Chẳng hạn, Tân Hoàng Minh chỉ đặt cọc 600 tỷ đồng. Nhưng hiện ở TPHCM và một số khu đất có vị trí đắc địa như Thủ Thiêm, giá biệt thự có thể lên tới vài trăm tỷ/căn; không thấm vào đâu so với lợi nhuận của DN, dẫn đến trường hợp họ có thể sẵn sàng chấp nhận mất cọc.

Ngoài ra, khi giá đất tăng cao, giá cổ phiếu của DN cũng được hưởng lợi, đồng thời DN tăng khả năng đáo nợ hoặc vay thế chấp ngân hàng với nguồn tín dụng lớn hơn. Những vấn đề này chưa có đơn vị nào có thể tính hết được.

Ông Chính cũng nhận định có lỗ hổng rất lớn trong các quy định về đấu giá bất động sản. Cụ thể Luật Đấu giá của Việt Nam chưa quy định chặt chẽ về nguồn vốn, điều kiện của các DN khi tham gia đấu giá. Do vậy, DN chỉ cần hoạt động trong ngành kinh doanh bất động sản, và có tiền đóng cọc là có thể tham gia đấu giá đất. Đặc biệt, quy định về thời gian đóng tiền cọc kéo dài và nên DN sẵn sàng bỏ.

“Đã đến lúc cơ quan chức năng phải nghiên cứu sửa đổi các quy định về đấu giá, trong đó quản lý chặt về vấn đề tín dụng. DN khi tham gia đấu giá phải chứng minh được nguồn tiền lấy ở đâu, bởi ngay từ đầu họ đã xác định rõ mình sẵn sàng trả bao nhiêu tiền để sở hữu lô đất này. Còn với thời gian nộp tiền sử dụng đất thì phải rút ngắn. Mức nộp phải căn cứ trên mức giá đấu trúng chứ không phải giá khởi điểm”, ông Chính nói.

Theo ông Chính, hiện tại, Bộ TN&MT đã chỉ đạo các địa phương tập trung rà soát, kiểm tra công tác tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn đảm bảo đúng pháp luật, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định pháp luật, ngăn chặn hành vi lợi dụng đấu giá quyền sử dụng đất để gây nhiễu loạn thị trường, trục lợi. Đặc biệt, việc đấu giá tại những khu đất “vàng”, không để xảy ra tình trạng thông đồng, móc ngoặc, cạnh tranh không bình đẳng trong các cuộc đấu giá.

[ad_2]